Ly kỳ việc hậu duệ vua Chàm giữ gìn “kho báu” của cha ông

Nền văn hóa và thời đại vua Chàm được xem là dấu ấn độc đáo nhất của khu vực Nam Trung Bộ. Trong đó, Ninh Thuận và Bình Thuận là cái nôi ẩn chứa nhiều kho báu vô giá, sau bao thăng trầm, biến cố của thời gian đến nay vẫn được các hậu duệ vua Chàm lưu giữ như một điều linh thiêng…

“Kho báu” ẩn trong cánh rừng hoang

Ông Đạo Văn Tùng, hậu duệ đời thứ 4 của vua Chàm cho hay: “Ai trong chúng tôi cũng giữ lời thề giữ gìn một số báu vật của các vua, giờ đây có đánh đổi bằng bao nhiêu tiền cũng không đổi, dù là một chiếc bình gốm cổ. Hậu duệ còn rất ít thôi, Phan Rang còn chừng 5 người, Bình Thuận cũng thế”. Ông Tùng bảo, thời xưa, trong dòng họ vua chúa, người Chàm có một quan niệm là tuyệt đối không truyền các bí mật ra ngoài, ngay cả kết cấu và chất liệu làm các xiêm y cũng như áo choàng của hoàng hậu, áo bào của nhà vua. Tuy nhiên, khi các vị vua lần lượt qua đời, để tưởng nhớ đến họ, các hậu duệ đành cho các báu vật lộ diện thông qua các kỳ lễ hội Ka tê (lễ hội quan trọng nhất của người Chăm, vào ngày 1-7 theo lịch Chăm. Trong các đợt lễ hội này, các hậu duệ vua Chàm bắt buộc phải mang các báu vật ra làm lễ tưởng nhớ vua và cho mọi người chiêm ngưỡng. Ngay cả những người dân tộc anh em là Rắk Lây được sở hữu một số báu vật vua Chàm (chủ yếu là xiêm y, long bào) cũng mang đến dự lễ.

Theo QL 1A chạy qua trung tâm trưng bày văn hóa Chăm đến thôn Tịnh Mỹ, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, chúng tôi gặp vợ chồng ông Lư Thái Thuổi và bà Nguyễn Thị Đào. Trước khi tìm gặp, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Đức Long giới thiệu với tôi, cặp vợ chồng này chính là hậu duệ hiếm hoi của triều vua Pô Klong Mơ H'Nai. Ông Long cũng cho rằng, đã nghiên cứu rất nhiều năm về nền văn hóa thời đại Chiêm Thành- tức thời đại vua Chàm nhưng vẫn chưa thấu tỏ hết được các ẩn tích từ các báu vật cũng như các quan niệm của các hậu duệ còn lại vì họ luôn kín kẽ.

Hôm ấy, ông Thuổi kể lại những lời của các thế hệ dòng tộc rằng: “Không thể để mất những chiếc mão vàng- biểu trưng cho sự uy nghi cũng như sự vững chãi của các triều đại trước. Dẫu chuyện gì xảy ra cũng không được để rách, mất long bào, đó là sức mạnh và sự thiêng liêng để truyền dẫn từ đời này sang đời khác. Thường, các thế hệ dòng dõi nhà vua thì nhất thiết phải thuộc làu các quy tắc triều đình. Bởi vậy, đã từng được ngã giá hàng trăm triệu đồng, ông Thuổi vẫn không bán bất cứ một báu vật nào của tổ tiên mình, giữ riêng bí mật từ các báu vật đó”.

Theo chân ông Tùng chúng tôi đến kho báu vua Chàm đầu tiên ở xã Phước Thái, TP Phan Rang. Ông Tùng cho biết, trong kho báu này còn rất ít hiện vật của vua. Đã có nhiều kẻ gian từng đến đánh cắp nên hiện nay, các báu vật được chôn ở vị trí chỉ các hậu duệ vua như ông mới biết rõ. Như sợ người khác phát hiện, phải chờ đến khuya đêm đó, ông Tùng mới nhờ một người cháu chở tôi ngoằn nghèo đi qua một quãng đường tối đến mục kiến các báu vật này. Các báu vật được giấu kỹ dưới một hố sâu, xung quanh được xây gạch như lô cốt. Tại kho báu này chúng tôi thấy còn lại một chiếc mũ vua, ngai vàng, áo choàng và một số vật dụng khác. Người dẫn đường cho chúng tôi hôm đó tên Linh, Linh bộc bạch: “Sở dĩ phải bí mật vì trong các đợt lễ hội Ka tê, các báu vật này được đưa ra cũng bí mật lúc nửa đêm. Khi công chúng được diện kiến thì đã có rất nhiều tín đồ Chăm bảo vệ. Các vật đó ánh lên một màu vàng chóe, tuy nhiên chính Linh cũng không khẳng định được đó có phải là vàng ròng thật hay không.

Kho tàng còn cất giấu nhiều báu vật của vua Chàm thứ 2 ở xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước có tên Chàm là Palei Thvon. Tại kho báu này theo những người Chăm quanh vùng cũng như ông Đạo Văn Tùng thì vẫn còn lưu giữ y phục của vua và hoàng hậu, mâm thờ bằng bạc, vương miện bằng vàng. Có nhiều lần, giới buôn đồ cổ đã đến săn lùng và trả giá hàng tỷ đồng nhưng những người Chăm ở đây kiên quyết không bán và xem đó là báu vật cần gìn giữ của cộng đồng dân tộc mình. Điều đặc biệt, cả hai kho báu này đều nằm ở nơi rất hoang vắng. Tuy nhiên luôn được những người Chăm canh giữ cẩn mật.

Kho báu thứ ba nằm ngay trong khuôn viên gia đình ông Lư Thái Thuổi. Đây là kho báu của triều vua Pô Klong Mơ H'Nai. Tại kho báu này ông Thuổi chỉ cho khách được diện kiến gần chục bộ trang phục của vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử và chiếc mũ vàng của vua. Khi được hỏi dò thêm về các báu vật khác, ông Thuổi giãi bày: “Cũng không còn nhiều báu vật quý. Tuy nhiên, là hậu duệ của vua được giao nhiệm vụ canh giữ kho báu này, để đảm bảo tính an toàn, chúng tôi luôn đặt trong trạng thái báo động. Tuy kho báu này đặt ở một vùng quê nhưng tứ bề đều có hàng trăm con mắt của người Chăm canh giữ đấy. Ai cũng xem đấy là sự thiêng liêng của cộng đồng”.
Hầu hết người Chăm đều xem biểu tượng các vị vua Chàm tạo nên sức mạnh cho họ khi gục ngã hay gặp sóng gió. Với cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận có một niềm tin rất lớn vào vua Pô Klông Garai (thế kỷ 12) và Pô Rôme (thế kỷ 17). Lễ hội Ka tê chính là để suy tôn và tưởng nhớ đến hai vị vua này. Hai vị vua này đã trở thành thần linh đối với mỗi người Chăm vì những gì họ đóng góp cho đất nước.

Ông Đạo Văn Tùng, một hậu duệ vua Chàm hiếm hoi còn lại ở Ninh Thuận. Ảnh: Hà Kiều

Người giữ nhiều báu vật Chàm

Thời gian trôi qua cùng với bao biến cố khiến cho không ít báu vật quý đã bị thất lạc. Đến giờ, một trong những người đang giữ nhiều báu vật vua Chàm bị thất lạc nhất là ông Nguyễn Đăng Thanh, ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ông Thanh không tiết lộ cặn kẽ nguồn gốc các báu vật này, tuy nhiên ông cho rằng đó là báu vật của vua thật. Nổi bật trong các báu vật ông Thanh có là: Áo choàng của vua (xà rông), giàn chiêng lệnh và dao lệnh. Ông Thanh quả quyết đó là áo của vua và có liên quan đến cộng đồng người Churu ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng – những người từng được hoàng thân quốc thích của vua Chàm giao giữ những đồ vật của triều đình khi chạy lên đây trong lịch sử xa xưa.

Ông Đạo Văn Tùng thì cho rằng: Xưa kia thời vua Chàm thịnh trị, dân tộc Chăm chơi rất thân với dân tộc Rắk Lây, Churu ở Lâm Đồng và khi có biến cố thường mang các vật quý lên gửi người Churu và Rắk Lây giữ hộ, đến nay số báu vật nhờ giữ hộ các hậu duệ vua Chàm cũng không thể nhớ rõ được là bao nhiêu.

Lý giải về giàn chiêng lệnh, ông Thanh cho biết: “Tôi vô tình gặp được một gia đình người Churu ngỏ lời bán bộ chiêng 12 chiếc mà theo họ nói là truyền từ đời này sang đời khác và do chính hậu duệ vua Chàm gửi. Đây là bộ chiêng được sử dụng trong các dịp lễ hội của hoàng triều Chăm. Tôi đã không đắn đo khi bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để đổi lấy”.

Một trong những vật được ông Lư Thái Thuổi ở Bình Thuận bảo quản và gìn giữ được xem là từ thời của các vị vua Chàm xa xưa. Ảnh: Hà Kiều

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, bộ chiêng mà ông Thanh cho rằng chiêng lệnh của vua Chàm gồm 12 chiếc chiêng bằng (không có núm), đặt trùng khít lên nhau từ nhỏ đến lớn. Về dao lệnh của vua, dài khoảng 25cm, bản rộng khoảng 4cm, được đúc bằng đồng có mạ vàng. Dao được đặt trên một giá đỡ cao khoảng 15cm, giá đỡ cũng được đúc bằng đồng và mạ vàng. Cả con dao và giá đỡ đều được trang trí bằng những hoa văn khác cầu kỳ.

Ông Nguyễn Thành Hoàng, môt nhà nghiên cứu đến từ TP HCM phán đoán: “Các cổ vật rơi vãi ngoài ruộng rẫy nhân dân thường hay đào được chỉ là những thứ đơn giản. Có thể thứ quý giá hơn được cất giấu ở nơi kiên cố và cẩn mật. Tuy nhiên, các phỏng đoán đều không có tính chính xác cao”. Năm 1993, đã có nhiều cuộc khai quật khảo cổ tại nơi đây và đã phát hiện ra ngoài 3 tháp chính, khu này ngày xưa còn có một đền thờ lớn, nhưng đền thờ này đã bị chôn vùi sâu dưới lòng đất từ hơn 300 năm nay. Nhiều người nghi ngờ có thể báu vật nằm trong sự chôn vùi đó. Hiện nay Nhà nước bảo vệ và trùng tu cẩn thận khu di tích này.

Trên đường từ Phú Hài về Phan Thiết, người săn đồ cổ gặp chúng tôi ở đền Posah Inư cứ chép miệng xuýt xoa: “Mấy năm trước tôi mua được hàng chục chiếc lư nhang của hoàng tộc Chàm ngay trên mảnh đất này, về Sài Gòn bán rất đắt giá. Cả năm nay đi săn nhưng chỉ mua được vài chiếc bình vôi thôi. Đặc biệt, chiếc lư nhang tôi mua được mấy năm trước rất kỳ lạ, nhiều đêm mưa nó lại tự phát quang. Có thể đó là kết cấu cổ vật từ thời vua Chàm”.

Kho báu có thật hay không thì phải chờ đến các nhà khoa học nghiên cứu và khai quật. Chỉ biết cổ vật với giá trị lâu đời vẫn luôn được người Chăm gìn giữ vì giá trị tâm linh và văn hóa của họ.

Hà Xa - Hà Kiều

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/quoc-te/ly-ky-viec-hau-due-vua-cham-giu-gin-kho-bau-cua-cha-ong-114048