Mái ấm nghệ thuật của người nghệ sĩ tuổi 80

Nằm cuối con đường Huỳnh Văn Hòe (Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), Trung tâm Nghệ thuật tình thương do NSND Tường Vy sáng lập là nơi chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ trẻ có hoàn cảnh khó khăn được phát hiện, đồng thời là nơi bồi dưỡng niềm đam mê âm nhạc tưởng chừng như bị lãng quên.

Nằm cuối con đường Huỳnh Văn Hòe (Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), Trung tâm Nghệ thuật tình thương do NSND Tường Vy sáng lập là nơi chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ trẻ có hoàn cảnh khó khăn được phát hiện, đồng thời là nơi bồi dưỡng niềm đam mê âm nhạc tưởng chừng như bị lãng quên.

 Nghệ sĩ nhân dân Tường Vy dành cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật và xã hội.

Nghệ sĩ nhân dân Tường Vy dành cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật và xã hội.

Điều đặc biệt khi đến với Trung tâm nghệ thuật tình thương Đà Nẵng, đó là sự hòa quyện âm thanh được phát ra từ các dụng cụ âm nhạc cùng với những giọng ca trong trẻo đang ngân vang trong hội trường. Trong tiết trời thu mát dịu, tôi được hòa mình vào lời ca, tiếng hát của các em học sinh trong đêm hội Trung thu do Trung tâm tổ chức mới đây. Em nào cũng tất bật chuẩn bị và háo hức được lên sân khấu trình diễn tiết mục của mình. Mỗi em một hoàn cảnh, có em mồ côi, nhiễm chất độc da cam, em thì khuyết tật, khiếm thị, tổn thương về tình cảm nhưng đều có chung niềm khát khao với âm nhạc, với nghệ thuật.

Tôi ấn tượng với giọng ca đầy nội lực cũng như thành tích học tập của một thanh niên khiếm thị đã được NSND Tường Vy bồi dưỡng và phát triển tinh thần âm nhạc cách đây 10 năm. Anh là Nguyễn Hữu Ất (1988, quê ở Nghệ An), một thanh niên đầy nghị lực, vượt lên số phận trở thành học sinh mù đầu tiên của Việt Nam bước vào giảng đường đại học khối A tại Hà Nội. Cũng như nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, Ất vừa hát hay, đàn giỏi, chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ. Nhưng vì gia đình nghèo khổ, không có điều kiện được trau dồi bài bản với âm nhạc, cho đến khi gặp được NSND Tường Vy. Ất tâm sự: "Trong một lần lưu diễn cùng anh trai thì mình được gặp NSND Tường Vy và được nhận sự giúp đỡ từ đó. Ngoài việc dạy hát, dạy nhạc, NSND Tường Vy còn tạo cho tôi cơ hội được tham gia nhiều chuyến lưu diễn khác. Qua đó nhằm tạo thêm nguồn thu nhập, giúp tôi trang trải học phí suốt những năm học tại trường Đại học Công Nghiệp và Đại học Luật Hà Nội". Sau khi thành công trên con đường học vấn, Ất tiếp tục gắn bó với tất cả mọi hoạt động của trung tâm, cùng tiếp nối tâm huyết của NSND Tường Vy giúp đỡ nhiều hơn những mảnh đời bất hạnh.

Không như Ất, Hồ Thị Cẩm Hoàng (1997, Đại học Kinh tế Đà Nẵng) là người bình thường. Trong những lần theo thầy giáo dạy organ đến trung tâm học cùng các bạn, Hoàng không chỉ được tiếp thu kiến thức về âm nhạc mà còn được tiếp thêm hạt giống về tình yêu thương con người từ các thầy cô ở đây. Cô gái 22 tuổi, từ một học trò nhỏ năm nào nay đã có thể đứng lớp giảng dạy, tiếp nối cho các thầy cô thế hệ của NSND Tường Vy. Đều đặn mỗi tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, Hoàng lại ghé trung tâm giảng dạy cho những học viên đặc biệt tại đây. "Đa phần các em đến với trung tâm đều có hoàn cảnh đặc biệt, mỗi bạn có khả năng tiếp thu kiến thức khác nhau. Có khi 1 bài phải mất từ 1 đến 2 tháng các bạn mới có thể biết đàn. Nhưng chỉ cần kiên trì, mở rộng tấm lòng thì việc dạy cho các bạn ở đây cũng trở nên dễ dàng"- Hoàng chia sẻ.

Mỗi bạn một hoàn cảnh nhưng đều có chung niềm đam mê nghệ thuật.

Với niềm tin có thể dùng tình yêu thương, nghệ thuật để phục hồi, nuôi dưỡng tâm hồn cho những mảnh đời bất hạnh để họ lạc quan bước vào đời, NSND Tường Vy đã dần thành lập Trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam. Năm nay bà đã 80 tuổi, mọi công việc của các Trung tâm được bàn giao lại cho người con trai duy nhất của mình là nghệ sĩ Trần Hùng. Tuy không được trực tiếp gặp mặt nhưng qua lời kể của nghệ sĩ Trần Hùng, tôi thấy được tình yêu âm nhạc luôn chảy bất tận trong con người NSND Tường Vy. Ngoài việc mang lời ca tiếng hát đến cho đời, bà còn truyền cảm hứng, tạo niềm tin cuộc sống cho biết bao mảnh đời khiếm khuyết.

40 năm cống hiến cho nghệ thuật, đến khi về hưu, bà vẫn lặng lẽ gom góp những đồng lương hưu ít ỏi cùng với sự sẻ chia của bạn bè nghệ sĩ, Mạnh Thường Quân để đón nhận nhiều hơn nữa những tài năng ẩn mình. Nghệ sĩ Trần Hùng tâm sự: "Trung tâm là tâm huyết của mẹ tôi, bà đã làm việc bằng tất cả trái tim. Tuy bây giờ bà không còn đủ sức khỏe để tham gia những hoạt động, nhưng trung tâm vẫn luôn duy trì hằng ngày để những em có hoàn cảnh khó khăn có nơi trau dồi niềm đam mê âm nhạc. Đồng thời, cũng là nơi các em có thể vứt bỏ mọi sự tự ti, vượt lên chính mình để cảm nhận cuộc sống với nhiều điều tốt đẹp hơn".

DIỆU HUYỀN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_213056_mai-am-nghe-thuat-cua-nguoi-nghe-si-tuoi-80.aspx