Lý giải xây nhà hát 1.500 tỷ: Vẫn băn khoăn

Không phản đối xây nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch nhưng các ý kiến đều cho rằng cần cân nhắc lại thời điểm xây dựng công trình này.

Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM vừa có báo cáo một số thông tin về dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở TP.HCM, gửi tới kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Trong báo cáo này, Đoàn ĐBQH TP.HCM khẳng định, chủ trương xây nhà hát không ảnh hưởng đến lợi ích của người dân khiếu nại ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nguồn vốn xây dựng nhà hát này đã được ngân sách thành phố để riêng từ năm 2014, không sử dụng cho mục đích khác. Như vậy, lẽ ra nhà hát phải được khởi công xây dựng từ trước năm 2015. TP.HCM cũng khẳng định thành phố đã đầu tư cho giáo dục và y tế rất lớn so với nhà hát.

Báo cáo của Đoàn ĐBQH TP.HCM nhấn mạnh, nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch TP.HCM tại Thủ Thiêm, với 1.700 chỗ ngồi, có thể tổ chức các buổi diễn ngoài trời, kết nối thuận tiện với quận 1, quận 4, sẽ phục vụ nhu cầu văn hóa và chính trị của hơn 10 triệu người TP và 33 triệu người dân phía nam và bạn bè quốc tế đến giao lưu, tham quan và du lịch tại TP.HCM.

Trao đổi với Đất Việt, một số nhà chuyên môn vẫn bày tỏ băn khoăn với những nội dung mà báo cáo trên đưa ra.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM) khẳng định, ông vẫn chưa hào hứng đối với chủ trương xây nhà hát 1.500 tỷ đồng tại khu vực Thủ Thiêm của UBND TP.HCM sau khi nghe nội dung báo cáo của Đoàn ĐBQH TP.

Phân tích cụ thể, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho hay, xã hội vẫn còn quá nhiều việc cần phải chi, người dân phải lo ăn no mặc ấm rồi mới nghĩ đến chuyện ăn ngon mặc đẹp, vui chơi.

Theo các chuyên gia, TP.HCM nên ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp thiết khác của người dân hơn là xây dựng nhà hát vào thời điểm này. Ảnh minh họa

"Xây dựng nhà hát là một nét văn hóa nhưng điều kiện xã hội lúc nào cần thì hẵng làm, không phải xây để lấy tiếng thơm. Chưa kể, đối với thể loại nhạc giao hưởng không phải ai cũng có nhu cầu và việc xây dựng nhà hát đối với đại bộ phận dân chúng chưa phải là nhu cầu bức thiết.

Nếu cơ quan quản lý nhà nước TP.HCM cho rằng đây là chủ trương đã được phê duyệt cách đây nhiều năm, họ là người chấp hành, đời trước chưa hoàn thành thì đời sau hoàn thành, tôi cho rằng đó là tư duy hành chính, không phải tư duy vì cộng đồng.

Trên quan điểm thực tiễn xã hội, nên quan tâm tới xã hội, cộng đồng trước tiên, quan tâm đến quyền lợi cho đại đa số người dân trước tiên chứ không phải vì làm cho hết nhiệm vụ.

Mặt khác, Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra rất nhiều sai phạm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, điều TP.HCM cần làm là giải quyết quyền lợi cho những người dân đã đeo đuổi đi kiện suốt mấy chục năm, sống trong cảnh khốn khó.

Tiền bán đất 23 Lê Duẩn nên để dành ưu tiên cho việc khác, sau này khi đời sống người dân khấm khá hơn, có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao thì lúc ấy huy động vốn xã hội hóa để xây nhà hát", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh bày tỏ quan điểm.

Ông Ninh cũng chỉ ra một số điểm ông vẫn còn băn khoăn. Thứ nhất, tần suất sáng đèn của các nhà hát trên địa bàn ra sao cần có thống kê cụ thể. Bên cạnh đó, thực tế là không gian một số nhà hát đã được cho thuê thương mại để lấy tiền.

Thứ hai, lâu nay TP.HCM không phải không để ý đến việc xây dựng trường học, bệnh viện nhưng nhu cầu vẫn còn lớn, vì thế TP vẫn phải ưu tiên giải quyết, dùng đồng tiền cho đúng lúc, đúng chỗ.

"Nếu tính rằng chi phí xây dựng Nhà hát Nhà hát Giao hưởng, Nhạc kịch, Vũ kịch là 1.500 tỷ đồng, tương đương 4,2% mức đầu tư này dành cho xây bệnh viện và trường học thì tại sao vẫn còn tình trạng 3-4 người chung một giường bệnh, tại sao người dân vẫn phải nằm ngoài hành lang bệnh viện? Tại sao thiếu giáo viên mầm non và lớp học mầm non có nơi lên tới 40-50 cháu? Những chuyện đó cần chi tiền hơn so với việc làm ngay nhà hát Thủ Thiêm", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nói.

Vị Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM) nhấn mạnh, ông không phản đối việc xây nhà hát nhưng thời điểm này là chưa cần thiết và TP.HCM cần quan tâm đến những vấn đề khác quan trọng hơn của xã hội.

Cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã cung cấp những thông tin cơ bản và lý giải về tính cần thiết của việc xây dựng nhà hát.

"Xây dựng được cũng là tốt, nhưng vấn đề là thời điểm. Thậm chí tôi cho rằng 1.500 tỷ để xây một nhà hát biểu trưng cho TP.HCM thì không đủ, nó cần tới một nhà hát đàng hoàng hơn, có kiến trúc tiêu biểu hơn và chi phí cũng lớn hơn con số 1.500 tỷ.

Nếu TP.HCM xây sớm thì chỉ được chừng đó, nhưng nếu xây muộn hơn, khi kinh tế đã khá hơn, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của người dân cũng tăng lên, chúng ta sẽ có điều kiện xây dựng nhà hát khang trang hơn bằng chính nguồn vốn xã hội hóa.

TP cần cân đối sự bức xúc của nhu cầu người dân, xem hiện người dân đang cần cái gì nhất thì đầu tư giải quyết", TS.KTS Võ Kim Cương bày tỏ.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ly-giai-xay-nha-hat-1500-ty-van-ban-khoan-3368127/