Ly kỳ việc tái hiện giọng nói cho xác ướp Ai Cập 3.000 năm tuổi

Giọng nói của Nesyamun – xác ướp linh mục từ thời Ai Cập cổ đại đã được tái hiện trở lại.

Xác ướp Nesyamun có giá trị cao về mặt nghiên cứu.

Xác ướp Nesyamun có giá trị cao về mặt nghiên cứu.

Giọng nói của một linh mục Ai Cập cổ đại đã được phát lại lần đầu tiên sau hơn 3.000 năm, nhờ vào sự tái tạo thanh quản của xác ướp, theo Live Science.

Các nhà nghiên cứu dự án đã sử dụng bản scan y tế của xác ướp nổi tiếng Nesyamun – vốn đang yên nghỉ tại Bảo tàng Thành phố Leeds ở Vương quốc Anh - để tạo ra một mô hình 3D bên trong cổ họng và miệng.

Mô hình 3D sau đó được kết hợp với thanh quản nhân tạo để tái tạo lại một âm thanh được cho là gần với giọng nói của Nesyamun – xác ướp vốn đã "im lặng" từ thế kỷ 11 trước Công nguyên.

Các nhà nghiên cứu cho biết âm thanh này là "tần số cơ bản" của giọng nói Nesyamun, nằm đâu đó giữa nguyên âm trong các từ tiếng Anh "bed" và "bad".

Tuy nhiên, việc xác định giọng nói của Nesyamun cũng trở nên phức tạp bởi các bộ phận của xác ướp đã bị hao mòn theo thời gian. “Lưỡi của xác ướp đã mất phần lớn cơ và vòm miệng cũng không còn”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Nesyamun là linh mục sống vào khoảng năm 1.100 trước Công nguyên, dưới triều đại của vua Ai Cập Ramesses XI, theo Bảo tàng thành phố Leeds .

Nesyamun được cho là đã chết vào khoảng năm 50 tuổi, do bị dị ứng nghiêm trọng. Gần 3.000 năm sau, xác ướp của ông được phát hiện tại Karnak và được chuyển đến Bảo tàng thành phố Leeds vào năm 1823.

Hài cốt và quan tài của nhân vật này đã trở thành một trong những di tích quý giá nhất để nghiên cứu về thế giới Ai Cập cổ đại .

“Xác ướp của Nesyamun là một lựa chọn tốt để nghiên cứu giọng nói Ai Cập cổ xưa”, David Howard, tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư kỹ thuật điện tử tại Royal Holloway thuộc Đại học London, cho biết.

"Nó đặc biệt phù hợp về độ tuổi và sự bảo quản”, Howard nói với Live Science.

Ông hy vọng tiến bộ khoa học có thể được kết hợp với kiến thức về ngôn ngữ Ai Cập cổ đại để tái tạo lại những đoạn âm thanh dài hơn của Nesyamun.

Ý tưởng tái tạo giọng nói của Nesyamun xuất phát từ sự hợp tác giữa Howard và đồng tác giả, nhà khảo cổ học John Schofield từ Đại học York.

Trước khi tiến hành, các nhà nghiên cứu đã phải cân nhắc đến những quan điểm đạo đức liên quan đến thử nghiệm trên cơ thể một người đã chết. Chính bởi vậy, họ đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu tránh làm tổn hại đến xác ướp nhằm tôn trọng di nguyện của Nesyamun.

Howard và Schofield cho biết, họ hy vọng việc tái tạo lại giọng nói của Nesyamun, thậm chí là cả lời cầu nguyện của người Ai Cập cổ đại sẽ sớm được giới thiệu tại đền Karnak ở Ai Cập cho khách du lịch hiện đại.

"Khi du khách giao thoa với quá khứ, đó thường là một sự giao thoa trực quan," Schofield nói. "Với giọng nói này, chúng ta có thể thay đổi điều đó".

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ly-ky-viec-tai-hien-giong-noi-cho-xac-uop-ai-cap-3000-nam-tuoi-a463754.html