Mái ấm bình yên của những thiếu nữ từng bị mua bán trở về

Nhà Nhân ái là mái ấm chở che, gắn bó bao kỷ niệm êm đềm của không ít thiếu nữ từng bị trao đi bán lại như mớ rau qua tay những kẻ buôn người.

Vàng Thị Sinh (tên nhân vật đã được thay đổi), cô gái người Mông 18 tuổi, gây ấn tượng bởi nước da trắng và đôi mắt đen láy như biết nói. Thoạt nhìn vẻ bề ngoài, ít ai biết quá khứ của Sinh là cả một câu chuyện buồn, em từng bị ép làm vợ một người đàn ông bên Trung Quốc hồi năm 2017. Phũ phàng thay, kẻ bán em qua biên giới chính là bạn trai “ảo”, mà đến phút cuối bị lừa, em cũng chưa một lần biết mặt.

Các thiếu nữ học may ở nhà nhân ái.

Các thiếu nữ học may ở nhà nhân ái.

May mắn được giải cứu trở về, Sinh hạnh phúc vô bờ, nhưng nỗi ám ảnh, lo sợ vô hình vẫn hiện hữu khôn nguôi. Cơ duyên đưa em đến với Nhà Nhân ái, với những chúng bạn cùng hoàn cảnh và những bàn tay sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ, em dần trở lại nét hồn nhiên, vui tươi của chính mình. Mới đây, được cán bộ Nhà Nhân ái giới thiệu đi học nghề tóc, Sinh thích lắm, em quyết tâm học tập thành nghề.

Sinh bộc bạch: "Em vào trong này cũng đã được 3 tháng, cảm giác rất bình yên, an toàn, không còn phải lo sợ nữa. Ở đây cùng các chị em thấy ổn, được giao tiếp với mọi người nhiều cũng học được nhiều thứ. Học xong nghề tóc em muốn học thêm cả phun xăm để sau này về tự mở một cửa tiệm làm đẹp cho mọi người".

Một số hoạt động tại Nhà Nhân ái.

Cùng ở Nhà Nhân ái với Sinh hiện còn 8 chị em khác cũng chạc tuổi, tất cả đều từng trải qua nỗi đau bị mua bán qua biên giới. Sau thời gian về sống chung một nhà, các em đã dần ổn định tâm lý, chuyển sang giai đoạn tích cực học tập, phát triển bản thân; có em hiện đang chờ đi học chuyên nghiệp, em thì đang theo học phổ thông, em chọn học nghề may, học làm tóc, làm móng...

Chị Nguyễn Thị Duyên, cán bộ phụ trách đời sống tại Nhà Nhân ái chia sẻ: "Vào đây các bạn cảm thấy rất là thoải mái vì ở đây toàn nữ thôi. Hơn nữa các bạn biết rằng ở đây ai cũng như mình đều do tai nạn không may bị lừa bán sang bên kia thì sẽ rất dễ hòa đồng với nhau như thành viên trong một gia đình. Cán bộ chúng tôi cũng coi các bạn ấy như con, như em, cưu mang, giúp đỡ và nhẹ nhàng, từ bi chứ nếu mà có thái độ khác chắc các em cũng không muốn vào".

Vườn rau trong Nhà Nhân ái.

Theo ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi Cục Phòng Chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai, Nhà Nhân ái do Chi cục phối hợp với Tổ chức Vòng tay thái bình thành lập, chuyên tiếp nhận, nuôi dưỡng, dạy nghề và chữa trị tâm lý miễn phí cho các nạn nhân bị mua bán trở về. Qua 9 năm hoạt động, Nhà Nhân ái đã tiếp nhận tổng cộng trên 200 trường hợp phụ nữ, trẻ em. Ngoài số đang trực tiếp sinh hoạt, những thành viên sau khi rời Nhà Nhân ái đa số đều ổn định việc làm, tái hòa nhập bình thường tại cộng đồng địa phương.

Ông Long cho biết: "Nhà Nhân ái là nơi có thể làm thay đổi cuộc sống của các em, khi các em bị buôn bán trở về gặp rất nhiều khó khăn thì Nhà Nhân ái là nơi dang tay cứu giúp các em. Các em được học tập, tu dưỡng, rèn luyện và tại đây chúng tôi cũng trang bị cho các em những kiến thức về phòng chống buôn bán người. Thực tế cũng có nhiều em đã tự tin vững bước tái lập cuộc sống, có công ăn việc làm và xây dựng gia đình hạnh phúc"./.

Thanh Thủy, An Kiên/VOV - Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mai-am-binh-yen-cua-nhung-thieu-nu-tung-bi-mua-ban-tro-ve-938770.vov