Ma-rốc, viên kim cương của Phi Châu

Khi trái bóng World Cup chưa lăn, chả ai nghĩ bây giờ Ma-rốc đang chơi ở bán kết. Họ chỉ coi đó là đội bóng lót đường.

Đó chẳng còn là chuyện hoang đường. Đó là sự thật của "những chú sư tử Atlas" đã gầm vang tại Châu Á khiến ba đại diện hùng mạnh của Châu Âu gục ngã. Đó là Bỉ, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Ma-rốc sao nổi danh bằng Tây Ban Nha từng vô địch World Cup hay Bồ Đào Nha từng chinh phục Châu Âu với ngôi sao Ronaldo. Ma-rốc người ta biết đến là cửa ngõ để người Châu Phi đến với Châu Âu nên Ma-rốc gần với Tây Ban Nha và là một dân tộc quật cường chống lại sự cai trị của Tây Ban Nha và Pháp.

Cuộc đấu tại bán kết World Cup 2022 cũng là một duyên nợ lịch sử. Ma-rốc đã chiến thắng Tây Ban Nha ở vòng 1/8 và người Pháp hãy coi chừng họ ở bán kết. Bóng đá không phải kẻ được đánh giá mạnh hơn là thắng mà là kẻ chơi khôn ngoan hơn.

Đúng vậy, lối chơi phòng ngự chắc chắn, phá vỡ nhanh chóng các đợt tấn công của đối phương, khiến đối thủ bối rối và quyết định tung đòn chí mạng. Đó là lối săn mồi thông minh của con sư tử, nó quan sát đối phương, thăm dò địa hình và tấn công thần tốc khiến con mồi không kịp trở tay. Lối chơi đó khiến Bồ Đào Nha bại trận và Ronaldo khóc như trẻ thơ.

Ma-rốc đội bóng có chỉ số tấn công thuộc loại thấp ở World Cup 2022 lại chễm chệ ngồi mâm của 4 đội bóng mạnh nhất. Họ chỉ có tỷ lệ kiểm soát bóng 30%, thực hiện trung bình 7 cú sút mỗi trận (thấp thứ 4 giải đấu) và chỉ đạt chỉ số bàn thắng kỳ vọng là 0.71 (chưa tới 1 bàn/trận). Nhưng Ma-rốc đã xuất sắc chống lại nghịch lý ấy bằng việc xây dựng “bức tường thành” kiên cố.

Hay như tờ So Foot đánh giá: “Đó là thứ vũ khí chết người của người Ma-rốc”.Huấn luyện viên Walid Regragui, một người thần tượng cuồng nhiệt huấn luyện viên Pep Guardiola của Man City, đã xây dựng hệ thống kiểm soát không gian gần như hoàn hảo. Và ông đã thành công khi tuyên bố rằng: "Cầm bóng nhiều mà không ghi được bàn thì khóc làm gì" khi đánh bại các "đại gia" Âu Châu.

Trận đấu với Tây Ban Nha là minh chứng điển hình cho lối chơi của Ma-rốc. Họ để đối thủ thực hiện tới 1019 đường chuyền nhưng bị “nhốt” ở khu vực giữa sân. Trong trận đấu đó, đội bóng Bắc Phi thực hiện 573 áp lực phòng ngự, cao nhất giải đấu. Bồ Đào Nha đã khắc phục vấn đề này bằng việc kéo Bruno Fernandes lùi rất sâu để làm bóng nhưng tuyến trên lại không đủ sự linh hoạt.

Thể lực các cầu thủ Ma-rôc đều rất tuyệt vời và di chuyển rất nhiều để phá vỡ lối chơi của đối phương. Tổng quãng đường Ma-rốc di chuyển trong trận gặp Tây Ban Nha lên tới… 148 km (nhiều hơn đối thủ 5 km). Vì thế, áp lực lên khung thành của Yassine Bounou cũng giảm đáng kể. Trong 45 cú sút Morocco phải đối diện, chỉ có 9 lần bóng đi trúng đích. Trong đó, Tây Ban Nha chỉ có 1 cú, còn Bồ Đào Nha có 3 lần.

Sự vững chãi của Ma-rốc phải cảm ơn đến thủ môn Yassine Bounou. Anh đã cản phá luân lưu trước Tây Ban Nha, và chơi đầy linh hoạt trong trận gặp Bồ Đào Nha. Lối bắt bóng không màu mè nhưng cực kỳ chắc chắn trong những pha phán đoán tình huống và cản phá.

Không cần biết Ma-rốc có thắng Pháp để vào chung kết hay không? Điều đó với cầu thủ cũng như người dân Ma-rốc không quan trọng nữa, mà điều đặc biệt, họ đang rất thành công tại World Cup lần này. Họ sẽ thể hiện lối chơi vậy trước Pháp và chẳng việc gì phải e ngại nhà đương kim vô địch.

Biết đâu thêm một lần nữa họ làm cho thế giới bóng đá choáng ngợp trước sự dũng mạnh của "những chú sư tử Atlas".

Hãy đợi trái bóng lăn để biết câu chuyện khóc cười trong một trận bán kết đầy bất ngờ diễn ra vào lúc 2 giờ ngày 15/12.

Huấn luyện viên Deschamps của đội tuyển Pháp chia sẻ: “Ít ai có thể ngờ Ma-rốc có thể lọt vào số 4 đội hay nhất World Cup. Nhưng nếu theo dõi những gì họ đã thể hiện, không ai ngạc nhiên cả. Họ xứng đáng với điều đó. Chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng cho trận đấu bán kết sắp tới”.

Tuấn Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ma-roc-vien-kim-cuong-cua-phi-chau-post461488.html