Mặc phản cảm nơi chùa chiền: Phô bày văn hóa ứng xử thấp mà nghĩ hay

'Chùa chiền trước hết là một không gian công cộng, không gian thiêng liêng, có lễ nghi và có chủ nên khi đi chùa, dù là để vãn cảnh cũng cần sự phù hợp'.

Ai cũng biết chùa chiền là nơi linh thiêng và cần phải ăn mặc kín đáo nhất có thể. Thế nhưng, đến hẹn lại lên, những ngày đầu xuân năm mới, vẫn còn các nam thanh nữ tú đi trẩy hội, vãn cảnh chùa chiền vô tư diện những trang phục hết hở trên, hở dưới đến hở giữa, hoặc không thì diện những bộ cánh xuyên thấu, cắt khoét…

Dù đã nhiều lần bị phê phán nhưng năm nào dư luận cũng được phen dậy sóng vì những hình ảnh ăn mặc thiếu vải ở chốn linh thiêng, năm nay cũng không nằm ngoài “cái hẹn” đó. Đầu xuân Tân Sửu, một số mỹ nhân showbiz Việt như Chi Pu, Minh Tú… bị chê ăn mặc phản cảm khi đi lễ chùa đầu năm.

Hình ảnh người phụ nữ “thả rông” vòng 1, tạo dáng chụp ảnh phản cảm ở di tích chùa Cầu, Hội An.

Hình ảnh người phụ nữ “thả rông” vòng 1, tạo dáng chụp ảnh phản cảm ở di tích chùa Cầu, Hội An.

Chưa dừng ở đó, những ngày gần đây, hình ảnh người phụ nữ “thả rông” vòng 1, tạo dáng chụp ảnh phản cảm ở di tích chùa Cầu, Hội An (Quảng Nam) gây bức xúc dư luận.

Liên quan đến thực trạng ăn mặc phản cảm khi đi lễ đền, chùa gây bức xúc dư luận những ngày gần đây, Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hùng Vĩ - nhà nghiên cứu văn học dân gian, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thưa ông, có rất nhiều hình ảnh phản cảm trong không gian đền, chùa khiến dư luận bức xúc như: Chen lấn, xô đẩy, nhét tiền lẻ vào tay tượng, vào chùa chỉ để chụp ảnh, đi chùa chỉ để xin lộc… Đặc biệt, hình ảnh ăn mặc phản cảm khi đi đền, chùa cứ như một "cái hẹn", đến dịp lại lên. Và, năm nay cũng không ngoại lệ. Ông nghĩ sao về điều này?

Đa số người đến chùa lễ bái, vãn cảnh hay cúng thường ăn mặc tử tế, đẹp đẽ. Đó là bức tranh chung. Tuy nhiên, có ít người ăn mặc cẩu thả, thậm chí phản cảm. Điều đó thật đáng phê phán. Có thể, họ đi du xuân, tiện thể vãn cảnh chùa chăng? Xã hội phức tạp, có người thế này, có người thế nọ. Không ảo tưởng một xã hội chằn chặn như nhau. Thế mới có chuyện mà nói.

Theo tôi, đi tham quan chùa tối thiểu cũng như đến nhà bè bạn, có suồng sã đi nữa cũng phải trên kín dưới lành. Nhà chùa đón khách cũng như mình đón khách vậy, tối thiểu cũng khoác vội cái áo cho tươm tất một chút, gọi là hiếu khách.

Chưa bao giờ vải vóc quần áo, so với thu nhập người dân lại rẻ như bây giờ. Hà cớ gì không có nổi một bộ quần áo lành lặn để du xuân chốn chùa chiền. Đó là ý thức, là nếp sống văn hóa của những người đó thôi.

Việc những du khách đến chùa ăn mặc hở hang, phản cảm ảnh hưởng thế nào đến cảnh quan nơi đền, chùa, cũng như những người hành hương?

Đi chùa, ngoài tiện thể du lịch mà ghé thăm có ba mục đích: Lễ bái - vãn cảnh - cúng dường. Trong đó, hành lễ đặt lên đầu tiên. Hành lễ là các hành vi đối đãi, giao tiếp đã thành quy thức giữa con người với con người, con người với nhà chùa.

Nghi lễ nhà Phật có 4 hình thức lễ bái: Thân lễ bái, tâm lễ bái, khẩu lễ bái và ý lễ bái. Thân lễ bái đứng đầu. Đó là trang phục, dung nghi, phong thái, động tác... của người đi lễ. Trang phục lịch sự, dung nghi đoan chính, phong thái cẩn trọng, động tác từ tốn, đúng lễ nghi.

Ăn mặc phản cảm không những thiếu tri thức tối thiểu về lễ mà còn gây khó chịu cho người khác, cho đồng đạo, cho người hành hương, thiếu tôn trọng chủ nhà và thể hiện ứng xử văn hóa thấp. Điều đó cần quan tâm.

Nếu bản thân ông chứng kiến nam thanh nữ tú trong trang phục không đẹp mắt khi đến đền, chùa, cảm giác của ông khi đó thế nào?

Cảm giác của tôi xen lẫn nhiều cái: Không thấy đẹp, buồn cười, thông cảm và muốn nhắc nhở. Họ chưa hiểu thì tôi muốn họ hiểu thêm. Con người có văn hóa. Họ cần học tập, hiểu biết, sửa sai và hành động có ý thức hơn.

Ông có thể chia sẻ về hình ảnh ngày xưa các bà, các chị đi lễ chùa trong trang phục như thế nào? Hoặc trong văn chương, tranh ảnh... người xưa ăn mặc thế nào và quan niệm về trang phục chuẩn mực đi lễ chùa?

Ông Nguyễn Hùng Vĩ - nhà nghiên cứu văn học dân gian.

Ngày xưa tôi không chứng kiến nhưng qua tranh ảnh, văn chương, khảo tả thì thấy rằng, đó là một cư dân nghèo, quần áo còn hiếm hoi nhưng "áo rách khéo vá hơn lành vụng may", và khi đến chùa, họ cố gắng ăn mặc lành lặn nhất.

Trong các tấm ảnh chụp đầu thế kỷ XX, ta thấy thương cho một nhân dân quá nghèo khổ, áo năm thân màu tối, váy lụng thụng, có người còn áo vá, chân đất, trước cửa chùa có hành khất nón mê áo rách. Cũng có người áo quần khá lành lặn, "Như khi em đi lễ chùa/Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh". Chắc đó là "nhà có điều kiện" hơn.

Trên gương mặt mọi người có những sắc thái chính: Thành kính, âu lo, thậm chí ngơ ngác. Xuất phát điểm đất nước mình nó vậy, đừng ảo tưởng vào quá khứ vàng son. Bây giờ thì khác hẳn: Tự tin và tươi tắn, có khi quá đà. Hãy biết mà gìn giữ lấy hôm nay.

Trang phục chuẩn mực thì đâu có. Nhà có của, gái khăn trùm đầu, áo năm thân, váy chùng, guốc hoặc dép cong mũi thuyền, ống trầu, xà tích, bao xanh, nón thúng; nam thì áo lương, khăn xếp, quần ống sớ, giày Chí Long hoặc Gia Định, ô lục soạn. Dân thì miễn trên kín dưới lành. Bộ quần áo đầu tiên của đoàn quan họ, họp mãi, bàn mãi, cuối cùng thống nhất là: Bộ đi chùa. Sau 1971 mới cải tiến thành trang phục như bây giờ.

Ngày nay, du khách khi đi lễ chùa cần ăn mặc như thế nào cho phù hợp?

Thời trang là một vấn đề phức tạp. Nhưng có luật chung là phù hợp với mục đích, đối tượng, tính chất của cuộc sống mà sử dụng. Phương Tây phân biệt rất rõ thời trang trình diễn và thời trang ứng dụng. Thời trang trình diễn là để biểu diễn các sáng tạo, các ý tưởng nghệ thuật thời trang trên sàn diễn, không ai mặc nó đi tàu xe, vào công sở, đi nhà thờ. Bên mình thì nhập nhòe lắm!

Theo tôi, chùa chiền trước hết là một không gian công cộng, không gian thiêng liêng, có lễ nghi và có chủ nên khi đi chùa, dù là để vãn cảnh cũng cần sự phù hợp. Đó là hiểu các nghi thức, lễ nghi của nhà chùa mà hành động cho hài hòa với tổng thể văn hóa.

Năm nào cũng có những ý kiến phản ánh hình ảnh ăn mặc phản cảm nơi chùa chiền, vậy mà, hình ảnh đó vẫn diễn ra? Theo ông, đâu là căn nguyên dẫn đến thực trạng này?

Việc tồn tại các hình ảnh phản cảm trong trang phục hoặc trong hành vi khi đi lễ chùa là một điều vẫn xảy ra. Chặt chẽ như pháp luật mà vẫn nhiều người vi phạm huống hồ là phong tục. Vấn đề là truyền thông về ý thức, sự hiểu biết về nghi thức là một điều cần làm thường xuyên. Các chùa lớn đều là các di tích văn hóa lịch sử, cần có những quy định, những khuyến nghị về ứng xử chốn cửa thiền, di tích. Đồng thời, trong việc dạy văn hóa hoặc giáo lý cũng cần đưa thành nội dung cho các tín đồ, cho mọi công dân.

Nhưng tôi tin rằng, mọi việc đang tốt lên. Tình hình không đáng bi quan quá. Căn nguyên nằm ở nhận thức của từng con người và chúng ta đang càng ngày càng hiểu biết hơn.

Cảm ơn ông Nguyễn Hùng Vĩ về cuộc trao đổi!

Phong Linh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mac-phan-cam-noi-chua-chien-pho-bay-van-hoa-ung-xu-thap-ma-nghi-hay-a506437.html