Mắc kẹt ở chân đê

Mới đây, dư luận ở địa phương ồn ào quanh chuyện một số cán bộ, người dân xóm Trại Nội, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản (Nam Định) vi phạm pháp luật, xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ đê và trong hành lang thoát lũ sông Đào. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế mới thấu hiểu nỗi khổ của những người vi phạm.

Như nhiều xóm làng nằm dọc hai bờ đê, Trại Nội là khu dân cư đã được hình thành từ rất lâu trên vùng đất bãi sông Đào. Nhà cửa được người dân ở đây xây dựng trên phần đất do cha ông khai khẩn để lại, lại đã được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất ở. Người dân địa phương cho biết, khi cha ông họ đến khai khẩn, sinh sống ở đây, đê sông Đào vẫn còn rất nhỏ. Trải qua nhiều lần được bồi đắp, thân đê mới được to lớn như ngày nay. Một cách rất tự nhiên, mỗi lần được bồi đắp, thân đê lại tiến gần hơn vào phạm vi đất ở của họ. Trong khi đó, pháp luật, các quy định về bảo vệ đê điều ngày một hoàn thiện hơn, chặt chẽ hơn.

Cụ thể, như hiện nay, mọi công trình tồn tại trên mặt đê, mái đê và trong phạm vi 5 m tính từ chân đê đều là trái phép, buộc phải giải tỏa, di dời. Những công trình nằm ngoài phạm vi 5 m từ chân đê thuộc hành lang thoát lũ, nếu hư hỏng, xuống cấp cũng chỉ được phép cải tạo, sửa chữa, không được phép xây mới. Chính vì vậy, nhiều công trình nhà ở của người dân xóm Trại Nội trước đây nằm cách xa đê, được xây dựng hợp pháp, nay nằm trong phạm vi 5 m từ chân đê, thuộc hành lang bảo vệ đê nên thuộc diện buộc phải giải tỏa, di dời. Các hộ dân sinh sống ở phạm vi ngoài 5 m từ chân đê cũng lâm cảnh “khóc dở mếu dở”.

Nhà cửa xuống cấp, nếu dỡ đi xây mới thì vi phạm quy định bảo vệ đê điều, không dỡ thì phải chấp nhận sống trong những ngôi nhà không đảm bảo an toàn. Trên thực tế, thời gian qua, do quá bức bách về nơi ăn chốn ở, một số hộ dân xóm Trại Nội đã phá dỡ nhà ở cũ, xây mới dẫn đến vi phạm pháp luật. Quả là nỗi khổ riêng có của người dân sống ở chân đê!.

Với chính quyền cơ sở, đứng trước những vụ việc vi phạm như trên thường cũng rất lúng túng, khó khăn trong xử lý. Không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì không hoàn thành nhiệm vụ, bị cấp trên xử lý. Nếu ngăn chặn, xử lý mạnh tay thì bị xem là vô cảm trước nhu cầu cấp thiết của người dân. Thực tế cho thấy, những mâu thuẫn, bất cập trên không chỉ là chuyện riêng ở xóm Trại Nội mà là câu chuyện chung của nhiều địa phương hiện nay...

Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chung-toi-len-tieng/mac-ket-o-chan-de-tintuc461551