Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Thanh kiếm cổ luân lạc

Di vật của vị thanh quan nổi tiếng triều Nguyễn đã chìm nổi luân lạc trong dân gian. Mang thân phận vương giả nhưng chúng bị người đời lãnh đạm, suýt đem bán ve chai hoặc thành phế vật nằm hoen gỉ dưới lòng đất. Nghe đọc bài

Đó là thanh kiếm cổ khi sinh tiền Quốc công Tống Phước Hiệp dùng làm gươm lệnh thao binh khiển tướng, đã gắn bó với ông qua bao trận mạc. Khi quốc công mất vì bạo bệnh, thanh cổ kiếm ấy được vua quan cho đặt uy nghiêm trong miếu thờ quốc công tại dinh Long Hồ, xã Long Châu (nay thuộc thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).

Theo Vĩnh Long xưa do nhà sưu khảo Huỳnh Minh biên soạn, Tống Phước Hiệp quê ở huyện Tống Sơn, Thanh Hóa. Đời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765), ông làm Lưu thủ Long Hồ dinh, là võ tướng nhưng tính tình ông không thô lậu, rất giỏi về trị an, thương dân như con. Nhờ tài quân sự của ông mà bờ cõi được bình yên, trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có đoạn ghi chép thể hiện tài ông như sau: Lưu thủ Long Hồ dinh là Cai cơ Kính Thần Hầu Tống Phước Hiệp đem binh đánh tiếp ứng đánh lui quân giặc, binh Tiêm (Xiêm) bị quân ta theo kịp chém được hơn 300 thủ cấp. Chiêu Khao Liên (tướng Xiêm) bỏ thuyền lên bờ chạy về Hà Tiên...

Công tội quốc công đời sau nay đã rõ. Tháng 7.2009, địa phương đã long trọng tổ chức lễ vía Quốc công Tống Phước Hiệp. Sắc thần được thỉnh từ Bảo tàng Vĩnh Long, sau đó được đưa về đình làm lễ Phơi sắc, đông đảo người dân địa phương đã đến dự và trang trọng ngưỡng bái sắc thần. Địa phương cũng thống nhất lễ vía sẽ diễn ra hằng năm trong các ngày 23 - 24.7 (âm lịch).

Mới đây tỉnh cũng đã phê duyệt cho xây dựng ngôi trường đa cấp lớn nhất miền Tây mang tên Tống Phước Hiệp như minh oan cho tiền nhân.

Đầu năm Bính Thân 1776, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ mang quân theo đường thủy vào đánh Gia Định, Tống Phước Hiệp chống cự được hơn một tháng thì lâm bệnh mất vào tháng 6 âm lịch. Thương tiếc công thần, Định vương Nguyễn Phúc Thuần truy tặng ông tước Hữu phủ quốc công, cho lập miếu thờ tại xã Long Châu. Ngày 24.9 năm Minh Mạng thứ ba (1823), vua lại truy phong ông làm Trung đẳng thần. Do tận tụy với dân nên khi ông mất dân chúng Long Hồ dinh rất thương cảm, đồng chịu tang, chợ búa nghỉ bán 3 ngày, phố phường đều đóng cửa, kẻ làm ruộng ngưng cày cấy, dân chài lưới đem ghe về bến, dân tình đều than khóc, quốc kỳ treo rủ ở các tư dinh. Thời đó chuyện người dân từ già tới bé đồng loạt chịu phủ tang các công hầu là chuyện hiếm có. Cũng vào ngày mất của ông, người dân các nơi lũ lượt kéo về cúng bái cầu an. Ngôi miếu Quốc công tục truyền rất linh ứng nên những ai tâm địa xấu đều khiếp sợ đến mức đi ngang miếu không dám nghĩ chuyện xằng bậy, sợ bị gươm thiêng lấy đầu.

Dẫu ông có công lớn với dân nhưng sự cực đoan của lịch sử đã dẫn đến biến đổi nhân tâm. Trước năm 1975, tên ông được đặt cho trường trung học lớn nhất tỉnh Vĩnh Long thì sau này trường bị đổi tên. Con đường mang tên ông cũng bị xóa. Tháng 10.1982, ngôi miếu Quốc công bị một số cán bộ địa phương khi đó đập phá tan tành vì suy tội ông từng cầm quân đánh phá Tây Sơn. Ngôi miếu sụp đổ, uy linh quốc công giảm sút nên các di vật thờ tự bị người đời thâu tóm làm của riêng. May mắn có một thường dân kính trọng ông đã nhanh tay đem thanh gươm lệnh đi giấu. Nhưng thời gian sau, các cơ quan nhà nước làm căng quá, người này sợ bị lộ chuyện chuốc tội vào thân nên tìm cách bỏ thanh gươm. Vứt bỏ thì ông sợ mang tội với tiền nhân, còn cho người khác sợ bị người ta tố. Thời điểm nhạy cảm ấy, chỉ mỗi ông Nguyễn Hồng Tâm - tức Tâm “khùng” dám giữ thanh gươm. Tâm “khùng” lúc đó là cán bộ bình thường trong ngành văn hóa - thông tin. Ông chống lại chủ trương phá miếu nên bị liệt vào loại người “có vấn đề thần kinh”.

Ông Tâm kể: “Thời điểm đó tôi có chuyện riêng đi xa. Khi biết miếu Quốc công và các di vật của người bị người ta chiếm thì đã quá trễ. Khi về quê tôi nghe thông tin thanh cổ kiếm do ông N. cất giấu nên quyết đi xin lại. Ông N. đang rầu thúi ruột, nghe tôi hỏi xin lật đật đưa liền”. Xin được thanh gươm, ông Tâm vơi nhẹ nỗi lo, nhưng lại sợ phập phồng thanh gươm bị tịch thu. Ông không sợ bị bỏ tù mà sợ mất đi di vật tiền nhân là có tội với đời sau. Nhà thì quá nhỏ hẹp, bản thân có tì vết chống chủ trương của tỉnh nên ông Tâm quyết định đem thanh gươm đi gửi. Nhiều người lúc đầu chịu giấu gươm, nhưng vài tháng thì sợ nên yêu cầu ông Tâm “thỉnh” gươm đi nơi khác. Có người lén giấu gươm, không cho cả người thân trong nhà biết nên khi tình cờ thấy thanh gươm, họ tưởng sắt gỉ đem đi bán ve chai. Thế là ông Tâm lại tất tả đi tìm lại. Cùng đường ông nghĩ chùa chiền ít ai để ý, nếu thanh gươm lưu lại đây không chịu cảnh trôi nổi thì hay biết mấy...

Qua bao năm ròng trôi dạt trong dân gian, binh khí của bậc vương giả chịu cảnh ẩn khuất trong các xó nhà, góc bếp, đống rơm. Tới năm 1992, thanh cổ kiếm ấy mới được quay về với chủ. Ngôi miếu cũ giờ đây là trụ sở cơ quan nhà nước, còn bài vị quốc công được luân chuyển đặt trong ngôi đình Tân Giai nằm ở phường 1, thành phố Vĩnh Long. Ông Tâm nhẩm tính tuổi thọ của thanh gươm đã trên 233 năm. Đó là thanh gươm màu đen tuyền được đúc từ thép tốt, cân nặng khoảng 3 kg... Qua bao luân lạc nó lại nằm trang nghiêm trước linh vị chủ, trả lại sự tôn kính của cuộc đời vị võ quan.

Thanh Dũng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/ly-ky-bao-vat-viet-nam-thanh-kiem-co-luan-lac-332960.html