Mắc căn bệnh 'ngứa phát điên', da cụ ông sần sùi như khúc gỗ

Khoảng 3 tuần nay, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đỏ da, bong vảy nhiều, tổn thương chiếm hơn 90% diện tích cơ thể...

Bệnh nhân N.X.Q, 89 tuổi, bị bệnh vảy nến hơn 50 năm, đã điều trị nhiều nơi. Khoảng 3 tuần nay xuất hiện tình trạng đỏ da, bong vảy nhiều, tổn thương chiếm hơn 90% diện tích cơ thể, gây khó chịu, ngứa nhiều, mất ngủ, chán nản, kèm theo bệnh lý hẹp mạch vành, suy tim, hẹp tắc động mạch chi dưới.

Bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu Nghị. PGS.TS Lê Hữu Doanh – Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, Phụ trách khoa Da liễu (Bệnh viện Hữu Nghị) đã thăm khám và chẩn đoán: bệnh nhân mắc đỏ da toàn thân do vảy nến.

PGS. Doanh đã hướng dẫn cách chăm sóc và đưa ra phác điều trị dùng Cyclosporin A, phối hợp thuốc bôi, dưỡng ẩm tại chỗ tăng cường.

Sau 1 tuần điều trị, tổn thương của bệnh nhân đỡ nhiều, giảm đỏ da và tình trạng bong vảy. Bệnh nhân phấn khởi, lạc quan vui vẻ hơn, ngủ tốt hơn.

Tổn thương da nặng nề ở cụ ông mắc vảy nến.

Tổn thương da nặng nề ở cụ ông mắc vảy nến.

Bệnh vảy nến là gì?

Theo PGS. Doanh, bệnh vảy nến (psoriasis) là một trong những bệnh da thường gặp. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh biểu hiện bởi những sẩn, mảng đỏ, bong vẩy trắng ở trên da… ngứa ngáy, khó chịu, mất thẩm mỹ, đặc biệt khi tổn thương lan rộng người bệnh còn phải chịu đựng tâm lý bị kỳ thị, gặp nhiều phiền toái và giảm chất lượng cuộc sống.

Bệnh vảy nến là một bệnh viêm da mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể kiểm soát để bệnh ổn định và không bùng phát nếu được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ da liễu.

Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến

Cho đến nay, cơ chế bệnh sinh của bệnh vảy nến vẫn còn chưa được sáng tỏ hoàn toàn, tuy nhiên có thể cho rằng bệnh có liên quan đến yếu tố gene và rối loạn miễn dịch trong cơ thể.

Bệnh được coi là bệnh viêm hệ thống gây ảnh hưởng tới rất nhiều các cơ quan như tim mạch, nội tiết, cơ xương khớp, mắt, đại tràng và có liên quan đến các hội chứng chuyển hóa như béo phì, rối loạn lipid máu, kháng insulin…

Các yếu tố liên quan đến bệnh vảy nến như: stress, nhiễm khuẩn khu trú, chấn thương thượng bì, một số thuốc (thuốc chống viêm, một số thuốc dung đường toàn thân có chứa cortiocid...), các chất kích thích (rượu, cà phê, thuốc lá), khí hậu thời tiết, lối sống, thức ăn, nội tiết... Các yếu tố này được xác định là yếu tố khởi phát bệnh cũng như có vai trò làm tái phát hay nặng lên tình trạng bệnh.

PGS.TS Lê Hữu Doanh thăm khám cho bệnh nhân vảy nến.

PGS.TS Lê Hữu Doanh thăm khám cho bệnh nhân vảy nến.

Biểu hiện triệu chứng của bệnh vảy nến

- Bệnh vảy nến có triệu chứng đặc trưng là xuất hiện các sẩn, mảng đỏ tươi trên da, ranh giới rõ, trên có nhiều vảy trắng dễ bong, phân bố đối xứng, kích thước khác nhau từ vảy nến thể giọt, vảy nến thể đồng tiền, vảy nến thể mảng.

- Ngoài các biểu hiện trên da, bệnh vảy nến có thể biểu hiện sưng và đau khớp (viêm khớp) và biểu hiện ở móng như dày sừng dưới móng, tách móng, vàng móng, móng xù xì, rỗ móng…

- Nhiều trường hợp bệnh nhân tới khám vì sốt cao, da đỏ toàn thân, hoặc mụn mủ nông dày đặc trên da.

Làm cách nào để điều trị bệnh vảy nến?

Các chuyên gia da liễu nhấn mạnh, đến nay chưa có phương pháp giúp điều trị khỏi hoàn toàn vảy nến, nhưng bệnh có thể kiểm soát được. Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị là kiểm soát tình trạng bệnh, duy trì bệnh ở mức thấp nhất, ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến. Điều quan trọng nhất là xen kẽ, phối hợp các phương pháp với nhau vì một số thuốc không sử dụng được lâu dài, một số thuốc khi dùng chung cho kết quả cao hơn.

Thuốc bôi tại chỗ: chứa thành phần corticosteroid, retinoid, acid salicylic, dẫn xuất vitamin D3, ức chế calcineurin thường được sử dụng cho các trường hợp bệnh nhẹ hoặc trung bình, có thể được kết hợp với các phương pháp khác để tăng hiệu quả điều trị.

Trường hợp vảy nến nặng hơn (những tổn thương nghiêm trọng hoặc nhiều tổn thương), có thể cân nhắc điều trị bằng các thuốc đường toàn thân như methotrexate, cyclosporine, vitamin A acid hay các thuốc sinh học. Trong một số trường hợp, quang trị liệu (sử dụng tia UVA, UVB, laser) cũng được áp dụng điều trị hiệu quả bệnh vảy nến.

Thuốc sinh học gần đây là một bước tiến mới mang lại nhiều hi vọng cho người bệnh vảy nến khi cải thiện được chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người bệnh sau khi dùng thuốc sinh học có thể sạch hoàn toàn thương tổn, hết đau khớp và tự tin giao tiếp.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân vảy nến không được tự ý dùng thuốc (đặc biệt là các thuốc đông y, gia truyền, thuốc không rõ thành phần …), phải tuân thủ theo điều trị của bác sĩ và thường xuyên đến tái khám bác sĩ da liễu để kiểm soát bệnh tốt hơn.

Cách chăm sóc cho bệnh nhân vảy nến

- Ngoài việc tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng đối với người bệnh vảy nến. Người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đầy đủ dưỡng chất, trong đó nên bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, axit béo omega-3, kẽm, acid folic, beta caroten,…

Hạn chế rượu bia, thực phẩm nhiều tinh bột và đường, món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, các thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp.

- Thường xuyên giữ ẩm cho vùng da bị vảy nến là rất quan trọng, bằng cách bôi kem dưỡng ẩm phù hợp nhiều lần, bôi ngay sau khi tắm và bất cứ khi nào cảm thấy khô da đặc biệt mùa đông.

Mùa đông là thời điểm dễ bùng phát bệnh vì bên cạnh yếu tố khô lạnh thì trong những yếu tố khiến bệnh vẩy nến trở nên tồi tệ hơn là do giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Chưa kể đến, stress, căng thẳng hay mắc các bệnh nhiễm virus, vi khuẩn cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ thúc đẩy bệnh.

- Bên cạnh đó, người bệnh vảy nến nên trang bị hiểu biết của mình về bệnh, để chung sống hòa bình, làm chủ căn bệnh, loại bỏ dần những căng thẳng bởi vì căng thẳng là một trong những yếu tố làm bệnh nặng lên.

- Người bệnh mắc vảy nến nên được thăm khám, làm đầy đủ các xét nghiệm chẩn đoán và các xét nghiệm tầm soát các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh khác như tim mạch, nội tiết, mắt, cơ xương khớp, hội chứng rối loạn chuyển hóa,... và được điều trị kết hợp nhiều phương pháp như thuốc bôi tại chỗ kết hợp thuốc sinh học, mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.

Hương Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mac-can-benh-ngua-phat-dien-cu-ong-bong-troc-do-da-toan-than-169221219181830867.htm