Mách mẹ cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh có mủ chuẩn nhất từ bác sĩ Nhi khoa

Rốn trẻ sơ sinh có mủ là tình trạng cuống rốn của bé bị nhiễm trùng do vi trùng sinh mủ gây nên. Cha mẹ nên có biện pháp xử lý kịp thời để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Nguyên nhân rốn trẻ sơ sinh có mủ

Cách chăm sóc không đúng của cha mẹ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh. Đa số các trường hợp là do mẹ băng rốn cho trẻ quá chặt, chưa rửa tay sạch sẽ khi vệ sinh rốn cho trẻ, tự ý ngắt cuống rốn, rắc chất lạ lên rốn khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ… Tất cả những sai sót này đều khiến rốn bé bị vi khuẩn xâm nhập, dẫn tới tình trạng rốn xuất hiện mủ, nhiễm trùng.

Nhiễm trùng rốn có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Ảnh internet.

Khi rốn trẻ sơ sinh bị viêm nhiễm, mẹ sẽ thấy rốn và vùng bụng xung quanh có những triệu chứng như sưng phù, tấy đỏ, rỉ dịch, xuất hiện mủ, có mùi hôi hoặc chảy máu trong rốn.

Vì rốn thông với mạch máu nên bất kì viêm nhiễm nào ở rốn cũng có thể làm ảnh hưởng tới máu và các bộ phận trong cơ thể trẻ sơ sinh. Biến chứng nguy hiểm nhất mà tình trạng nhiễm trùng rốn có thể gây ra đó là gây ra uốn ván rốn, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh.

Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh có mủ như thế nào?

Không ít trường hợp vì sự thiếu hiểu biết của cha mẹ trong cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh đã gây ra nhiễm trùng cho con. Chị Hoa (TP.Tây Ninh) khi thấy rốn con mãi không khô, chị được mẹ bày mẹo dân gian sử dụng kén nhộng, đem đi đốt rồi lấy tro rắc lên cuống rốn cho trẻ. Sau khi thực hiện rắc kén nhộng được vài hôm, thì vùng da xung quanh rốn con bắt đầu tấy đỏ, xuất hiện mủ thì chị mới hốt hoảng đưa con đến bác sĩ. Lúc này rốn cháu đã bị nhiễm trùng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng I (TP.HCM), cha mẹ tuyệt đối không sử dụng mẹo dân gian để rắc bất kì thuốc nào lên rốn của trẻ, thuốc kháng sinh cũng không nên sử dụng. Thông thường rốn trẻ sơ sinh sẽ mất khoảng từ 1 – 3 tuần mới có thể khô và rụng đi. Trong khoảng thời gian này, cha mẹ cần hết sức chú ý giữ vệ sinh, giữ cho vùng rốn của trẻ được khô thoáng, để tránh nhiễm trùng. Hơn 3 tháng mà rốn trẻ sơ sinh vẫn tiếp tục rỉ dịch, thì cha mẹ nên đưa trẻ đi siêu âm để xem có hiện tượng nang rốn hay không, để bác sĩ có biện pháp can thiệp phẫu thuật kịp thời.

Cha mẹ cần cẩn trọng trong việc vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh. Ảnh internet.

Khi vệ sinh rốn cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý rửa sạch cả vùng chân rốn cho trẻ bằng cồn 70 độ, không nên dùng cồn 90 độ vì có thể gây bỏng cho trẻ nhỏ. Sau khi vệ sinh rốn cho trẻ, bạn cũng đừng quên lau khô khu vực rốn và xung quanh rốn với một miếng gạc sau khi làm sạch rốn. Mẹ có thể để hở hoặc băng lại rốn cho con bằng gạc mỏng. Chú ý khi quấn tã tránh vùng rốn bé để không gây bí, nóng dễ dẫn đến viêm nhiễm.

Cha mẹ tuyệt đối tránh sử dụng bông gòn vì những sợi từ bông gòn thường dính vào rốn và có thể gặp khó khăn để lấy ra, gây các biến chứng khác cho rốn.

Cha mẹ thường xuyên tháo băng rốn và kiểm tra xem có bất thường gì không (mùi lạ, chảy mủ, sưng hay chảy máu,…). Nếu rốn trẻ chỉ xuất hiện mùi hôi hay có mủ thì có nghĩa là cha mẹ chưa vệ sinh cho trẻ đúng cách. Trong trường hợp vùng da xung quanh rốn bị tấy đỏ thì cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám kịp thời.

Phù Dung

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/mach-me-cach-cham-soc-ron-tre-so-sinh-co-mu-chuan-nhat-tu-bac-si-nhi-khoa-c21a289361.html