Mã Pí Lèng, Mã Pì Lèng hay Mã Pỉ Lèng?

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, chúng ta hay gọi con đèo ở Hà Giang là Mã Pì Lèng hay Mã Pí Lèng, nhưng cũng có nhiều biến thể khác xuất phát từ đặc tính vùng miền của ngôn ngữ.

Mã Pí Lèng (Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng) thuộc tỉnh Hà Giang, là tên gọi của cung đường đèo dài khoảng 20 km trên ngọn núi cùng tên Mã Pí Lèng.

Đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200 m thuộc cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên Hạnh Phúc, nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.

Mã Pí Lèng được xem là một trong những cung đường đèo hiểm trở và đẹp bậc nhất vùng núi phía Bắc. Ảnh: Sơn Trần.

Mã Pí Lèng được xem là một trong những cung đường đèo hiểm trở và đẹp bậc nhất vùng núi phía Bắc. Ảnh: Sơn Trần.

Cung đường đèo Mã Pí Lèng được hàng chục nghìn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động. Trong đó, riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.

Mã Pí Lèng được xem là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Pha Đin.

Một trong những chủ đề khiến nhiều người quan tâm, tranh luận là có sự khác nhau giữa tên gọi của đèo này: Mã Pí Lèng, Mã Pì Lèng hay Mã Pỉ Lèng? Ai đã đặt tên cho một trong "tứ đại đỉnh đèo"?

Lâu nay, nhiều thông tin, tài liệu lưu lại rằng tên gọi của con đèo xuất phát từ địa hình nhìn như sóng mũi con ngựa, xuất phát từ tiếng người Mông. Tuy nhiên, TS Lý Tùng Hiếu, giảng viên khoa Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng điều đó không đúng.

TS Hiếu cho biết tên gọi Mã Pí Lèng ban đầu không phải được đặt cho đỉnh núi hay con đèo mà là tên của một bản làng người Mông ở địa phương vào thời con người mới mở đường đi ngang qua đây. Bản làng đó tên là Mã Pí Lèng, không ngụ ý để chỉ địa thế của con đèo. Còn vì sao người dân tại đây lại đặt tên bản làng như vậy thì không rõ.

"Những suy diễn rằng con đèo hay đỉnh núi mang hình sóng mũi ngựa nên đặt tên là Mã Pí Lèng là không có cơ sở. Đây chỉ là tên gọi của một bản làng dưới chân núi, sau được đặt tên cho đỉnh núi và con đèo này", TS Hiếu khẳng định.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, hiện nay, chúng ta hay gọi con đèo này là Mã Pì Lèng hay Mã Pí Lèng, nhưng cũng có nhiều biến thể khác như Mã Pỉ Lèng, Mả Pi Lèng, xuất phát từ đặc tính vùng miền của ngôn ngữ.

Vị chuyên gia ngôn ngữ học này cho rằng gốc của cái tên xuất phát từ tiếng Hán Quan Thoại, du nhập vào Việt Nam và người Mông tiếp thu. Hiện nay, nhiều biến thể của tên gọi xuất hiện vì cách đọc của một số người ở những vùng khác nhau cho ra thanh điệu khác nhau. Có thể nhiều người đi ngang qua nơi đây, nghe tên gọi rồi viết lại, do đặc tính thanh điệu của vùng miền khác nhau, đã cho ra những biến thể khác nhau: Mã thành Mả, Pí thành Pỉ, Pì.

"Cách phát âm đó mang tính phương ngữ của từng vùng. Nhưng trong quy định địa danh của Nhà nước, chúng ta dùng một cái tên phổ biến, được nhiều người gọi nhất, thành tên chính thức cho con đèo này là Mã Pí Lèng”, ông Tình nói.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ma-pi-leng-ma-pi-leng-hay-ma-pi-leng-post997815.html