Mái ấm dành cho các bé gái kém may mắn

Với quyết tâm và được sự đồng lòng chung sức của các nhà tài trợ, Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM, năm 1996, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bình Thạnh đã thành lập Mái ấm Bà Chiểu (nay là Cơ sở Bảo trợ xã hội Bà Chiểu).

Các bé gái đang chăm chỉ trong giờ rèn luyện thêm tại cơ sở

Các bé gái đang chăm chỉ trong giờ rèn luyện thêm tại cơ sở

Khu vực chợ Bà Chiểu (TPHCM) trước đây có nhiều bé gái xin ăn, bán hàng rong, bán vé số, lượm ve chai, rồi tối ngủ ở các sạp chợ. Ý tưởng về một nhà mở cho các bé gái sống lang thang lúc bấy giờ thật sự rất cần thiết. Với quyết tâm và được sự đồng lòng chung sức của các nhà tài trợ, Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM, năm 1996, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Bình Thạnh đã thành lập Mái ấm Bà Chiểu (nay là Cơ sở Bảo trợ xã hội Bà Chiểu).

Dang rộng vòng tay

Hồ Thị Mỹ Hạnh tâm sự: “Mẹ bỏ đi từ lúc em còn rất nhỏ, hai cha con em dắt díu nhau vào TPHCM, hàng ngày lang thang vỉa hè quận 4 lượm ve chai kiếm sống. May mắn, em được giới thiệu đưa vào Mái ấm Bà Chiểu. Các ngoại, các cô đã dang rộng vòng tay tiếp nhận, chăm sóc nuôi dạy em. Em được làm giấy khai sinh, có giấy tờ tùy thân, được đăng ký cư trú, được đi học. Cuối năm 2013, em tốt nghiệp trung cấp kế toán, rồi đi làm cho Siêu thị BigC quận 2.

Như vậy là sau 12 năm, em đã vững vàng vào đời, nhưng em không rời mái ấm, vẫn xin ở lại thêm một thời gian nữa để giúp các cô trông nom các em nhỏ, dạy kèm các em học yếu, chia sẻ với các em tuổi mới lớn những điều cần thiết trong cuộc sống. Nay em đã kết hôn, có con và sống rất đầm ấm, hạnh phúc. Từ một con bé lượm ve chai, đói lạnh với cuộc sống vỉa hè, sau 12 năm được nuôi dạy ở mái ấm cùng biết bao chăm lo trìu mến yêu thương, em đã được đổi đời. Mỗi bước đi về phía trước, lòng em luôn dào dạt tình yêu thương cho các ngoại, các cô Yến, cô Thanh và biết bao ân nhân đã tận tình giúp đỡ”.

Mỹ Hạnh là một trong số hơn 200 bé gái mồ côi, lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt được Cơ sở Bảo trợ xã hội Bà Chiểu tiếp nhận, nuôi dưỡng. Hơn 23 năm qua, mái ấm này đã cưu mang, đùm bọc, giúp các em vượt lên số phận, dìu dắt các em học chữ học nghề, dạy dỗ nết na con gái, rèn luyện kỹ năng sống và lao động tốt, tạo điều kiện cho các em phấn đấu thành đạt, vào đời tìm thấy hạnh phúc.

Nói về tình yêu thương của mọi người xung quanh dành cho các bé gái tại đây, cô Trương Thị Yến (51 tuổi, giáo dục viên tại cơ sở) kể: “Xuất phát từ tình thương, các cô chú tiểu thương chợ Bà Chiểu đã gắn bó tình cảm, chăm lo cho các cháu suốt thời gian dài. Ai bán hàng gì thì cho thứ ấy, từ mớ rau, con cá, trái cây đến áo quần, kẹp tóc, cái nơ… Các tiểu thương chợ Thị Nghè, chợ Cây Thị, sư cô ở Tịnh xá Ngọc Phương, nhóm cô Huệ, Công ty Fonterra… cũng quan tâm góp phần dinh dưỡng cho các cháu. Và cứ thế, các cháu đã lớn từng ngày nhờ sự quan tâm của nhiều ân nhân”.

Hạnh phúc khi các con trưởng thành

Nhìn gương mặt rạng ngời niềm vui trong ngày lễ tốt nghiệp cử nhân của Thủy và Tiền giữa bao bạn bè cùng trang lứa, cô Yến xúc động kể: “Thủy và Tiền đến với mái ấm khi đang là trẻ bỏ học giữa chừng để kiếm sống. Với quyết tâm vượt lên số phận, sau khi được đưa vào mái ấm, cả Thủy và Tiền đều chăm chỉ học hành. Tốt nghiệp THCS, 2 em không thi vào lớp 10 mà chọn học hệ trung cấp 4 năm của Trường Đại học Công nghiệp TPHCM.

Mấy năm sau, các em trưởng thành với tấm bằng trung cấp tài chính ngân hàng và đều có việc làm phù hợp với khả năng của mình. Được các ngoại, các cô ủng hộ, 2 cô gái tiếp tục liên thông lên đại học. Tiền và Thủy đã hết sức cố gắng vừa đi làm vừa đi học và đã tốt nghiệp cử nhân. Hiện giờ, Thủy đang làm việc tại Sacombank, Tiền đang làm quản lý bán hàng cho một công ty tại quận 1”.

Sau nhiều năm học tập rèn luyện, các em đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Số em tốt nghiệp cấp 1, cấp 2 năm sau cao hơn năm trước, có nhiều em đã tốt nghiệp và một số em đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Các em trưởng thành, vững vàng bước vào đời nhờ hậu phương mái ấm.

Trong các mạnh thường quân, đặc biệt phải nhắc đến bà Celia Caughey - người tìm nguồn tài trợ cho mái ấm trong nhiều năm. Cách nay hơn 20 năm, bà Celia Caughey cùng gia đình sang Việt Nam làm việc. Bà là Tùy viên Thương mại của Đại sứ quán New Zealand, rồi làm Tổng Lãnh sự New Zealand tại TPHCM, đã rất quan tâm đến các bé gái phải lang thang kiếm sống trên đường phố.

TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mai-am-danh-cho-cac-be-gai-kem-may-man-641415.html