Mặc kiểu 'Old Money' khi chưa giàu

Từng là kiểu ăn mặc gán mác 'giới thượng lưu', Old Money hiện được Gen Z đón nhận và ứng dụng vào đời sống hàng ngày.

"Old Money" trở thành một trong những xu hướng được ưa chuộng nhất trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Ảnh minh họa: @ralphlauren.

Theo CNN, “Old Money” hay “Old Money aesthetic” là cụm từ được nhiều TikToker sử dụng để chỉ phong cách thời trang kết hợp giữa yếu tố cổ điển và preppy (trang phục của sinh viên thuộc tầng lớp thượng lưu trong các trường đại học tại Mỹ).

Thực chất, không có phong cách ăn mặc “Old Money”. Đây là trào lưu bắt chước trang phục của những người sinh ra trong gia đình giàu có, quyền lực.

Với sức sáng tạo lớn, nhiều tín đồ thời trang Gen Z nhanh chóng ứng dụng và biến hóa kiểu thời trang này vào đời sống thường nhật.

Xu hướng thẩm mỹ Old Money ngày càng thu hút sự chú ý, tạo dấu ấn trong lĩnh vực thời trang. Ảnh minh họa: Pinterest.

"Old Money" thành mốt

Tính đến ngày 14/5, hashtag #OldMoney thu hút hơn 5,7 tỷ lượt xem, #OldMoneyAesthetic và #OldMoneyOutfits cũng lần lượt có 2,5 tỷ và 787 triệu lượt theo dõi trên nền tảng TikTok.

Thuật ngữ này trở nên phổ biến từ khi chiến dịch quảng cáo cùng tên của thương hiệu Ralph Lauren được giới thiệu đến công chúng vào cuối năm 2022.

Theo định nghĩa của từ điển Oxford, từ “Old Money” chỉ những người thuộc tầng lớp siêu giàu, “ngậm thìa vàng” ngay từ khi sinh ra. Họ được thừa kế một khối tài sản khổng lồ từ gia đình giàu có.

Khi được sử dụng như tính từ, “Old Money” còn mô tả lối sống, phong cách ăn mặc của giới thượng lưu, thường gắn với những gì đắt đỏ, sang trọng và tinh tế.

Các sản phẩm đặc trưng của phong cách này là drap trải giường cao cấp, áo phông hàng hiệu, giày thể thao trắng, mũ lưỡi trai và áo khoác chần bông.

Đây là lối sống mà nhiều người khao khát nhưng không thể sở hữu vì hoàn cảnh gia đình, tiềm lực tài chính khác nhau. Tuy nhiên, các tín đồ thời trang vẫn có thể theo đuổi xu hướng thẩm mỹ này qua váy áo.

Lúc này, “Old Money” không nhấn mạnh sự vương giả mà tập trung vào thói quen mua sắm có ý thức và sự đầu tư khôn ngoan vào tủ quần áo. Đúng với tên gọi, trang phục theo phong cách này bao gồm 2 đặc tính: cổ điển và xa xỉ.

Các sản phẩm thời trang đó có thể được tìm thấy ở các cửa hàng vintage, đại lý phân phối đồ qua tay.

Chia sẻ với tạp chí Hello!, stylist Georgie Gray phân biệt sự khác nhau giữa “Old Money” và “Quiet Luxury” (phong cách ăn mặc xa xỉ thầm lặng).

Trong khi, “Quiet Luxury” gắn liền với trang phục tối giản, không logo, được làm bằng chất liệu cao cấp, “Old Money” lại tạo liên tưởng về váy áo hàng hiệu, cổ điển.

Trào lưu Old Money được hưởng ứng từ khi phim Succession công chiếu. Ảnh: Landmark Media.

Giám đốc thương hiệu Depop, Agustina Panzoni, cho rằng xu hướng thẩm mỹ này không chỉ liên quan đến tiền bạc và địa vị. Trào lưu đó hướng khách hàng thời trang tập trung vào sự cổ điển và chất lượng sản phẩm.

“Thay vì mua sắm hàng hóa xa hoa mới tinh với mức giá đắt đỏ, người dùng có thể tìm đến váy áo cao cấp qua sử dụng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng từ các thương hiệu lâu đời. Chất lượng của những món đồ đơn giản, không lỗi mốt này được kiểm chứng bởi giới quý tộc”, Panzoni cho biết.

Gen Z nhiệt tình hưởng ứng trào lưu Old Money, ưa chuộng quần áo cổ điển, chất lượng cao. Ảnh minh họa: Vogue Runway.

Khi Gen Z theo đuổi "Old Money"

Bắt đầu bước vào tuổi 20, kiếm được nguồn thu nhập, Gen Z trở thành khách hàng tiềm năng của nhiều thương hiệu thời trang. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng sinh hoạt phí khiến thói quen mua sắm của thế hệ này thay đổi.

Thay vì chi trả một khoản tiền lớn vào váy áo thiết kế chỉ mặc 1-2 lần, họ hướng đến trào lưu tiêu dùng bền vững. “Old Money” là một phong cách phù hợp với xu hướng sử dụng sản phẩm thời trang mới này.

Cụ thể, người dùng Gen Z có thể tìm thấy trang phục theo xu hướng này tại các cửa hàng đồ cũ, trên website thanh lý. Những món đồ cổ điển, đơn giản này luôn duy trì sức hút vì được diện bởi giới thượng lưu.

Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các tín đồ thời trang thường ăn diện trang nghiêm, lịch sự, kín đáo hơn. Năm 1926, nhà kinh tế học George Taylor đưa ra lý thuyết về sự liên quan giữa độ dài/ngắn của váy và tình hình kinh tế.

Cụ thể, trong thời kỳ thịnh vượng, váy áo trở nên ngắn hoặc siêu ngắn. Ngược lại, ở giai đoạn suy thoái, trang phục thường được thiết kế dài hơn.

Sau đó, Trevor Davis, chuyên gia về sản phẩm tiêu dùng của IBM, thực hiện một nghiên cứu cho thấy tình trạng kinh tế khó khăn kéo dài khiến đế giày cao gót ngày càng thấp đi.

Nhìn chung, trong bối cảnh hiện tại, quần áo trang nhã theo phong cách thượng lưu nhanh chóng lên ngôi, được người tiêu dùng Gen Z tích cực hưởng ứng để cân đối chi tiêu khi vừa bước chân vào thị trường lao động.

Quần áo trang nhã, nghiêm túc và kín đáo lên ngôi trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Ảnh minh họa: Ralph Lauren.

Theo CNN, trang phục được công nương Diana sử dụng là đặc trưng của xu hướng thẩm mỹ này. Sơ mi Oxford, chân váy tennis, áo khoác dạ tweed và băng đô là những món đồ biểu tượng cho Diana.

Là sự kết hợp của màu sắc cổ điển và phong cách preppy, quần áo theo trào lưu đó cũng khắc họa hình ảnh sinh viên quý tộc của các trường đại học thuộc Liên đoàn Ivy League (gồm 8 trường đại học hàng đầu tại Mỹ).

Theo stylist Georgie Gray, áo len cashmere, sơ mi sọc phẳng phiu, khăn lụa là những item ưa thích của nhóm đối tượng này. Các sinh viên thuộc tầng lớp thượng lưu luôn diện những món đồ không lỗi mốt, có sức sống vượt thời gian.

Như vậy, khi theo đuổi phong cách thượng lưu, người mặc không cần liên tục cập nhật xu hướng mới, loại bỏ quần áo cũ để chạy theo dòng chảy thời trang, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang bền vững.

Nhiều tín đồ thời trang Gen Z theo đuổi phong cách thời trang gắn liền với sinh viên quý tộc. Ảnh minh họa: @ralphlauren, @sudekizikofficial.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mac-kieu-old-money-khi-chua-giau-post1431145.html