Mạch máu não phình to gây đau nửa đầu nhiều năm

Chị Lê Thị Thu Vân (44 tuổi, quận 11, TP.HCM) vừa được các bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM can thiệp tắc túi phình mạch máu nằm sâu trong não, kích thước lớn gần 1 cm.

Bị đau nửa đầu nhiều năm, chị Lê Thị Thu Vân đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám vào khoảng đầu tháng 5. Theo BS.CKII Đàm Thị Cẩm Linh - khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, thông tin ban đầu cho thấy chị Vân bị đau nửa đầu bên trái kéo dài nhiều năm. Khoảng một năm gần đây, vì tình trạng đau đầu ngày càng nặng, chị đi khám và điều trị ở nhiều bệnh viện nhưng không tìm ra bệnh và không thuyên giảm.

Sau khi kiểm tra triệu chứng về thần kinh, người bệnh được chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não - mạch não không tiêm thuốc tương phản. Nhờ các chuỗi sung và phần mềm chuyên sâu trên máy MRI 3 Tesla hiện đại, các bác sĩ có thể phát hiện ra những bất thường nhỏ nhất ở não. Kết quả cho thấy bệnh nhân có túi phình mạch máu não khá lớn, kích thước khoảng 8x5 mm, nằm sâu ở động mạch cảnh trong bên trái.

Chị Vân được các bác sĩ tư vấn hướng điều trị can thiệp nội mạch bằng máy chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA, giúp bít tắc túi phình mạch máu não hiệu quả, phục hồi nhanh.

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ túi phình động mạch cảnh (bên trái) và túi phình tắc hoàn toàn sau can thiệp (bên phải).

BS.CKII Thi Văn Gừng - Trưởng Đơn vị Can thiệp mạch, Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM - cho biết, vị trí túi phình của bệnh nhân nằm khá sâu, khó tiếp cận bằng phẫu thuật hở. Do đó, can thiệp nội mạch là phương pháp ưu tiên lựa chọn vì ít xâm lấn và đảm bảo hiệu quả điều trị.

Quá trình can thiệp kéo dài một giờ. Các bác sĩ luồn ống thông nhỏ từ động mạch đùi phải, đi theo mạch máu lên não. Sau đó, bác sĩ cẩn thận tiếp cận túi phình, sử dụng các cuộn kim loại đặc biệt (coil) để bít tắc hoàn toàn. Kỹ thuật này đòi hỏi kinh nghiệm dày dạn của bác sĩ vì có thể gây nguy hiểm như lồi coil hay trôi coil ra khỏi túi phình gây tắc nghẽn mạch máu não khác.

Hai ngày sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, giảm đau đầu so với trước điều trị và được xuất viện.

Sau can thiệp, người bệnh khỏe mạnh và giảm đau đầu nhiều.

Bác sĩ Cẩm Linh cho biết tỷ lệ mắc phình động mạch não khoảng 3,2% ở người trưởng thành, nhưng chỉ có 0,25% trong số này diễn tiến vỡ túi phình gây xuất huyết dưới nhện. Do đó, chiến lược điều trị túi phình mạch máu não chưa vỡ rất khó khăn, đòi hỏi bác sĩ phải cân nhắc giữa lợi ích khi điều trị và nguy cơ tai biến. Bác sĩ cần đánh giá phương án nào có lợi cho bệnh nhân và lựa chọn.

Việc phát hiện sớm túi phình mạch máu não chưa vỡ rất quan trọng, nhằm đưa ra chiến lược điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân. Với ca có nguy cơ cao, bác sĩ cần can thiệp hay phẫu thuật điều trị. Trái lại, bệnh nhân chỉ cần kiểm tra định kỳ để theo dõi sự phát triển của túi phình, bên cạnh kiểm soát bệnh lý nền như tăng huyết áp để tránh tăng nguy cơ vỡ túi phình.

Nếu để túi phình phát triển và gây ra biến chứng như phình vỡ, xuất huyết dưới nhện, túi phình khổng lồ chèn ép nhu mô não… bệnh nhân sẽ khó điều trị, tốn kém chi phí. Dù điều trị thành công, bệnh nhân vẫn đối mặt nguy cơ để lại di chứng về sau, do xuất huyết hay tổn thương nhu mô não không hồi phục, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

* Tên nhân vật được thay đổi

Dương Đình Hoàn - Minh Chi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mach-mau-nao-phinh-to-gay-dau-nua-dau-nhieu-nam-post1429741.html