Mạch nguồn văn hóa: Từ chiều sâu quá khứ đến tương lai

Văn hóa xứ Thanh, dù được đo ở chiều kích nào - chiều dài thời gian hay chiều sâu lịch sử; được 'định vị' ở hình thức hay giá trị nào - văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể... thì cũng đều có những cái tên sáng giá hay những đại diện tiêu biểu nhất của văn hóa dân tộc.

Lam Kinh – một biểu tượng đẹp và giàu giá trị của kho tàng văn hóa xứ Thanh.

Không phải ngẫu nhiên mà Thanh Hóa được giới nghiên cứu đánh giá là một cái nôi di sản của Việt Nam. Điều này là hoàn toàn có căn cứ thực tế từ chiều sâu quá khứ đến hiện nay, xứ Thanh vốn “giàu có” vốn văn vật và một đời sống văn hóa - tinh thần cao. Đồng thời, với trên 1.535 di tích các loại, Thanh Hóa tự hào bởi ở bất kỳ vùng miền hay dân tộc nào, cũng đều có sự hiện hữu các di sản giàu giá trị và nhiều danh thắng đẹp. Nếu các nền văn minh đều khởi nguồn từ các dòng sông, thì Thanh Hóa chính là “con đẻ” của dòng sông Mã. Dọc hai bờ sông huyền thoại của thi ca và lịch sử này, nhiều nền văn hóa cổ đã hình thành, phát triển và để lại dấu ấn sâu đậm trên “bức khảm” văn hóa dân tộc. Di chỉ hang Con Moong là địa danh có khả năng gọi tên cả lịch sử và văn hóa vùng đất này. Đồng thời, các giá trị khoa học, thẩm mỹ của nó đủ sức hấp dẫn các nhà chuyên môn khao khát vén bức màn lịch sử hình thành và tiến hóa loài người. Được xem là “ngôi nhà của người tiền sử”, hang Con Moong in đậm dấu tích những bước đi đầu tiên của loài người từ săn bắt hái lượm, đến khi sáng tạo ra các loại công cụ săn bắn, trồng trỉa, sinh hoạt mà hình thành nên những cộng đồng đông đúc. Bên cạnh các lớp trầm tích và các tầng văn hóa, hang Con Moong còn đặc biệt lưu giữ nhiều dấu tích mộ táng, thuộc nhiều giai đoạn khác nhau, được xem là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu thành phần nhân chủng và nhất là tìm hiểu về một trong những lễ nghi quan trọng nhất của người Việt từ xa xưa. Trở thành di sản quốc gia đặc biệt là sự khẳng định cho những giá trị to lớn và không thể thay thế của di chỉ này trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Nối tiếp và phát triển các nền văn hóa cổ dọc bờ sông Mã lên một đỉnh cao rực rỡ phải là văn hóa Đông Sơn. Sự hình thành và phát triển của văn hóa Đông Sơn ở vùng châu thổ sông Mã, cũng là quá trình hình thành vùng trung tâm đất Cửu Chân - 1 trong 15 Bộ thuộc nước Văn Lang thời đại Hùng Vương. Chủ nhân văn hóa Đông Sơn nơi đây đã kế thừa các thành tựu văn hóa vật chất từ các nền văn hóa tiền Đông Sơn, để tiếp tục công cuộc chinh phục, khai phá và biến vùng đất màu mỡ hạ lưu sông Mã thành một vùng có sự phát triển vượt trội và trở thành trung tâm phát triển của cả khu vực. Nhiều tài liệu điều tra, thám sát, khai quật hàng loạt các di tích văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa, đã khẳng định tầm vóc và vị thế của văn hóa Đông Sơn trên đất Việt Nam, thậm chí cả khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, những di tích, hiện vật được tìm thấy là những tư liệu văn hóa vật chất cần thiết trong quá trình diễn biến văn hóa, giữa văn hóa Đông Sơn bản địa và văn hóa ngoại lai.

Lam Sơn là đất thiêng “trời sinh vua thánh, đất dấy nghiệp binh”, cũng là nơi “Rồng thiêng dậy, bay rợp Lam Kinh”. Nhắc đến Lam Sơn, có mấy ai không tỏ tường về vị thế và vai trò của mảnh đất từng là nơi “viết lại” lịch sử dân tộc; cũng chính là nơi bắt đầu của một trong những áng “thiên cổ hùng văn” có tầm vóc và giá trị bậc nhất: Khởi nghĩa Lam Sơn. Ra đời giữa bối cảnh ấy và ngay trên đất quý hương Lam Sơn, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh có tầm vóc và giá trị to lớn cả về lịch sử và văn hóa. Được bao bọc bởi hình sông, thế núi ngoạn mục (Bắc tựa vào núi Dầu, Nam nhìn sông Chu, xa có núi Chúa, trái cạnh Phú Lâm, phải gần Hương Sơn), Lam Kinh là một không gian xanh, có sự hài hòa tuyệt đối giữa thiên nhiên trữ tình và một khối kiến trúc phong phú. Ngót 600 năm tồn tại, dẫu số phận của nó có lúc như phong vân biến đổi, thì sự hiện hữu của khu miếu điện, lăng tẩm Lam Kinh vẫn mãi là biểu trưng của cội nguồn văn hóa và đạo lý uống nước nhớ nguồn!

Xứ Thanh trong thời đại Hồ Chí Minh là sự kế thừa và sáng tạo tuyệt vời thiên trường ca dựng nước và giữ nước nghìn năm của dân tộc. Ở đây, Hàm Rồng – sông Mã không chỉ là nơi từng lưu luyến bước chân không ít tao nhân mặc khách nhờ cảnh đẹp bồng lai. Hàm Rồng vốn là cái tên của văn hóa, khi mỗi địa danh đều gắn với huyền tích về Rồng. Phải chăng, bởi “núi do rồng thiêng là thành, sông do thần mã mà nên”?; hay bởi rồng là biểu tượng của vẻ đẹp và của sức mạnh thiên tạo và cao hơn nữa là khát vọng vươn lên, bay cao đầy lãng mạn của mảnh đất và con người cần lao vùng ven sông Mã này? Thế nhưng, cái tên của vẻ đẹp lãng mạn này nơi diễn ra “cuộc đụng đầu lịch sử” giữa ta và địch, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, để giành lại sự sống và nền độc lập, thống nhất cho cả dân tộc. Hàm Rồng hôm nay vẫn sừng sững “cây cầu đẹp nhất” - cây cầu huyền thoại. Cầu Hàm Rồng được xây dựng và bảo vệ không chỉ bằng xi măng sắt thép, mà còn bằng ý chí “quyết tử” của quân dân Hàm Rồng và Nhân dân Thanh Hóa. Để rồi, sự tồn tại của nó đã trở thành một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

...

Văn hóa - như khẳng định của nhiều nhà nghiên cứu - là tập hợp hữu cơ của một hệ thống các thành tố, bao gồm phong tục tập quán, lối sống, lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo, các loại hình sân khấu truyền thống, ngôn ngữ, văn chương, nhiếp ảnh, điện ảnh, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật âm thanh, nghệ thuật tạo hình, nghề thủ công, kiến trúc, thông tin tín hiệu... Để rồi, nhìn từ chiều sâu quá khứ, dường như mỗi tên đất, tên làng, mỗi ngôi chùa, mái đình, mỗi tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng, mỗi câu hò, điệu hát, trò diễn dân gian... trên mảnh đất xứ Thanh, đều có một truyền thuyết của riêng nó, cũng là “nơi lắng đọng hồn cốt dân tộc”. Thanh Hóa đúng như nhận định, là vùng đất “có nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thuyết và vĩ đại”. Những di sản được “ngưng kết” qua hàng vạn năm và qua vô số cuộc “trường chinh” chống chọi với thiên tai để lấn biển, lấn rừng, mở mang không gian sinh tồn trải khắp non cao đến biển cả, rộng lớn và trù phú. Đó cũng là thành quả của hàng vạn cuộc tranh đấu không ngưng nghỉ cho quyền tự quyết dân tộc. Đồng thời, sâu xa hơn, văn hóa còn là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên, con người với xã hội. Tất cả các yếu tố ấy đã tích lũy nên những “tầng”, “vỉa” văn hóa lấp lánh, để trở thành một phần khảm trong tâm hồn và làm nên diện mạo vùng đất, làm nên cốt cách con người được sinh ra, được “tắm gội” và lớn lên từ dòng sông văn hóa xứ Thanh – văn hóa dân tộc.

Nhà chính trị và nhà văn hóa Ấn Độ Jawaharlal Nehru, từng nhấn mạnh rằng: “Một cá nhân con người cũng như một chiều sâu lịch sử nhất định. Họ được đánh giá cao bởi một nguồn gốc trong quá khứ. Điều cơ bản là phải có cái đó, nếu không thì người ta chỉ là bản sao mờ nhạt của cái gì đó không tiêu biểu cho một cá nhân hoặc một nhóm”. Với mỗi dân tộc, thì quá khứ hay cội nguồn lịch sử và văn hóa, chính là phần giá trị cốt lõi nhất giúp phân biệt “ta” với những “ai khác”. Còn với mỗi con người, cội nguồn lịch sử và văn hóa cho họ diện mạo để tự hào và là “sợi neo” để níu giữ tâm hồn. Các thế hệ đi trước đã để lại một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ. Ở đó có không ít “viên ngọc sáng” phản chiếu không chỉ bản sắc văn hóa; mà còn cả ý chí tự lực, khát vọng tự cường và lòng yêu nước nồng nàn trong mỗi người dân của xứ sở này. Để rồi, nhiệm vụ của hậu thế là trân trọng, gìn giữ và phát huy kho tàng ấy, để các giá trị văn hóa tốt đẹp sẽ tỏa rạng trong đời sống và trở thành một nền tảng tinh thần cho mọi sự phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/mach-nguon-van-hoa-tu-chieu-sau-qua-khu-den-tuong-lai/121852.htm