Lý giải việc 'ùn ùn' làm điện mặt trời

Điện mặt trời là dạng năng lượng 'trời cho', nhưng sử dụng thế nào, hiệu quả ra sao là câu chuyện hoàn toàn khác.

Vì mức giá hấp dẫn nên thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư "ùn ùn" xin làm dự án điện mặt trời, dẫn đến quy hoạch bị phá vỡ.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, trong điều kiện các nguồn thủy điện được khai thác gần hết, thì việc phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là rất cần thiết và là xu thế của thế giới. Năng lượng mặt trời là dạng năng lượng “trời cho”, nhưng vấn đề sử dụng thế nào, hiệu quả ra sao là câu chuyện hoàn toàn khác. Với việc đầu tư không đồng bộ, không có cơ chế vận hành thích hợp, điện mặt trời có thể gây mất ổn định hệ thống điện, gây tụt áp, rã lưới...

Cụ thể, nguồn điện mặt trời chỉ hoạt động khi nắng tốt, gần như không hoạt động ở những thời điểm như trời mưa, trời nhiều mây mù hay ban đêm, trừ khi có hệ thống pin, ắc-quy tích điện. Đối với những dự án điện mặt trời quy mô lớn, hệ thống tích trữ này nhiều nhất cũng chỉ thêm 3-5 giờ, nhưng chi phí đầu tư rất đắt đỏ.

Một dự án bình thường, để đầu tư 1 MW điện mặt trời, tốn 1 triệu USD, nếu kèm theo bộ tích điện, thì chi phí tăng lên gấp đôi. Vì vậy, khi hàng ngàn MW điện mặt trời được nối lưới, ngành điện vẫn phải tính toán phát triển nguồn bù vào hệ thống khi điện mặt trời không hoạt động... “Nói thì dễ, nhưng đây là vấn đề kỹ thuật phức tạp, các bên từ chủ đầu tư điện mặt trời, địa phương và ngành điện... phải họp bàn xây dựng quy trình điều độ rất phức tạp”, ông Ngãi nói.

Vẫn theo ông Ngãi, việc phát triển ồ ạt điện mặt trời, điện gió có mặt tích cực là tăng tỷ trọng khai thác nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát sinh nguồn điện trực tiếp gây ô nhiễm... Tuy nhiên, quá nhiều dự án điện mặt trời phát triển cùng lúc ở một khu vực, khi đấu nối vào đường dây hiện hữu, sẽ dẫn đến khả năng phải đầu tư thêm lưới điện truyền tải, trạm biến áp... Dĩ nhiên, các chi phí này đều tính vào giá thành điện, chứ Nhà nước hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không thể gánh nổi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng quy hoạch riêng cho điện mặt trời phải được cân đối trong tổng thể Quy hoạch Phát triển điện quốc gia, bởi tất cả các nguồn đều nối lưới và được điều độ chung do tính chất đặc biệt của điện là sản xuất và tiêu thụ đồng thời, khác hẳn các loại hàng hóa khác. Tuy nhiên, ngay sau khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, đã có một cuộc đổ bộ rầm rộ vào làm dự án điện mặt trời.

Ông Bùi Vạn Thịnh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình cho rằng, mức giá mua điện là 9,35 UScent/kWh là quá tốt để thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án điện mặt trời. Vì mức giá hấp dẫn này mà thời gian qua, nhiều nhà đầu tư ùn ùn xin làm dự án điện mặt trời, dẫn đến quy hoạch bị phá vỡ.

Theo ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID), việc phát triển năng lượng tái tạo như mặt trời và gió, Bộ Công Thương đang làm ngược, vì cho đến nay Việt Nam chưa có quy hoạch quốc gia về năng lượng tái tạo. Lẽ ra Bộ Công Thương phải lập quy hoạch trước, vùng nào có công suất bao nhiêu, hệ thống đường dây truyền tải như thế nào, vận chuyển ra sao, sau đó mới đưa ra giá mua điện bao nhiêu, thời hạn mua là bao nhiêu.

Tuy nhiên, Bộ Công thương lại đưa ra giá mua là 9,35 cent/1kWh trước khi thực hiện các bước. Hậu quả là nơi nào có tiềm năng lớn là các nhà đầu tư xông vào làm nhà máy trong khi chưa có quy hoạch lưới truyền tải mà vẫn dựa vào lưới hiện có. "Như vậy nguy cơ nơi xây nhiều, nơi có nhiều nguồn mà lưới truyền tải không đủ, gây quá tải là hiển nhiên", ông Sính phân tích và cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng rất kịp thời nhằm nhắc Bộ Công thương phải làm quy hoạch cho đúng.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/ly-giai-viec-un-un-lam-dien-mat-troi-143145.html