Lý Sơn và chuyện về những người bám biển

Khó có thể nhớ bàn chân tôi đã đặt qua bao địa danh, vùng miền của Tổ quốc. Mỗi chuyến đi đều để lại trong tôi những kỷ niệm nhưng đáng nhớ nhất vẫn là chuyến hải trình đặt chân tới đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Chuyến đi này nằm trong chương trình tuyên truyền về chủ quyền biển đảo được Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và lãnh đạo báo PL&XH lên kế hoạch khá kĩ lưỡng.

Đảo tiền tiêu

Một hồi còi ngân vang, chiếc tàu thủy cao tốc từ từ rời cảng Tiên Sa theo sóng nước dập dềnh nhằm hướng đảo Lý Sơn thẳng tiến. Sẽ phải mất hơn một giờ tàu mới đến được với Lý Sơn. Lý Sơn trong tôi lúc ấy chỉ là hòn đảo nhỏ vẻn vẹn 10km2 với trên 2 vạn dân. Huyện đảo này được hợp thành bởi ba hòn đảo mang tên đảo Lớn, đảo Bé và hòn Mù Cu. Toàn huyện có 3 xã là An Vĩnh, An Hải và An Bình. Tổng chiều dài đường bờ biển là 25km, nằm trên vị trí tiền tiêu của Tổ quốc.

Tàu vẫn rẽ sóng, để lại phía sau vệt nước dài mềm mại, cong cong như dáng hình thân thương của Tổ quốc. Cách đó không xa là hàng chục tàu đánh cá của ngư dân miệt mài làm việc để “ tôm cá chất đầy phiên chợ mai”. Trên mỗi tàu là hình ảnh cờ đỏ tung bay phần phật. Trong ánh nắng chiều, dưới nền xanh của biển trời, cờ như tươi hơn, oai hùng hơn.

Mỗi con tàu, mỗi lá cờ như cột mốc chủ quyền di động trên biển ưỡn ngực nhằm khơi xa thẳng tiến, hệt hình ảnh của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa, phụng mệnh vua đạp sóng to, cưỡi hiểm nguy đi đánh dấu những phần đất (lãnh thổ) thiêng liêng của nước Việt. Tôi đã từng đặt chân tới cột cờ Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang rồi tiếp đó là nhiều hòn đảo nhỏ các vùng miền. Ở mỗi nơi đến đều thấy đậm công đức cha ông ta xưa kia trong việc giữ gìn biên cương, mở mang bờ cõi, như muốn gửi tới muôn đời sau triết lý đơn giản nhưng hết sức quý giá rằng, đã là máu thịt của đất nước thì dù đó là viên đá hay ngọn sóng nhỏ cũng phải quyết tâm bảo vệ.

Bên tai tôi, tiếng của chị Thanh Hiếu, Ban Tuyên giáo Quảng Ngãi nhẹ như tiếng gió: “ Người dân Lý Sơn nhắc đến những ngôi mộ của đội hùng binh thích dùng từ mộ tụ hồn hơn là mộ gió. Khi lên đảo các anh sẽ thấy có rất nhiều miếu được người dân lập lên để tưởng nhớ người xưa hoặc đơn giản là cầu cho trời yên, biển lặng ngư dân ra biển không gặp hiểm nguy”.

Chiếc tàu cá của ngư dân Lê Tùng, hậu duệ của cai đội Hoàng Sa Nguyễn Tám lắc lư nhịp nhàng theo sóng nước. Vừa kiểm tra xong mấy bình nhiên liệu chuẩn bị cho chuyến ra Hoàng Sa tối nay, ông tự thưởng cho mình điếu thuốc, đoạn quay sang tôi hỏi: “Anh là nhà báo, có biết cái ông Nguyễn Việt Chiến, viết ra bài thơ: “ Tổ quốc nhìn từ biển” không?”.

Tôi gật đầu nói biết. Ông Tùng tiếp lời: “Về đất liền nhớ cho tôi gửi lời hỏi thăm tới ông ấy nhé. Bài thơ cứ như là viết cho riêng dân Lý Sơn chúng tôi ấy”. Tôi chưa hết ngạc nhiên trước lão ngư phủ da đen sạm, người gân guốc và ánh mắt sáng lạ thì ông đã sang sảng cất giọng đọc thơ: “…Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể/ Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù/ Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ/ Thương Hòn Mê bão tố phía âm u…”

Giọng người Lý Sơn nghe nặng lắm nhưng hôm nay cái chất giọng đằng đặc ấy đọc thơ về biển đảo lại hay lạ, nó vút lên hào sảng, ẩn trong đó chất ngang tàng của người luôn phải đối mặt với sóng to gió lớn, đối mặt với hiểm nguy. Nó nhân lên niềm kiêu hãnh của những con người sống chết bằng nghề biển.

Tác giả chụp ảnh cùng chỉ huy Trạm Cảnh sát biển, Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 trên đảo Lý Sơn.

Không ngại hiểm nguy

Căn nhà của ngư dân Bùi Ánh Quốc, thôn Tây An Hải, xã An Hải phía trước như bị vây kín bởi những ruộng hành. Anh đang đi vắng, chỉ có vợ và hai con trai nhỏ ở nhà. Những tưởng khi tôi đề cập đến những hiểm nguy của nghề đi biển, chị Dương Thị Duyên, vợ anh sẽ kể chuyện trong nước mắt. Nhưng không, giọng người phụ nữ này bình thản đến kì lạ, bởi ở thôn này gia đình nào đi biển mà chẳng chịu những rủi ro nhất định. Sự bình tĩnh của những người vợ là động lực quan trọng nhất để những người chồng yên tâm ra khơi.

Chúng tôi đang trò chuyện thì anh Quốc về. Anh kể, mình từng bị người của nước bên kia bắt nhốt gần 3 tháng trời để đòi tiền chuộc nhưng mục đích chính là họ muốn ngư dân mình sợ mà không đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa nữa. Số lần bị tàu chiến nước khác đuổi nhiều không kể xiết.

Có lần họ còn lên tàu của mình, hút dầu từ bình rồi đổ thẳng xuống khoang đông lạnh chứa hải sản vừa đánh bắt được. Hai năm trước, thuyền của anh Dương Văn Le, trong khi đang đánh bắt ở ngư trường của mình cũng bị tàu nước ngoài kèm hai bên kéo về nơi họ đang đóng quân. Hiểm nguy là thế nhưng mỗi lần chuẩn bị cho một phiên đi biển mới những ngư dân trên đảo vẫn hết sức lạc quan.

Tác giả (bên trái) phỏng vấn ngư dân Bùi Ánh Quốc.

Dù đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa hay Trường Sa thì trung bình một năm các ngư dân đi khoảng 3 đến 6 phiên. Có phiên đánh bắt thuận lợi chỉ mất khoảng 10 ngày. Có phiên kéo dài cả tháng trời. Sở trường của anh Quốc là lặn sâu từ 30m đến 50m để bắt hải sâm. Mỗi ngày lặn 3 lần, mỗi lần khoảng 10 phút đến 20 phút. Vất vả là thế nhưng thu nhập nuôi gia đình cũng chẳng dư dả gì.

Đi biển từ năm 14 tuổi nên ngư dân Đinh Hạnh, 60 tuổi thuộc nằm lòng hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của ta. Nếu đi Trường Sa thường rơi vào tháng 8, tháng 9 trong năm. Còn đánh bắt ở Hoàng Sa thì ngay thời điểm tháng 4, tháng 5 là hợp lý. Chuyện thấy tàu của nước khác đuổi, ta tránh rồi lại quay lại đánh bắt tiếp là chuyện thường. Quen nên chẳng sợ.

Trên chuyến tàu từ Lý Sơn về đất liền, chúng tôi chứng kiến những hình ảnh khá xúc động, khi anh em bộ đội biên phòng và người nhà khiêng cáng đưa ngư dân Phạm Quốc Dũng, SN 1972, sống tại thôn Đông, xã An Hải lên tàu. Đêm hôm trước, trong khi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, tàu Quảng Ngãi, ký hiệu QNG 96011TS do ông Huỳnh Tấn Được làm chủ tàu bị một tàu lạ bất ngờ đâm từ phía sau.

Rất mệt, anh vẫn cho tôi biết, tàu khi cách đảo Tri Tôn khoảng 30 hải lý thì bị tàu lạ đuổi theo, 5 phút sau họ đuổi kịp và đâm mạnh từ phía đuôi khiến tàu suýt chìm, riêng anh Dũng bị đau quặn ở phần bụng. Khi nghe tôi hỏi sau đận này có dám đi biển nữa không thì mặt anh như có sinh khí thổi vào: “Đi chứ, cuộc sống của mình, ngư trường của mình, nghề cha ông truyền lại bỏ sao được. Hiểm nguy vẫn đi”. Người Lý Sơn là thế ngay cả khi cận kề cái chết họ vẫn không bỏ biển, bỏ chủ quyền.

Không phải báo chí tuyên truyền mà chính sự can trường, lạc quan và đầy trách nhiệm với chủ quyền đất nước của người dân Lý Sơn đã giúp cho những người làm báo chúng tôi và nhân dân cả nước vững niềm tin vào những người dân nơi phên dậu của Tổ quốc. Họ chính là: “Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.

Khắc Hạnh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ly-son-va-chuyen-ve-nhung-nguoi-bam-bien-119000.html