Ma túy, nỗi ám ảnh tội ác - Bài 2: Nan giải cai nghiện

Tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, số người nghiện ma túy ngày càng gia tăng. Trong khi đó công tác cai nghiện gặp không ít khó khăn, thách thức. Điều đáng nói là trong khi Đề án đổi mới công tác cai nghiện đã được Thủ tướng phê duyệt là hướng tới chủ yếu cai nghiện tự nguyện và cai nghiện tại cộng đồng thì không ít địa phương lại muốn đưa hết vào diện bắt buộc.

Công tác cai nghiện tại cộng đồng gặp không ít khó khăn do địa phương chưa thực sự quan tâm.

Công tác cai nghiện tại cộng đồng gặp không ít khó khăn do địa phương chưa thực sự quan tâm.

Bài 1: Nóng bỏng tội phạm ma túy

Tỷ lệ cai nghiện tự nguyện thấp

Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc; 19% người trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Đáng chú ý, tình hình sử dụng các chất ma túy tổng hợp dạng amphetamine (ATS) tiếp tục gia tăng ở các địa phương, ước tính tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 60 - 70% trong số người nghiện. Riêng ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ này lên đến 70 – 85% trong số người nghiện.

Còn theo nghiên cứu tại Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh cho thấy, 40% người nghiện heroin có sử dụng ATS và số này có tỷ lệ loạn thần cao gấp 9,7 lần số không sử dụng ATS. Cũng theo Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm thần, loạn thần ở người sử dụng ATS chủ yếu là hoang tưởng chiếm tỷ lệ 68,2%, ảo giác là 72,7%, trầm cảm chiếm 23,8% và 15% trầm cảm trong thời gian 3 năm sau khi sử dụng ATS.

Hiện nay, các cơ sở cai nghiện được phân loại thành nhiều đơn vị đặc trưng, từ cơ sở cai nghiện bắt buộc (buộc đối tượng phải thực hiện cai nghiện tại đây) cho tới cơ sở cai nghiện tự nguyện, cơ sở xã hội, cơ sở điều trị thuốc thay thế, cơ sở đa chức năng, các điểm tư vấn tại cộng đồng…Trong đó, theo tiêu chí chung, dần dần các cơ cở cai nghiện sẽ được quy hoạch và thực hiện nhằm giảm cơ sở bắt buộc, tăng cơ sở tự nguyện, giảm người cai nghiện bắt buộc, tăng người cai nghiện tự nguyện; phát triển dịch vụ điều trị, mạng lưới chăm sóc người nghiện tư nhân, gia đình và cộng đồng.

Tuy nhiên thực tế từ các địa phương cho thấy, công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, dù hiện nay cai nghiện ma túy tại cộng đồng là hình thức đang được nhiều người nghiện ma túy lựa chọn và cũng được thành phố khuyến khích. Thế nhưng, số người tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng khá thấp. Theo báo cáo của Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6/2018 thành phố có gần 23.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, cai nghiện tại cơ sở là 11.500 người. Tại cộng đồng và gia đình là 1.500 người. Khoảng 7.000 người nghiện ma túy tổng hợp (MTTH), chiếm 60% có hồ sơ quản lý. Điều này cho thấy người nghiện MTTH ngoài xã hội còn nhiều, chưa thể quản lý và rất khó phát hiện. Bản thân người nghiện và gia đình không hợp tác với cơ quan chức năng để khai báo tình trạng nghiện.

Tương tự, tại Bắc Kạn năm 2018, số người nghiện có hồ sơ quản lý của tỉnh là 1.394 người (tăng 113 người so với năm 2017). Ngoài ra, số người đã phát hiện sử dụng ma túy nhưng chưa được thiết lập hồ sơ (nghi nghiện) là 430 người. Tuy nhiên, số người được tham gia điều trị trên tổng số người có hồ sơ quản lý còn thấp; đặc biệt số người tham gia cai tự nguyện tại cơ sở cai nghiện còn ít. Năm 2018, chỉ có 19 người nghiện ma túy trong tỉnh tham gia cai nghiện tự nguyện (bằng 1,36% tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý).

Đánh giá về công tác cai nghiện, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTBXH Nguyễn Xuân Lập cũng thừa nhận, hiện nay công tác điều trị, cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy là một công việc khó khăn, phức tạp và lâu dài. Số người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng giảm dần, do người nghiện và gia đình họ không tự khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác tổ chức cai.

Khó quản lý sau cai nghiện

Từ thực tế cho thấy, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đổi mới toàn diện công tác cai nghiện theo hướng thân thiện, tích cực với người nghiện ma túy. Cùng với đó là xây dựng các mô hình mới trong công tác cai nghiện, giảm số điều trị tại các cơ sở cai nghiện, tăng số người được điều trị dựa vào cộng đồng, để từng bước giảm tỷ lệ tái sử dụng ma túy và ngăn ngừa có hiệu quả số người nghiện mới, từ đó góp phần kiểm soát sự lây lan của HIV qua tiêm chích ma túy.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Lập, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa thật sự thống nhất về quan điểm quản lý đối với người nghiện ma túy. Đặc biệt, nhiều địa phương không cân đối được ngân sách và không bố trí kinh phí cho công tác này, nhất là cấp huyện, xã. Ở hầu hết ở các địa phương thực hiện cai nghiện tại cộng đồng đều không có cơ sở dạy nghề để tổ chức truyền nghề, đào tạo việc làm, phục hồi và quản lý sau cai nghiện. Do đó, trên 90% đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đều tái nghiện. Bên cạnh đó, công tác quản lý sau cai theo Luật Phòng, chống ma túy chủ yếu là quản lý hành chính, chưa có các biện pháp hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người nghiện trước khi về cộng đồng.

“Thực tế, việc kéo dài thêm 2 năm quản lý sau cai trong cơ sở chỉ càng làm tăng thêm khó khăn, rào cản cho người nghiện trở về cộng đồng. Còn quản lý sau cai tại nơi cư trú thì thực tế rất khó và không quản lý được, không có nhân sự hỗ trợ, giúp đỡ đối với người sau cai nghiện ở cộng đồng. Ngoài ra, việc nhân rộng các bài thuốc điều trị, cai nghiện cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí mua thuốc còn cao hơn các loại thuốc khác, trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ người nghiện ma túy tại cộng đồng” - ông Lập nói.

(Còn nữa)

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/antt/ma-tuy-noi-am-anh-toi-ac-bai-2-nan-giai-cai-nghien-tintuc431276