Lý Khai Phục: 'Đến nay không có chatbot hoặc công cụ AI nào của Trung Quốc đủ tốt'

Nhà tiên phong công nghệ Lý Khai Phục nói rằng Trung Quốc không có 'khoảnh khắc ChatGPT' như Mỹ cách đây 17 tháng.

01.AI, công ty khởi nghiệp ở thủ đô Bắc Kinh do Lý Khai Phục (cựu Chủ tịch Google Trung Quốc) thành lập, đang giới thiệu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên của mình cho người tiêu dùng.

Cụ thể hơn, 01.AI phát hành trợ lý năng suất miễn phí có tên Wanzhi, ứng dụng mới nhất trong loạt sản phẩm AI mà công ty đang phát triển.

Tương tự Office 365 Copilot của Microsoft, Wanzhi giúp người dùng tạo bảng tính, tài liệu và bản trình bày trình chiếu nhanh hơn, nhưng chủ yếu được thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc.

Wanzhi có thể giải thích các báo cáo tài chính, ghi lại nội dung cuộc họp và đọc nhanh các cuốn sách dài tới 600.000 từ của Elon Musk để đưa ra bản tóm tắt nhanh. Ứng dụng này hoạt động bằng tiếng Trung và tiếng Anh.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, Lý Khai Phục nói rằng Trung Quốc cần có ChatGPT của riêng mình để tăng tốc sự quan tâm, áp dụng và đầu tư. Chatbot AI ChatGPT được OpenAI phát hành vào cuối tháng 11.2022 nhưng bị cấm ở Trung Quốc.

“Với người Mỹ, thời điểm này đã xảy ra cách đây 17 tháng. Người dùng Trung Quốc không có khoảnh khắc ChatGPT. Đến nay, chưa có chatbot hay công cụ AI nào của Trung Quốc đủ tốt”, Lý Khai Phục nhận xét.

Trong khi các công ty Mỹ như OpenAI, Meta Platforms và Alphabet đã dẫn đầu về AI tạo sinh thì các hãng Trung Quốc đang nỗ lực hết mình để bắt kịp. Ngoài 01.AI, các hãng công nghệ lớn Trung Quốc như Baidu, Alibaba, ByteDance (công ty mẹ của TikTok) đang rót vốn để phát triển các mô hình AI và dịch vụ chatbot riêng.

Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ tài chính và đưa ra chính sách về AI. Trung Quốc cấm các mô hình AI nước ngoài một phần vì chế độ kiểm duyệt nội dung nghiêm ngặt, nhưng Great Firewall (Tường lửa vĩ đại) cũng đảm bảo rằng các công ty trong nước sẽ có một thị trường địa phương khổng lồ mà không có sự cạnh tranh từ bên ngoài.

Lý Khai Phục nói rằng Trung Quốc cần có ChatGPT của riêng mình để tăng tốc sự quan tâm, áp dụng và đầu tư - Ảnh: Getty Images

Sinh ra ở Đài Loan, Lý Khai Phục (62 tuổi) từng làm việc cho Apple và Google trước khi thành lập công ty đầu tư mạo hiểm của riêng mình hơn một thập kỷ trước. Ông trở thành Giám đốc điều hành 01.AI vào năm ngoái.

01.AI đã đạt được mức định giá 1 tỉ USD (hay trạng thái kỳ lân) trong vòng 8 tháng nhờ sức mạnh của mô hình AI nguồn mở vượt trội so với các đối thủ ở Thung lũng Silicon về một số thước đo chính.

Ngoài Wanzhi, 01.AI đang giới thiệu một mô hình ngôn ngữ lớn (công nghệ nền tảng cho chatbot AI) độc quyền lớn hơn được gọi là Yi-Large, nhắm đến người dùng doanh nghiệp.

Các nhà phát triển phần mềm sẽ có thể sử dụng Yi-Large với mức giá cạnh tranh. Lý Khai Phục cho biết giao diện lập trình ứng dụng (API) của Yi-Large sẽ có giá 2,50 USD cho 1 triệu token đầu vào và 12 USD cho 1 triệu token đầu ra. Khoảng 1 triệu token cho phép nhà phát triển gửi khoảng 250 truy vấn qua lại. Ông nói con số đó ít hơn nhiều so với GPT-4 Turbo của OpenAI.

Trong lĩnh vực AI và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, token là đơn vị của dữ liệu được sử dụng để biểu diễn văn bản. Token đầu vào và token đầu ra lần lượt mô tả cách mô hình AI tiếp nhận và xuất ra thông tin.

Giống như nhiều công ty Trung Quốc, 01.AI đã tích trữ bộ xử lý đồ họa (GPU) từ Nvidia kể từ khi rộ tin chính phủ Mỹ lên kế hoạch cấm xuất khẩu chip cao cấp sang quốc gia châu Á này, chẳng hạn H100 được sử dụng để đào tạo các dịch vụ AI hàng đầu.

Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đầu tư vào 01.AI, đã cung cấp thêm nguồn cung H100 cho công ty của Lý Khai Phục. Ngoài ra, 01.AI bổ sung nhu cầu của họ bằng GPU Nvidia H800 chậm hơn và kém mạnh mẽ hơn H100 một chút.

Lý Khai Phục cho biết: “Các mô hình AI của chúng tôi được đào tạo dựa trên những Nvidia H100 được đưa vào Trung Quốc một cách hợp pháp. Nghịch cảnh là mẹ của sự sáng tạo và chúng tôi tận dụng mọi thứ có thể từ khả năng tính toán có sẵn”.

Ngược lại với nhiều công ty khởi nghiệp AI toàn cầu, Lý Khai Phục cho biết 01.AI sắp có lãi. Sau khi đào tạo các mô hình AI trên các bộ dữ liệu Trung Quốc và thế giới, Lý Khai Phục đang đưa các mô hình và ứng dụng A này ra toàn cầu, đồng thời thu hút khách hàng trong và ngoài nước để tăng doanh thu vào năm tới.

Sau một tháng rưỡi thử nghiệm trên người dùng, 01.AI đang tung ra phiên bản Wanzhi dành cho trình duyệt PC (máy tính cá nhân) với các tính năng toàn diện hơn và phiên bản dành cho điện thoại di động, có thể truy cập thông qua dịch vụ nhắn tin WeChat. Lý Khai Phục xuất hiện trong các video hướng dẫn trên Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok) để hướng dẫn người dùng tiềm năng.

Ông cho biết: “2024 sẽ là năm bùng nổ đối với các ứng dụng AI tạo sinh ở Trung Quốc”.

Lý Khai Phục cho biết 01.AI sẽ hoàn thành việc huy động khoản đầu tư thứ hai trị giá 250 triệu USD trước vòng gọi vốn Series A trong vài tuần tới, và đến cuối năm nay sẽ bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư cho vòng Series A. 01.AI cũng tinh gọn các quy trình phần cứng và phần mềm của mình để tối đa hóa hiệu quả và giảm chi phí.

Lý Khai Phục nói: “Khi GPT-5 xuất hiện, chúng tôi sẽ đi sau một bước”, đề cập đến mô hình ngôn ngữ lớn thế hệ tiếp theo của OpenAI. Thế nhưng, 01.AI tập trung vào việc làm cho AI có giá cả phải chăng thay vì tạo ra những mô hình đồ sộ, đắt tiền hơn.

“Bạn có thể chế tạo một tàu vũ trụ khổng lồ tuyệt vời, nhưng nó có thể đưa bạn từ thành phố Sacramento đến San Francisco (Mỹ) không?”, ông đặt câu hỏi, ám chỉ việc tạo ra các mô hình lớn và phức tạp không nhất thiết là giải pháp tốt nhất mà cần tập trung vào giải pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Vị trí của Trung Quốc so với Mỹ trong lĩnh vực AI?

Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào nhiều mô hình AI nguồn mở được phát triển ở phương Tây, chẳng hạn dòng Llama của Meta Platforms (công ty mẹ Facebook và Instagram).

Vào tháng 3, Học viện AI Bắc Kinh tuyên bố phần lớn các mô hình AI nội địa thực sự được xây dựng dựa trên Llama, điều này đặt ra thách thức cho sự phát triển AI của Trung Quốc.

Học viện AI Bắc Kinh nói với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào thời điểm đó rằng Trung Quốc “thiếu nghiêm trọng tính tự chủ” trong lĩnh vực này.

Tháng 11.2023, 01.AI từng phải đối mặt với phản ứng dữ dội sau khi một số kỹ sư AI phát hiện ra rằng mô hình AI Yi-34B của họ được xây dựng dựa trên Llama.

Tuy nhiên, nhiều hãng công nghệ Trung Quốc, gồm cả Baidu, Huawei và iFlytek, đã nỗ lực phát triển các mô hình AI "hoàn toàn độc quyền". Một số trong đó tuyên bố rằng các mô hình AI của họ có khả năng ngang bằng với GPT-4 trong một số lĩnh vực.

Tuân theo mệnh lệnh từ Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm phát triển khả năng tự cung tự cấp công nghệ, chính quyền Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết để phát triển công nghệ AI “có thể quản lý được” của riêng mình.

Vào tháng 2.2023, China Daily (tờ báo được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn) cho biết ChatGPT “có thể giúp đỡ chính phủ Mỹ trong việc truyền bá thông tin sai lệch và thao túng các câu chuyện toàn cầu vì lợi ích địa chính trị của chính họ”.

Trung Quốc cũng tích cực ban hành các quy định về việc sử dụng AI tạo sinh, yêu cầu các dịch vụ phải được chính phủ phê duyệt trước khi công bố rộng rãi. Tính đến tháng 1.2024, Trung Quốc đã phê duyệt hơn 40 mô hình AI để sử dụng rộng rãi nhưng không có cái nào của nước ngoài.

Tháng 4.2023, một quan chức cấp cao ở Hồng Kông cho biết thành phố này không có kế hoạch cho phép sử dụng ChatGPT trong chính quyền địa phương.

Thái độ tích cực từ chính phủ Trung Quốc với công nghệ AI tạo sinh của Mỹ chủ yếu hướng vào việc so sánh xem nước này tụt hậu bao xa so với đối thủ trong việc phát triển AI, thay vì khuyến khích dùng công nghệ của Mỹ.

Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng 3.2023, một bộ trưởng đã lấy ví dụ về bóng đá để mô tả khoảng cách lớn giữa ChatGPT so với các sản phẩm AI của Trung Quốc.

Ông Vương Chí Cương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cho biết: "Chơi bóng đá bao gồm rê bóng và sút bóng, nhưng không dễ để giỏi như Messi", đề cập đến siêu sao người Argentina hiện khoác áo CLB Inter Miami (Mỹ).

Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành Google, nhận định Mỹ hiện có lợi thế hơn Trung Quốc trong lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng.

"Chúng ta (Mỹ) có thể đang dẫn trước Trung Quốc 2 hoặc 3 năm, điều đó gần như là cả một thế giới trong lĩnh vực của tôi. Tôi nghĩ chúng ta đang trong tình trạng khá tốt", doanh nhân 69 tuổi người Mỹ cho biết.

Eric Schmidt nói Mỹ có thể trở thành nước chiến thắng rõ ràng trong cuộc đua AI, miễn là không đánh mất lợi thế.

Đầu tháng 4, Thái Sùng Tín (đồng sáng lập và Chủ tịch Alibaba) cũng thừa nhận các hãng công nghệ Trung Quốc đang đi sau Mỹ 2 năm trong cuộc đua phát triển AI, khi tiếp tục phải vật lộn với những hạn chế xuất khẩu do chính quyền Biden áp đặt.

“Rõ ràng là Trung Quốc có phần tụt hậu”, Thái Sùng Tín nói, trích dẫn cách OpenAI đã vượt qua phần còn lại của ngành công nghệ về đổi mới AI. Ông cho biết hạn chế xuất khẩu của Mỹ ngăn cản các công ty Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến, chẳng hạn các bộ xử lý đồ họa (GPU) được săn đón từ Nvidia. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các hãng công nghệ ở Trung Quốc, gồm cả gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, theo Thái Sùng Tín.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ly-khai-phuc-den-nay-khong-co-chatbot-hoac-cong-cu-ai-nao-cua-trung-quoc-du-tot-217168.html