Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 1: Từ lúc trong tim'bừng nắng hạ'

Trước khi qua đời, ông Đỗ Hằng, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Bí thư Huyện ủy An Khê (tỉnh Gia Lai) đã gửi cho chúng tôi tập tài liệu về Anh hùng Đỗ Trạc-người có công khai sáng, mở đường đầu tiên cho phong trào cách mạng An Khê với di nguyện là: Hãy viết một tập ký về người anh hùng trong kháng chiến chống Pháp trên đất An Khê. Sau nhiều tháng nghiên cứu, chấp bút, đến nay, chúng tôi cơ bản đã hoàn thành tập truyện ký về cuộc đời người con của quê hương An Khê, xin trích đăng một phần giới thiệu cùng bạn đọc.

Những năm 1937-1941, Đỗ Trạc đã kiên trì theo học hết bậc Thành chung ở Huế. Giai đoạn này, ở Huế có nhiều biến động, các nhà hoạt động cách mạng theo xu hướng Mác xít có lúc bí mật nhưng cũng có khi ra mặt công khai đấu tranh chống chế độ hà khắc của bọn thực dân và tay sai thông qua báo chí, tuyên truyền. Khi Đỗ Trạc mới bước vào học năm đầu ở Trường Khải Định thì ở Huế diễn ra Hội nghị Báo giới Trung Kỳ, trong lúc tờ Nhành Lúa của Xứ ủy Trung Kỳ bị đình bản vì đấu tranh trực diện đòi tự do ngôn luận giữa lúc cuộc bầu cử toàn xứ Trung Kỳ sắp diễn ra.

Ngoài giờ học, Đỗ Trạc thường tìm đọc những tờ báo tiến bộ ở Huế. Khi tờ Nhành Lúa bị Toàn quyền Pháp cấm xuất bản, tờ Kinh tế Tân văn do một cán bộ cơ sở của Đảng Cộng sản làm Chủ nhiệm đã nhanh chóng chiếm được cảm tình trong giới trí thức tiến bộ và học sinh, sinh viên ở Huế. Đỗ Trạc thường tìm đọc những bài báo lý luận sắc bén của Hải Triều-Nguyễn Khoa Văn ở tờ Kinh tế Tân văn và Sông Hương… Tờ Sông Hương ban đầu do ông Phan Khôi làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, nhưng do vấn đề tài chính gặp khó, sau đó Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên đề xuất mua lại tờ Sông Hương để ra báo hợp pháp mà không phải xin phép chính quyền bấy giờ. Tờ báo này được cụ Phan Bội Châu tìm đọc thường xuyên.

Ngôi nhà cổ của ông Bùi Meo, nơi vợ và con gái Anh hùng Đỗ Trạc từng ở. Ảnh: L.Đ.N

Đến năm 1938, khi Sông Hương bị đình bản thì Xứ ủy Trung Kỳ với danh nghĩa là nhóm “Dân biểu xã hội” trong Viện Dân biểu Trung Kỳ đứng ra lập tờ báo Dân. Tờ báo này đã cho đăng nhiều bài chủ trương đấu tranh thực hiện đường lối Mặt trận Dân chủ ở Huế và Trung Kỳ; thường xuyên phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đòi cải cách thuế khóa, đòi tự do-dân chủ, đòi thả tù chính trị. Tham gia biên tập cho tờ báo này có ông Hải Triều, Hải Thanh, Bùi San, Tôn Quang Phiệt…

Báo Dân xuất bản đến số 17 thì bị đình bản. Một trong những độc giả là học sinh, sinh viên ở Huế bấy giờ của báo Dân có trò Đỗ Trạc. Nhờ những bài báo tiến bộ này mà nhận thức về tình hình chính trị của thanh niên Đỗ Trạc theo xu hướng tiến bộ, tư tưởng luôn ủng hộ những người đấu tranh chống chế độ thực dân, nhất là những chiến sĩ cộng sản với đường lối nhất quán.

Thời gian này, trong giới học sinh tiến bộ ở Trường Khải Định có chép tay truyền bá bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu mà nhiều thanh niên thuộc nằm lòng. Đỗ Trạc được người bạn cùng lớp ở Huế đọc cho nghe vài lần, khá hấp dẫn nên nhớ như in: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim/Hồn tôi là một vườn hoa lá/Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”.

Chất men say lý tưởng cộng sản của một bộ phận thanh niên bấy giờ đã gieo vào trái tim của thế hệ trẻ cuồng nhiệt lên đường đấu tranh vì độc lập dân tộc. Tìm hiểu kỹ thì Đỗ Trạc mới biết tác giả của bài thơ cách mạng này là Nguyễn Kim Thành (Tố Hữu), quê ở Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế, lớn hơn anh 1 tuổi, cũng đã từng học ở Trường Khải Định này nhưng sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1939, khi Đỗ Trạc còn đang học thì Tố Hữu đã bị thực dân Pháp bắt giam ở Nhà lao Thừa Phủ, Huế và sau đó chuyển đi giam ở nhiều nhà lao khác, trong đó có Căng an trí ở Đak Glei-Kon Tum.

Trong 4 năm học tập ở Huế, nhờ tiếp cận với sách báo tiến bộ, Đỗ Trạc đã định hình rõ xu hướng thiên về đường lối đấu tranh cách mạng chống lại ách thống trị của thực dân, phong kiến, ủng hộ các phong trào quần chúng đòi yêu sách độc lập, dân chủ… Đến cuối tháng 9-1939, Đỗ Trạc mới bước vào năm học thứ 3 ở Trường Khải Định thì tình hình thế giới có sự chuyển biến bất lợi, phát xít Đức phát động cuộc chiến tranh thế giới lần II. Trung ương Đảng chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.

Tháng 9-1940, phát xít Nhật xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp đầu hàng làm tay sai dâng nước ta cho Nhật, Nhân dân ta bị “1 cổ 2 trong” vô cùng khổ nạn. Lúc này, Đỗ Trạc bước vào học năm cuối Thành chung. Tình hình chính trị tại Huế có nhiều biến động phức tạp. Một sự kiện ở Huế xảy ra ở năm Canh Thìn (1940) này là cụ Phan Bội Châu qua đời ở tuổi 73. Giới thanh niên, học sinh bấy giờ rất ngưỡng mộ cụ Phan, trong đó có những người đang thiên về chủ nghĩa Mác như: Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh… Ngày đưa tang cụ Phan ở Huế có đông đảo giới học sinh, sinh viên và các tầng lớp trí thức và nhiều chí sĩ yêu nước.

Năm 1941, sau khi vượt qua kỳ thi cuối cấp lấy bằng Thành chung, được xếp loại khá, nhiều bạn bè của Đỗ Trạc khuyên anh nên tiếp tục theo học thêm 3 năm nữa để lấy bằng Tú tài. Dù việc học đang trên đường tiến triển nhưng điều làm Đỗ Trạc băn khoăn là kinh tế gia đình sa sút, thời thế loạn lạc, đất nước còn chìm trong cảnh nô lệ, Nhân dân còn rên siết dưới gót giày của giặc ngoại xâm, làm sao có thể ngồi yên phận mà đèn sách tiếp tục! Cầm mảnh bằng Thành chung, Đỗ Trạc bấy giờ đã 20 tuổi, trưởng thành lên nhiều mặt, có thể trở về quê gánh vác cùng cha mẹ già lo kinh tế gia đình và giúp đỡ đồng bào địa phương một số công việc xã hội.

Trở về quê hương, Đỗ Trạc thường giao du với giới trí thức nông thôn, nhất là các thầy giáo bấy giờ đang dạy học ở Cửu An, An Khê. Có người muốn xem thử tư tưởng của anh Trạc sau bao năm học trường Tây như thế nào nên thẳng thắn hỏi người thanh niên vừa rời ghế nhà trường: “Anh đánh giá như thế nào về các thầy giáo người Pháp đến giảng dạy tại các trường ở nước ta, đặc biệt là các thầy người Pháp ở xứ Huế?”.

Đỗ Trạc rất khiêm tốn, không tự đưa ra ý kiến chủ quan của mình mà anh dẫn lời của người học sinh cùng thời-Hoàng Như Mai-kể câu chuyện về thầy giáo người Pháp-Giáo sư Lucas, Trường Bưởi đã từng trả lời câu hỏi của ông và bạn bè lúc ấy là học sinh Trường Bưởi, khi chiến tranh thế giới thứ II đang nổ ra, như sau: “Cuộc chiến tranh này đưa nhân loại đến đâu?”. Thầy Lucas trả lời: “Tôi khó mà biết trước được. Nhưng theo tôi, điều chắc chắn sẽ xảy ra, là sẽ có cái hay cho đất nước của các anh”.

Như vậy thì đã rõ! Anh Trạc không đánh đồng toàn bộ thầy giáo người Pháp dạy học tại Việt Nam bấy giờ đều là thực dân. Vẫn còn đó, nhiều người thầy người Pháp có lương tri, họ chỉ muốn làm công việc khai hóa thực sự. Nhưng bản chất của những kẻ thực dân thì chúng chỉ muốn “làm cho dân ngu để dễ trị”. Điều đó thể hiện trong báo cáo của Thống sứ Bắc Kỳ Tholance gửi Toàn quyền Đông Dương (1931) có đoạn: “Việc thay đổi chế độ thi cử mới, tạo ra một lớp trí thức, một lớp thanh niên có nhiều tham vọng và bồng bột mà chúng ta không biết sử dụng vào đâu là một sai lầm nghiêm trọng”.

BÙI QUANG VINH - LÊ ĐÌNH NINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mach-ngam-song-ba-ky-1-tu-luc-trong-timbung-nang-ha-post256910.html