Ly hôn và những hệ lụy

Theo tổng hợp từ Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2023, đơn vị đã thụ lý trên 1.640 vụ ly hôn, tăng qua từng năm. Đáng chú ý, số vụ ly hôn chủ yếu ở người trẻ sau 5 năm đầu chung sống (phổ biến ở lứa tuổi từ 25-30).

Ly hôn không chỉ gây tổn thương cho hai vợ chồng, mà còn ảnh hưởng lớn đến con trẻ.

Theo tổng hợp từ Tòa án nhân dân (TAND) TP. Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2023, đơn vị đã thụ lý trên 1.640 vụ ly hôn, tăng qua từng năm. Đáng chú ý, số vụ ly hôn chủ yếu ở người trẻ sau 5 năm đầu chung sống (phổ biến ở lứa tuổi từ 25-30).

Nhiều năm giải quyết các vụ ly hôn trên địa bàn, Thẩm phán Vũ Thị An, TAND TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng ly hôn gia tăng trong các gia đình trẻ. Song đầu tiên phải kể tới là các cặp vợ chồng kết hôn khi tuổi đời còn trẻ, yêu nhanh, cưới vội, chưa được trang bị tốt kỹ năng sống trong hôn nhân, chưa có sự chuẩn bị kỹ về kinh tế, tâm lý. Bởi vậy, khi chung sống dễ nảy sinh mâu thuẫn, hai người lại thiếu kinh nghiệm hóa giải. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế trở thành áp lực khiến họ không thể tìm được tiếng nói chung.

Thẩm phán Vũ Thị An, Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên, trao đổi, giải quyết vụ ly hôn của một cặp vợ chồng trẻ.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn tới ly hôn trong giới trẻ gia tăng, như: Định kiến về giới tính (do không sinh được con trai), bạo lực gia đình, một trong hai người ngoại tình hay vướng vào tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, hoặc bị bệnh tật không có khả năng có con…

Sau 5 năm chung sống, hai vợ chồng ở một phường trung tâm thành phố có với nhau một đứa con ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Song hạnh phúc của họ không bền lâu vì người vợ sau khi sinh xin đi làm ở khu công nghiệp. Hai năm đi làm công nhân, người vợ có quan hệ tình cảm với một đồng nghiệp. Sự việc bị người chồng phát hiện và cả hai đã nhanh chóng ra tòa giải quyết ly hôn, con gái 4 tuổi ở với người bố.

Ly hôn rõ ràng là cách để nhiều đôi vợ chồng “giải thoát” cho nhau khi không thể dung hòa trong cuộc sống hôn sau. Hậu ly hôn, nhiều người vợ, hoặc chồng đã cân bằng và có cuộc sống hạnh phúc hơn, song con số ấy không nhiều. Phần đa phía sau mỗi cuộc ly hôn là những giọt nước mắt xót xa, không ít hoàn cảnh bất hạnh, những đứa con khi lớn lên chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu sự chăm sóc, giáo dục của cả bố và mẹ.

Như trường hợp ly hôn chúng tôi dẫn chứng phía trên, do không thể tha thứ cho vợ, người chồng “bơm” vào đầu con những hình ảnh xấu về người mẹ để đứa bé ghét mẹ mình. Anh cũng ngăn cản, hạn chế để con tiếp xúc với mẹ vì sợ bị ảnh hưởng. Điều này đã và đang khiến tuổi thơ của cháu bé không được hạnh phúc, phát triển trọn vẹn.

Trò chuyện với nhiều thẩm phán đã và đang tham gia giải quyết các vụ ly hôn trên địa bàn TP. Thái Nguyên, tôi thấy họ đều thương cảm những đứa trẻ đứng giữa cuộc ly hôn của bố mẹ. Dù nguyên tắc xét xử không để những đứa con tham dự phiên tòa song với những trường hợp trẻ từ 7 tuổi trở lên, tòa sẽ phải tìm hiểu nguyện vọng con muốn ở với bố hay mẹ. Có trường hợp các con chịu áp lực từ bố hoặc mẹ nên không dám bày tỏ chính kiến của mình. Về điều kiện kinh tế, nhiều trẻ sau khi bố mẹ ly hôn tuy được chăm sóc đầy đủ về vật chất, song lại thiếu tình yêu thương, nuôi dưỡng của bố mẹ và vô tình “mắc kẹt” giữa hai người thân thiết nhất của mình.

Cá biệt, có trường hợp cha, mẹ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, các em lớn lên nhờ sự cưu mang của người thân; có em còn bị bỏ rơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nhân cách và lối sống của trẻ, dẫn tới phát sinh những hành vi vi phạm pháp luật. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng.

Theo các điều tra viên của Công an TP. Thái Nguyên, phần lớn các em chưa đủ 18 tuổi phạm tội có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em sống trong gia đình bố hoặc mẹ phạm tội hay ly hôn. Chính vì thiếu sự giáo dục, dạy dỗ của bố mẹ nên các em dễ bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, dẫn tới vi phạm pháp luật.

Để hạn chế sự gia tăng các vụ ly hôn, nhất là ly hôn trong người trẻ trên địa bàn, góp phần củng cố và xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, nhiều chuyên gia phân tích: Nếu trước khi bước vào hôn nhân, các bạn trẻ được học qua các lớp tiền hôn nhân, nắm vững những kiến thức về gia đình thì sẽ không bỡ ngỡ.

Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Hồng Nhung, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cho biết: Cần nâng cao chất lượng giáo dục trong gia đình cũng như nhà trường và xã hội đối với giới trẻ, trong đó đặc biệt chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống. Và điều cốt lõi nhất trong cuộc sống hôn nhân là mỗi cặp vợ chồng cần tôn trọng những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, nhận thức rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình, biết yêu thương, chia sẻ, sống thủy chung và hết lòng chăm lo cho tương lai của các con.

Thẩm phán Trần Văn Cần, Phó Chánh án TAND TP. Thái Nguyên, cho rằng: Vai trò của cộng đồng dân cư, xã hội cũng vô cùng quan trọng để xây dựng mỗi gia đình thực sự là tế bào của xã hội. Việc các cấp, ngành quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, thực hiện hiệu quả và nhân rộng các mô hình, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ cũng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ly hôn...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202311/ly-honva-nhung-he-luy-6390da6/