Ma khát

Cả khu phố Mã Tiền này không ai lạ gì nhà ông Đạo. Người nổi tiếng hà tiện đến độ hễ thấy ông đi thể dục ngoài bờ kè sông Hồng, họ thường bĩu môi dài thượt hoặc chí ít ném một cái nhìn sắc lẹm tỏ ý khinh bỉ, sự khinh bỉ đến độ phì ra trên khuôn mặt họ.

Bà Vân hàng xóm sát tường nhà ông Đạo là người chuyên ngồi lê đôi mách kể, ông Đạo từng lấy bút bi đánh dấu lên chai nước mắm, đo xem một tuần cả nhà ông ăn hết bao nhiêu phân nước mắm và lấy đũa gắp từng củ dưa hành đếm xem ba ngày Tết nhà ông ăn hết bao nhiêu củ, để sau này còn cân đối chi tiêu cho phù hợp.

Chuyện chẳng rõ thực hư đến đâu, nhưng xem ra bà Vân dù có thêu dệt đi chăng nữa cũng chẳng phải là không có cơ sở. Nhà người ta thì đàn bà là nội tướng, còn nhà ông Đạo thì ngược lại, ông mới là người tay hòm chìa khóa. Việc chi tiêu lớn thì ông đích thân đi mua và trả tiền. Bà Nga vợ ông Đạo mỗi lần đi chợ mua thức ăn, và các thứ lặt vặt trong nhà thì phải ngửa tay xin ông Đạo từng đồng.

Được cái bà Nga hiền lành, chịu khó nên chẳng kêu ca bao giờ. Bà lại bị bệnh nhồi máu cơ tim bẩm sinh, mắt trũng, môi chì, may sao vẫn có thể lấy chồng, sinh con. Đấy đã là cái phúc lớn của bố mẹ bà. Ông bà Đạo - Nga có hai đứa con, nếp tẻ đủ cả. Chúng đã xây dựng gia đình riêng, ở khu phố khác, thỉnh thoảng nháo nhào về thăm bố mẹ một chốc, một lát rồi đi như gió vào nhà trống.

Căn nhà hai tầng thênh thang giờ càng thêm trống trải. Một người chồng hà tiện và một người vợ bệnh tim, ngày hai bữa cơm, ra vào chạm mặt nhau như hai cái bóng. Người nơi khác không biết thì gọi là phố Mã Tiền, nghe cũng sang mồm phết. Còn dân ở phố Mã Tiền thì gọi là phố ông Đạo, đủ để thấy ông Đạo nổi tiếng đến đâu.

*

Ông Đạo quyết định mua xe ôtô. Phải giằng xé lắm, day dứt lắm mới ra được quyết định ấy thì đủ hiểu ông đã thích thú, đã mê mẩn xe ôtô lắm rồi. Bản tính hà tiện ăn không dám ăn, mặc chẳng dám mặc, ấy thế mà lại có lúc phát huy tác dụng là bởi ông đã ki cóp, chắt bóp được dư thừa số tiền để tậu một chiếc xe ôtô mới coóng, hạng sang.

Buối tối, sau bữa cơm với cá nhàng kho mặn và canh mùng tơi nấu suông, ông Đạo ngồi xem tivi ở phòng khách, vừa súc miệng nước chè òng ọc, vừa xỉa răng tanh tách, nhưng ông Đạo cũng chẳng biết tivi đang phát chương trình gì. Đầu ông còn đang mải tính xem mua xe ôtô gì cho bền, mua ở đâu cho rẻ, trị giá bao nhiêu cho hợp với túi tiền, trong lúc bà Nga đang lúi húi dưới bếp kì cạch rang lạc, giã vừng để làm món muối vừng lạc. Ông Đạo từng bảo ăn cơm với muối vừng lạc, đã tiết kiệm, lại khỏi bị gút, nhất cử lưỡng tiện. Bỗng bà Nga nghe tiếng ông Đạo gọi choang choác như sành vỡ phía trên phòng khách:

- Bà Nga đâu, lên ngay đây tôi bảo?

- Có chuyện gì thế ông, tôi đang dở tay tí đã - Bà Nga nói vọng lên.

- Bà cứ để đấy, có chuyện quan trọng cần bàn - Ông Đạo quát.

- Vâng, tôi lên đây ạ - Bà Nga đáp sau khi đã tắt bếp mẻ lạc rang dở rồi lật đật chạy lên đã thấy ông Đạo cầm bút bi viết dập xóa loằng ngoằng lên mặt sau một tờ lịch vừa xé. Từ xưa đến giờ bà Nga cứ răm rắp nghe theo ông Đạo, nào có dám trái ý chồng bao giờ. Ông Đạo ngẩng lên, kính đeo trễ mũi, hai tròng mắt sắp rơi ra ngoài:

- Tôi quyết định rồi, nhà mình phải mua một chiếc xe ôtô để đi lại cho khỏi mưa nắng. Về quê ngày giỗ chạp, lễ Tết cũng đỡ vất vả. Bà thấy thế nào?

- Ông đã tính kĩ rồi thì cứ thế mà làm. Ông thế nào thì tôi thế ấy. Tôi thì biết gì mà bàn với bạc - Bà Nga chậm rãi.

- Ờ, sáng mai tôi đưa sổ tiết kiệm bà ra ngân hàng rút tiền về cho tôi, mai cũng là cuối tháng rồi, vẫn được hưởng nguyên lãi tháng này đấy. Để tôi gọi thằng cả cùng đi Hà Nội mua xe ôtô. Hôm qua tôi đã nhờ chú Long hàng xóm khảo sát giá xe trên mạng rồi, đợt này xe đang xuống giá, mà tiền thuế trước bạ cũng không tăng, mua rất hợp lí đấy - Ông Đạo tỏ vẻ sành sỏi.

- Vâng, sáng mai tôi đi.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Chiếc xe ôtô con Hyundai i20 mới tinh màu mận chín đỗ chềnh ềnh trước cửa nhà ông Đạo khiến cho hàng xóm không khỏi tò mò, ngạc nhiên. Hết mấy ông uống chè vặt chém gió trên vỉa hè xì xầm đến mấy bà nhặt ngọn su su buôn dưa lê bên thềm nhà bàn tán rằng ông Đạo hà tiện thế mà còn dám mua xe ôtô, đấy cứ chê ông ấy hà tiện không dám chơi sang nữa đi, hóa ra là ông ấy tích cóp tiền mua xế hộp cơ đấy.

Nhà mình có đến Tết tây cũng chẳng theo kịp, hà tiện được như ông ấy có khối người muốn hà tiện cũng chẳng được. Mãi cũng thành quen, người ta chẳng còn tò mò, ngạc nhiên nữa khi sáng nào cũng thấy ông Đạo đánh xe từ phòng khách ra vỉa hè để lau chùi, rửa ráy cho nước sơn bóng loáng lên đến mức người có thể soi gương, con ruồi chạm vào sẽ ngã gãy chân. Nước sơn của chiếc xe màu mận chín mà như ông Đạo nói là nó rất hợp phong thủy với mệnh hỏa của ông.

Có đứa trẻ con quả quyết rằng chính mắt nó nhìn thấy ông Đạo chấm tay vào mồm lấy nước bọt rồi di lên cánh cửa xe vì tưởng rằng đó là vết xước với một vẻ mặt hết sức lo lắng, căng thẳng rồi thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng vì đó chỉ là một vệt bụi chết tiệt. Mà quái lạ, chiếc xe ôtô chỉ chạy từ phòng khách nhà ông Đạo ra tới vỉa hè mà cũng dính bụi là sao, thật khó hiểu.

Từ ngày ông Đạo mua chiếc xe ôtô đã được một tháng bốn ngày bảy giờ đồng hồ mà dưới quê vẫn chưa có giỗ chạp, ma chay hay cưới hỏi gì để cho ông thể hiện tay nghề lái xe với vợ. Trước đây ông là lái xe cho Công ty Thương nghiệp nhà nước chuyên chở hoa quả xuất khẩu sang biên giới, nhưng vì trót chở một xe hoa quả về tẩu tán dưới quê nhân lúc chiến tranh biên giới năm Bảy Chín nổ ra mà bị công ty kỉ luật cho về hưu non.

Mọi hôm, ông Đạo dậy đánh xe ôtô ra là bà Nga đã nấu xong bát mì tôm “không người lái” bốc khói nghi ngút chờ sẵn trên bàn, thế mà hôm nay căn nhà quạnh quẽ, yên ắng đến lạ lùng. Nhà có hai phòng ngủ, thì ông Đạo, bà Nga ngủ riêng mỗi người một phòng.

Bà Nga bị bệnh tim đã trằn trọc khó ngủ thì chớ, lại được ông Đạo ngáy to như xẻ gỗ trong rừng. Đứa con gái út bảo, bố mẹ già rồi, còn làm gì nữa đâu, ngủ riêng cho tiện, có việc gì thì bố chạy sang hỗ trợ cho mẹ, hai phòng ngay cạnh nhau. Ông Đạo gọi đến ba bốn câu mà chẳng thấy bà Nga thưa.

Linh tính có chuyện chẳng lành, tim đập trống hội, tay run cầy sấy, ông Đạo hốt hoảng xô cửa vào thì thấy bà Nga nằm trên giường, gối chăn xô lệch, đầu gục sang một bên khiến mớ tóc dài thượt đổ xuống đất như một trận mưa màu hoa râm. Trong tay bà Nga nắm hờ vỉ thuốc trợ tim đã uống dở còn sót lại vài viên. Cái cốc thủy tinh trên bàn rơi xuống đất vỡ tan tành từ bao giờ, vậy mà ông Đạo uống vài chén rượu thuốc chữa đau lưng lúc ăn bữa tối nên ngủ say như chết không nghe thấy gì. Hình như bà ấy đã gọi, đã giơ tay tìm cốc nước uống thuốc, và cốc nước đã rơi vỡ khi bà Nga quờ tay chạm vào.

Trong đầu ông Đạo hiện lên cảnh tượng ấy như một thước phim ngắn. Ông Đạo quýnh quáng lay gọi bà Nga, toàn thân bà Nga lạnh ngắt, tím tái, đôi mắt bà mở to nhìn ông, mất hết thần sắc, những tia máu màu mận chín hằn lên trong tròng mắt trắng dã vô hồn.

Nghe tiếng ông Đạo gào lên thảm thiết, những người hàng xóm vội vã chạy sang. Họ giúp ông Đạo khiêng bà Nga lên xe ôtô để đưa đi bệnh viện cấp cứu. Đây là lần đầu tiên bà Nga được đi trên chiếc xe ôtô màu mận chín mới mua. Đây là lần đầu tiên ông Đạo được thể hiện tay lái cừ khôi với vợ. Ông Đạo lái xe khi ba hồn, chín vía của bà Nga đã lìa khỏi xác để bay về đoàn tụ với bố mẹ bà ở nơi tiên giới.

Trong giấc mơ gập ghềnh trên chiếc xe màu mận chín bà thấy lũ đầu trâu, mặt ngựa lăm le giáo mác áp giải bà đi qua Quỷ Môn quan, đến con đường Hoàng Tuyền nở bạt ngàn loài hoa bỉ ngạn đỏ rực như máu. Và đây cũng là lần cuối cùng bà Nga được đi trên chiếc xe màu mận chín mới mua. Và đây cũng là lần cuối cùng bà Nga được hưởng thụ tay lái giỏi giang của chồng. Chiếc xe màu mận chín đang trôi như nước, chiếc xe màu mận chín đang bay như mây để chở bà Nga vào mênh mông mông, sâu thẳm vô cùng cõi chết.

- Bà này liều, liều thật đấy. Đau ốm thế mà đêm hôm không gọi thì ai biết được. Đã thế lại còn dám đi lên ngân hàng vay tiền, nhỡ đau tim đột quỵ giữa đường rồi mất tiền thì chết - Chẳng biết ông Đạo đang nói với cái xác không hồn của bà Nga đang thõng thượi trên ghế phụ hay nói với hai người hàng xóm tốt bụng đang ngồi thấp thỏm ở ghế sau. Hai người hàng xóm nhìn nhau, lắc đầu không nói, giấu đi một tiếng thở dài thườn thượt trong khi chiếc xe ôtô màu mận chín vẫn lao đi vun vút dưới cái nắng oi ả của buổi sớm đầu hè.

*

Bà Nga được đưa về nhà bằng xe chở xác của bệnh viện. Ông Đạo kiêng chở xác vợ bằng chiếc xe mới để tránh đen đủi, xúi quẩy. Và xác bà Nga còn phải chờ thêm hơn một tiếng đồng hồ mới được đưa vào nhà vì chưa chọn được giờ đẹp theo như ông Đạo đã giở sách, xem xét, tính toán. Một thầy pháp sư nghe nói giỏi nổi tiếng ở vùng Sơn Hải được mời đến để lo liệu “phần âm” cho đám ma bà Nga. Trọn gói cả việc chọn giờ, cúng tế, kèn trống, khóc thuê, đến cả bông hoa tươi, cỗ quan tài. Người thân đang tắm gội bằng lá thơm cho bà Nga để chuẩn bị khâm liệm, mùi lá quế, hương nhu bốc lên váng óc, lợm giọng khắp gian nhà. Ông Đạo đang bàn bạc với thầy pháp sư. Ông cất lời trước sau khi vừa khạc nhổ cho khỏi buồn nôn:

- Trọn gói cho đám ma vợ tôi, thì thầy định lấy bao nhiêu?

- Nhà người khác bao nhiêu thì tôi lấy nhà ông bấy nhiêu, chẵn năm mươi triệu không hơn không kém. Tuy nhiên, bà nhà mất vào giờ trùng nên phải cắt trùng tang, cũng tốn kém đấy. Nếu không cắt trùng thì hậu quả tôi không dám chắc, thưa ông? - Thầy pháp sư vừa dứt lời, ông Đạo đã thấy hơi lạnh từ gáy lan tỏa sang hai vai rồi chạy dọc xuống sống lưng khiến ông rùng mình như gặp phải cơn gió chớm đông.

- Tốn kém là bao nhiêu? - Ông Đạo nhíu mày, giọng lạc hẳn đi.

- Năm mươi triệu ạ, tôi nghĩ với số mệnh của ông thì không tiền bạc nào đo đếm được - Thầy pháp sư nháy đôi mắt gián nhấm tinh quái.

- Vậy thầy cứ cắt trùng tang luôn nhé - Ông Đạo cố cứng giọng nhưng không giấu được vẻ lo lắng.

- Vâng.

*

Cả khu phố Mã Tiền đi đưa ma bà Nga. Bà Nga là người hiền lành, tử tế nên người ta thương xót, tiếc nuối cũng là lẽ thường tình. Anh con cả lặng lẽ chống gậy. Cô con út ngất lên ngất xuống. Ông Đạo giữ một vẻ mặt điềm nhiên không biến động, khác hẳn với vẻ mặt buồn rầu khi ông phát hiện ra một vết xước trên chiếc xe ôtô màu mận chín mà đứa trẻ con khốn nạn nhà hàng xóm nào cố tình gạch lên.

Bà Thoan đi sau cùng, sụt sịt khóc, thỉnh thoảng bà rút khăn mùi xoa chùi nước mắt, những giọt nước mắt xế chiều hiếm hoi và mặn đắng. Bà Thoan là bạn thân của bà Nga, nhà ở phố Hàm Rồng, cách nhà bà Nga độ hơn chục phút đi bộ. Bà Thoan ở dưới quê lên trông cháu cho con trai, quen với bà Nga trong một lần đi bộ buổi chiều ngoài bờ kè.

Bà Thoan người quê, ngồi yên một chỗ không chịu được, cứ phải làm việc luôn chân, luôn tay. Bà Thoan trồng rau trong hộp xốp trên sân thượng, thôi thì đủ cả, rau muống, rau đay, cà chua, dưa chuột, hành tỏi, mùa nào thức ấy. Ăn không hết, bà Thoan đem chia cho bà Nga và hàng xóm. Còn bà Nga mỗi bận kho cá nhàng, hay làm muối vừng lạc cũng làm thừa ra một ít đem biếu bà Thoan.

Thôi thì của ít, lòng nhiều, thơm thảo cốt ở tấm lòng. Có chuyện gì hai bà cũng kể cho nhau nghe, từ con mèo mới đẻ, đến khóm hành ra hoa rồi bóng đèn bị cháy hay chân đau bóp thuốc. Đó cũng là san sẻ niềm vui, nỗi buồn lúc tuổi già đang sầm sập về trước cửa. Ông Đạo chỉ quan tâm đến cái két sắt đã khóa kĩ chưa, cuốn sổ tiết kiệm bao giờ, hôm nay chi tiêu hết bao nhiêu, và gần đây là chiếc xe ôtô màu mận chín có bị xước sơn không thôi, chứ bệnh tình của bà Nga ông cũng chẳng quan tâm, để ý bao giờ. Đau thì tự uống thuốc, đau quá thì đi bệnh viện, thế thôi.

Nắp quan tài được thầy pháp sư cao tay ấn dán một lá bùa để tống xuất, lá bùa phất phơ như bàn tay vẫy. Bà Thoan cũng thấy ngạc nhiên khi huyệt mộ được đào tam cấp và trước khi hạ quan, thầy pháp sư cho rất nhiều vỏ ốc biển vào trong huyệt, và để chắc ăn hơn thầy còn cho đóng bốn cái cọc tre đực ở bốn góc trên ngôi mộ rồi chăng dây nữa, chẳng biết để làm gì, lạ thật.

Lúc người ta lấp mộ, bà Thoan ném một cục đất tiễn biệt người bạn già lần cuối sang thế giới bên kia. Mùi khói đốt giấy tiền và quần áo khét lẹt bay mù mịt trong gió chiều hoang hoải miền đồi. Giọng của ông thầy pháp sư đang làm phép văng vẳng như oan hồn làm bầy chim sẻ giật mình bay lên tan tác:

- Ơ hồn, hồn phải nằm yên đây, hồn không được đi đâu, không được về nhà quấy nhiễu gia đình, làng xóm, nhà đã được yểm bùa trấn trạch rồi, hồn không được gọi tên người nhà đi cùng, ơ hồn...

*

Sau ngày bà Nga mất, hàng xóm lại thấy mỗi sáng ông Đạo đánh chiếc xe ôtô từ phòng khách ra vỉa hè và mỗi chiều lại đánh xe từ vỉa hè vào phòng khách và tiếp tục nhẫn nại, cần mẫn làm công việc lau chùi, rửa ráy cho nước sơn màu mận chín bóng loáng lên. Mà hình như càng ngày nước sơn màu mận chín càng bóng lên thêm thì phải. Bóng như lau như li, bóng không tì vết, bóng đến choáng ngợp, bóng đến rợn người, bóng đến vô cảm. Và nỗi đau thương, xót xa vì mất vợ trong lòng ông Đạo cũng được ông nhanh chóng như quên đi như xóa sạch lớp bụi phủ trên thân xe. Lúc ông đang mải mê làm công việc yêu thích ấy thì chẳng hay con gái út ông đến, trên tay cô là bó hoa huệ tươi, túi quả ngọt đủ loại thắp hương cho mẹ. Cô con gái cất tiếng làm ông Đạo giật thót cả người:

- Bố, bố đã lại lau xe rồi ạ.

- Ừ ừ, con...con gái đến chơi...với mẹ đấy à. Con vào nhà đi - Ông Đạo ấp úng như gà ăn nhầm bánh đúc.

- Bố sao thế, bố thấy trong người không khỏe ạ - Cô con gái út khẽ chau mày thoáng chút lo lắng.

- Bố không sao đâu.

Trong lúc cô con gái út đang cắm hoa vào lọ, và rửa quả chuẩn bị đặt lên bàn thờ thắp hương cúng mẹ thì ông Đạo đứng bên cạnh thẽ thọt:

- Con gái này, mẹ con đi xa bố thấy buồn bã, trống vắng quá. Bố không thể sống mãi thế này được. Bố muốn...- Ông Đạo ngập ngừng.

- Bố muốn gì bố cứ nói ạ.

- Bố muốn...lấy vợ con ạ, chứ cứ hiu quạnh thế này bố không chịu nổi - Ông Đạo rành rọt từng lời.

- Bố, mẹ con mới mất chưa đầy một tháng mà bố đã có ý định lấy vợ rồi.

*

Vừa lau xe, ông Đạo vừa nhớ lại cơn ác mộng đêm qua khiến ông rùng mình. Ông Đạo vẫn đang nằm ngủ trên giường, mắt ông nhắm nghiền nhưng những hình ảnh hiện lên rõ ràng như đang mở mắt lúc thức và đầu óc ông vẫn hoàn toàn tỉnh táo để điều khiển được hành vi của mình. Ông thấy có một người đàn bà còn trẻ, nhưng không sao nhìn rõ được khuôn mặt cứ sáng lên vành vạnh như trăng rằm. Cô ta lõa thể, không một mảnh vẻ che đậy để lộ làn da trắng như tượng sáp và trên người cô ta tỏa ra hơi sương trắng toát, lạnh lẽo. Cô ta đứng ở đầu giường, nở một nụ cười trắng hơn cả hơi sương rồi khẽ bước lên giường, lần mở từng cái cúc trên áo pijama ông Đạo đang mặc.

Ông Đạo ngạc nhiên khi thấy mình cũng khỏa thân từ bao giờ. Bỗng cái đầu hói bóng của ông tóc mọc lên đen nhánh, làn da nhăn nheo săn chắc trở lại, và máu chảy hừng hực trong huyết quản. Ông Đạo lại gặp những thèm khát, ham muốn của tuổi hai mươi trỗi dậy trong lòng như một mầm cỏ gặp mưa phùn. Ông Đạo biến thành một con đực lao vào ngấu nghiến, cắn xé, giày vò con cái - một con cái mà ông chưa từng biết mặt. Khi ông đang mây mưa trong tư thế nghìn đời của tổ tiên truyền lại, thì có tiếng kẹt cửa.

Ai nhỉ? Ai lại có thể vào đây lúc này? Ông đã chốt cửa chắc chắn trước khi đi ngủ rồi mà. Là bà Nga, đúng là bà Nga vợ ông, không thể nhầm lẫn vào đâu được khi ông dụi mắt hai lần để nhìn cho rõ. Làm sao mà bà ấy có thể cởi trói để trốn về nhà? Mấy lá bùa trấn trạch của thầy pháp sư dán ở bốn góc nhà tự dưng biến mất không thấy đâu nữa? Bà Nga vẫn mặc bộ quần áo lụa trắng trước khi nhập quan. Bà nhìn chằm chằm vào mặt chồng, đôi mắt sâu hoắm như hai xoáy nước ngập đầy trách móc, giận hờn:

- Tôi mới đi mà ông đã thế này rồi.

- Tôi...tôi...bà...bà...- Tiếng ông Đạo vướng trong cổ họng không thoát ra được như hóc phải xương gà.

Rồi bà Nga quay sang nói với người đàn bà lạ mặt lúc này choàng một tấm khăn mỏng như mây bằng giọng nhẹ như gió thoảng:

- Cô ở đâu mà dám đến đây? Tôi mới là chủ ngôi nhà này.

- Bà không bao giờ là chủ, chỉ có ông ấy là chủ, một mình ông ấy thôi - Người đàn bà lạ mặt chỉ vào ông Đạo cự lại rồi cười lanh lảnh như chuỗi ngọc trai rơi tung tóe trên nền đá lát.

Bà Nga không nói gì, bà đi đến góc phòng xoay nắm tay định mở két sắt. Ông Đạo hét lên: “Bà Nga, bà không được lấy tiền của tôi. Tôi đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nhịn ăn, nhịn mặc bao năm mới dành dụm được số tiền ấy”. Bà Nga bỏ ngoài tai không nghe thấy gì, tiếp tục xoay nắm tay. Két sắt vẫn đứng trơ ra thách thức, im lìm đến đáng sợ.

Ông Đạo lật gối lên, chìa khóa vẫn còn dưới gối. Ông nắm chắc chiếc chìa khóa két sắt trong lòng bàn tay dấp dính mồ hôi. Khi ngẩng lên thì không thấy vợ ông đâu nữa, bà Nga đã ra khỏi phòng từ lúc nào. Ông hộc lên như bị dại: “Đừng hòng mà tơ hào đến tiền của tôi. Nhà này có hụt một đồng, tôi cũng biết nhé”.

Ông Đạo thấy tóc trên đầu biến mất, đầu hói bóng trở lại, cơ bắp đang săn chắc bỗng chảy xệ nhão nhoẹt, và người xẹp xuống như quả bóng bị xì hơi. Bộ quần áo pijama kẻ sọc ông Đạo vẫn đang mặc trên người, như chưa hề được cởi ra bao giờ. Ông Đạo luồn tay vào đũng quần, nhầy nhụa, ướt nhẹp và tanh lợm. Có tiếng giội nước trong nhà vệ sinh rào rạt khiến ông Đạo tỉnh giấc. Ông Đạo tung chăn vùng dậy chạy về phía nhà vệ sinh, đẩy cửa, bật công tắc điện. Hình như có ai vừa tắm, nước chảy lênh láng trên nền gạch, dưới ánh sáng của bóng đèn vàng vọt nước đọng lại thành vũng như ánh trăng.

*

Dạo này bà Thoan hay mất ngủ, nghe tiếng đồng hồ tích tắc trên tường hay tiếng thạch sùng tặc lưỡi trong đêm như đếm từng nhịp thời gian. Bà Thoan xoay người đã hết một vòng mà giấc ngủ vẫn chưa chịu về. Hình ảnh bà Nga mặc bộ quần áo lụa trắng bay từ trong ý nghĩ bà Thoan ra đậu trên tường nhà, trần nhà cứ sáng lên lấp lánh như dát bạc. Mỗi khi mệt quá chợp mắt thiếp đi bà Thoan hay mơ thấy bà Nga bị trói chặt hai tay, hai chân bằng dây thừng vào bốn cái cọc tre, người gầy rộc, đen đúa, bộ quần áo lụa trắng rách bươm tổ đỉa. Bà Thoan hỏi giọng thảng thốt trong lúc bà Nga đang cố giãy giụa để thoát ra trong tuyệt vọng:

- Bà Nga ơi, bà bị làm sao thế?

- Tôi bị người ta trói không cho về nhà. Bà có gì thì cho tôi ăn với, uống với, tôi đói lắm, khát lắm - Bà Nga mặt buồn rười rượi.

- Bà Nga, bà đang ở đâu thế? Để tôi đến cứu bà - Bà Thoan gọi hốt hoảng khi thấy bóng bà Nga mờ dần, chìm khuất rồi mất hút vào sương khói mịt mù, hư ảo. Bà Nga tỉnh giấc, ngồi bật dậy, mồ hôi vã ra như có ai vừa giội nước. Bà trằn trọc cho đến khi con gà chọi của thằng cháu nội cất tiếng gáy đầu tiên thì lục cục trở dậy.

*

Sáng hôm sau bà Thoan đã ra chợ mua sắm, về chế biến một ít thức ăn chay rồi vội vã bắt xe ôm đi ra nghĩa trang. Mặt trời chưa lên, sương còn đọng vít cong đầu ngọn cỏ. Những bông cỏ may găm vào gấu quần sa tanh của bà Thoan. Những giọt sương đậu xuống vai áo bà Thoan. Một cơn gió sớm mai chảy tràn trên vòm lá khiến bà khẽ run người vì lạnh. Những mắt lá như mắt người mở to nhìn bà Thoan trìu mến.

Bà Thoan đặt đồ cúng xuống mộ bà Nga, thắp ba nén hương rồi lầm rầm khấn vái. Nước mắt bà Thoan ứa ra như giọt sương trong veo từ hai khóe mắt mờ đục. Mây khảm trai lên khoảng trời ngọc bích. Cờ phướn rung rinh, vòng hoa xơ xác trên những ngôi mộ mới đắp. Khói uốn lượn kì dị, nhang cuốn tàn cong veo, mùi trầm ngan ngát không gian. Chờ cho tuần hương tàn hết bà Thoan tưới chén nước lên mộ, đốt giấy tiền rồi chuẩn bị ra về.

Đi được vài bước, bỗng sực nhớ ra điều gì bà Thoan quay lại ngôi mộ bà Nga giờ đã lên cỏ lấm tấm như gieo mạ. Bà Thoan dùng hết sức nhổ bốn cái cọc tre đực đóng vững chãi ở bốn góc mộ cùng với mớ dây dợ chằng buộc chi chít. Xong, bà ném cả cọc lẫn dây vào đống giấy tiền, vàng mã đang cháy dở. Ngọn lửa bùng lên thiêu rụi tất cả, xanh le lét như mắt mèo trong đêm tối...

Truyện ngắn của Hoàng Anh Tuấn (Công an tỉnh Lào Cai)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/ma-khat-515735/