Lý Huỳnh, Lý Hùng đưa võ thuật lên màn ảnh Việt

Võ thuật Việt Nam vang danh từ lâu đời. Nhưng đưa võ thuật lên màn ảnh rộng và thành công rực rỡ phải kể đến cố NSND Lý Huỳnh.

Mùa giỗ Tổ nghề Sân khấu, gia đình tài tử điện ảnh Lý Hùng lại cùng nhớ về cha, một trong bốn ngôi sao của Nam Kỳ (Nam Kỳ tứ tú). Theo nghệ sĩ Diệu Hiền- “đệ nhất đào võ” một thời, NSND Lý Huỳnh là người đầu tiên ở Việt Nam làm được điều này.

Những bộ phim Long hổ sát đấu, Hải vụ 709… in đậm trong kí ức khán giả bởi những màn võ thuật ấn tượng. Tài tử điện ảnh Lý Hùng- con trai ông kế nghiệp, là tên tuổi bảo chứng phòng vé với những màn võ thuật, đua xe, bắn súng cự phách. Lý Hùng là diễn viên số 1 của dòng phim thị trường thập niên 90.

Trước năm 1975, Lý Huỳnh là một võ sư đình đám tại Việt Nam. Cùng với ba võ sư Từ Thiện (Hồ Văn Lành), Nguyễn Xuân Bình và Trần Xil, Lý Huỳnh được vinh danh vì thành tích trong việc đào tạo các võ sỹ tài năng, tạo thành "Nam kỳ tứ tú" (bộ bốn ngôi sao của Nam kỳ). Võ đường mở ra trên đường Phú Thọ quận 11, Sài Gòn nức tiếng ngày ấy để đào tạo, bồi dưỡng những người trẻ đam mê võ thuật.

Thập niên 90, hãng phim Lý Huỳnh là đầu tàu kéo khán giả Việt Nam trở về với phim Việt với những bộ phim như Thăng Long đệ nhất kiếm… Ông cũng là người mang đến cho điện ảnh Việt làn gió mới thời điểm đó khi hợp tác với điện ảnh Hồng Kông, Đài Loan trong những bộ phim như: Hồng hải tặc, Kế hoạch 99 – Lưới trời lồng lộng, Phi vụ phượng hoàng, Truy nã tội phạm

Đạo diễn Thanh Hiệp chia sẻ, những đóng góp của cố nghệ sĩ đối với điện ảnh nước nhà đã được giới chuyên môn, bình luận về điện ảnh và công chúng ghi nhận qua nhiều vai diễn, tác phẩm điện ảnh in sâu trong lòng người mộ điệu. NSND Lý Huỳnh nổi tiếng với chiêu "Liên hoàn bát cước", giải nghĩa theo giới võ thuật là tuyệt chiêu “tung người đá 8 cước trên không”.

Có một số diễn viên trẻ diễn những pha hành động không đạt, ngồi khóc vì tức và giận bản thân, lại bị đạo diễn trách mắng, ông lại gần bên khuyên nhủ, rồi hẹn một buổi tập luyện riêng dành cho diễn viên đó, để sau khi bấm máy, cả đoàn phim đều hài lòng”- đạo diễn Thanh Hiệp kể chuyện.

Cố NSND Lý Huỳnh có 6 người con. Trong đó, có ba người con nối nghiệp cha: Lý Hùng, Lý Hương và Lý Sơn.

Với Lý Hùng, NSND Lý Huỳnh không chỉ là ba mà còn là người thầy, người bạn lớn nhất trong cuộc đời anh.

Sinh ra trong lò võ, niềm say mê võ thuật đến với Lý Hùng như một lẽ tự nhiên. Nam tài tử bắt đầu học võ từ năm 6, 7 tuổi. 17 tuổi, Lý Hùng đã trở thành huấn luyện viên hỗ trợ giảng dạy cho những võ sinh mới. Học võ là đam mê, chẳng ngờ rằng đam mê ấy lại đưa cuộc đời anh rẽ sang hướng khác. Những năm 1990, võ đường đóng cửa, Lý Hùng tập trung vào sự nghiệp điện ảnh.

11 tuổi Lý Hùng bắt đầu đóng phim. 12 tuổi có vai diễn đầu tay. Nhưng chỉ đến năm anh 17 tuổi, khi vào vai Phạm Công trong bộ phim đình đám một thời Phạm Công- Cúc Hoa, Lý Hùng và dàn diễn viên Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh… một bước vụt sáng.

Với Lý Hùng, NSND Lý Huỳnh không chỉ là cha mà còn là người thầy, người bạn lớn nhất trong cuộc đời anh.

"Khi nhận kịch bản về, với lời thoại nhân vật mình đóng, tôi lấy cây viết lông gạch ở dưới, không gạch bị ba la ngay. Một cuốn kịch bản dày cộm hơn 200 trang, gạch chi chít, nhưng nhờ vậy cứ đến những chỗ gạch chân tôi tập trung, nhớ chắc chắn lời thoại. Một bộ phim, dài, nhiều phân đoạn, chỗ gạch nhớ để mình biết. Đến giờ tôi vẫn giữ thói quen này”- Lý Hùng kể chuyện.

Có một nghịch lý, Lý Hùng nổi tiếng rồi mới đi học. Anh là cựu sinh viên Đại học Điện ảnh Việt Nam (cơ sở 2 tại TP.HCM). Dù con trai đã nổi tiếng nhưng ba anh vẫn muốn anh phải học hành đàng hoàng, chuyên nghiệp. Vậy nên mới có chuyện, ngày đi thực tập cùng bạn bè ngồi hàng trên vỗ tay diễn vai quần chúng, đạo diễn nhận ra Lý Hùng nên đã mời anh bước ra, bởi nam tài tử nổi tiếng quá rồi, không ngồi diễn vai quần chúng nữa.

Phim võ thuật ngày xưa kĩ xảo chưa hiện đại, diễn viên phải vào vai toàn bộ, không có diễn viên đóng thế. Tai nạn nghề nghiệp là điều chẳng thể nào tránh khỏi. Trên cơ thể Lý Hùng có rất nhiều vết thẹo lớn nhỏ.

Phim Kế hoạch 99, anh có cảnh quay đánh với võ sư Hồng Kông. Ở nhà tập luyện kĩ là vậy nhưng ra hiện trường ô tô thắng bị lố một khoảng cách tầm 50 cm, người anh bay lên chạm vào kính ô tô bể nát, mảnh kiếng vỡ sắc nhọn đâm vào quần bò. Lý Hùng vẫn ráng đứng dậy diễn xong cảnh quay rồi vào thẳng bệnh viện may mười mấy mũi ở mông và đùi. Đoàn phim cho nghỉ một tuần để vết thương lành, nhưng anh chỉ nghỉ đúng 3 ngày lại đứng lên quay tiếp.

Trong bộ phim Người không mang họ, có một cảnh quay anh uống rượu đập vỡ chai thị uy. Sau cú đập, Lý Hùng nhập viện may 9 mũi. Bác sĩ bảo hên, chứ chút xíu nữa là anh bị cắt đứt gân luôn rồi. Cảnh quay bơi giữa hai làn đạn, chỉ mấy chục mét trong bộ phim này cũng khiến nhiều người thót tim. Gài kíp nổ thiệt. Trước khi quay, chú phụ trách nổ gọi Lý Hùng dặn dò kĩ: “Con ráng bơi vào giữa hai làn đạn nha con, con quơ lệch ra ngoài chút xíu là đứt ngón tay luôn, phải nhớ”. Lý Hùng ra hiện trường, tập dượt, bơi đi bơi lại nhiều lần. Vào vai, hên là nam tài tử bơi rất giỏi nên một phát ăn ngay. “Giờ nhớ lại thấy sợ, mà phải làm thôi”- Lý Hùng hài hước.

Đó cũng là một phần lý do Lý Hùng trở thành thần tượng của bao thế hệ 6x, 7x ngày ấy: “đẹp trai như Lý Hùng” “giỏi võ như Lý Hùng”… Phim có Lý Hùng dân xếp hàng dài mua vé. Nhớ ngày xưa, ở vùng quê thường có chiếu bóng ở sân lưu động, chiều chiều loa phát thanh thông báo, nghe có diễn viên Lý Hùng, bà con lại nôn nao ăn cơm sớm để đi xem.

Trong nhiều năm liền ở thập niên 1990, tài tử điện ảnh Lý Hùng được bình chọn là Nam diễn viên khả ái và Nam diễn viên được yêu thích nhất. Anh được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nam diễn viên đóng nhiều vai chính nhất phim Việt. NSND Lý Huỳnh đã rời cõi tạm, nhưng với Lý Hùng, sự nghiêm khắc của cha, những lời cha dạy luôn là bài học quý, sẽ theo anh suốt cuộc đời.

Nội dung: NGUYỄN TRÀ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ- LỮ ĐẮC LONG-NVCC. Đồ họa: THÙY TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-huynh-ly-hung-dua-vo-thuat-len-man-anh-viet-post698101.html