Mai An Tiêm – phiên bản hiện đại

Đã là người Việt, chẳng mấy ai mà không biết sự tích quả dưa hấu gắn liền với nhân vật Mai An Tiêm. Xin mạn phép kể lại ở đây một phiên bản của truyền thuyết này với vài chi tiết sẽ được giải thích thêm ở phần sau bài viết.

Vua Hùng Vương có người con nuôi tên Mai An Tiêm. Là người tài giỏi, An Tiêm thường nói mình tự đi lên bằng chính sức mình chứ không cậy thế con vua. Biết được việc này, nhà vua nổi giận, cho rằng An Tiêm vô ơn và đày gia đình chàng ra hoang đảo để xem họ sống ra sao.

Trên đảo, từ hạt do chim tình cờ mang đến, An Tiêm trồng được một loại quả rất ngon – quả dưa hấu – khi đó vẫn còn xa lạ với mọi người. Ngày ngày, chàng hoàng tử bị thất sủng bỏ công khắc chữ lên vỏ từng quả dưa cho biết xuất xứ của nó, rồi thả trôi trên biển, hy vọng sẽ có ngày người ta biết đến loại quả lạ ngon lành này. Cuối cùng, sự kiên nhẫn của An Tiêm cũng đem lại kết quả khi thương nhân phương xa tìm đến đảo để mua dưa. Chẳng mấy chốc, gia đình An Tiêm trở nên sung túc. Sau khi biết chuyện, nhà vua hối hận, sai người đến đón đứa con nuôi trở về. Từ đó, dưa hấu trở thành loại trái cây phổ biến trên đất Việt, nhất là khi Tết đến.

Về mặt truyền thống, bỏ qua các chi tiết kỳ lạ thường có trong các chuyện cổ tích, sự tích quả dưa hấu dạy trẻ em Việt Nam tính cách kiên cường, không đầu hàng nghịch cảnh, và sự kiên nhẫn đáng phục của Mai An Tiêm.

Chưa hết, nhìn từ các quan điểm hiện đại, chàng “hoàng tử không chính chủ” này cũng cho chúng ta nhiều bài học khác.

Bài học đầu tiên là tinh thần khởi nghiệp. Biết được một loại sản phẩm rất có giá trị chưa được bày bán trên thị trường, An Tiêm quyết tâm “khởi nghiệp”, nắm bắt ngay cơ hội “trời cho”. Ngày nay, rất nhiều người Việt đang bắt chước An Tiêm.

Thứ hai, vô hình trung, chàng hoàng tử cũng dạy thế hệ sau tầm quan trọng của nông sản đối với đất nước, mà đại diện là dưa hấu. Xét từ thực tế Việt Nam, sự tích Mai An Tiêm rất có ý nghĩa. Theo Báo điện tử Chính phủ, năm 2022, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ về mặt xã hội(1). Báo này cho biết, năm ngoái, xuất khẩu nông lâm thủy sản mang về cho Việt Nam hơn 53 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay, và đạt xuất siêu 8,5 tỉ đô la Mỹ, chiếm hai phần ba tổng giá trị xuất siêu trong năm của cả nước.

Thứ ba, An Tiêm cho chúng ta thấy một bài học về công tác tiếp thị sản phẩm. Bằng cách kiên nhẫn khắc “địa chỉ” của mình lên vỏ từng quả dưa, chàng hoàng tử không chỉ “tiếp thị sản phẩm” mà còn thông báo rõ ràng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của mình (origin of goods). Xuất xứ hàng hóa là một thuật ngữ chỉ nguồn gốc quốc gia sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hay nơi thực hiện công đoạn cuối cùng nếu nhiều nước cùng tham gia sản xuất. Với quả dưa “made in Vietnam” của An Tiêm thì đã rõ, nó hoàn toàn được “sản xuất” trên hòn đảo của chàng hoàng tử. Từ ngàn xưa, An Tiêm ở Việt Nam đã làm việc mà ngày nay nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm tốt!

Cũng như “chúa đảo” An Tiêm “tiếp thị” quả dưa của mình thuở xưa, Báo điện tử Chính phủ cho rằng năm 2022, “có thể nói Việt Nam bắt đầu hưởng thành quả sau nhiều năm nỗ lực thúc đẩy mở cửa thêm nhiều thị trường xuất khẩu nông sản”(2). Nói cách khác là đã tiếp thị thành công như An Tiêm.

Nhưng tiếp thị tốt chỉ là bước đầu tiên. Sở dĩ An Tiêm đạt kết quả mỹ mãn là vì chàng có sản phẩm tốt: quả dưa hấu vô cùng chất lượng – thêm một bài học khác từ chàng hoàng tử này. Theo báo trên, cơ cấu thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam “đã hoàn toàn thay đổi”(3). Thị trường Mỹ hiện dẫn đầu với hơn 24%. Tiếp theo là Trung Quốc (trên 19%), Nhật Bản (10%), Hàn Quốc (4,7%), v.v… Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) Phùng Đức Tiến cho rằng chính chất lượng tốt hơn đã giúp nông sản xuất khẩu chinh phục được các thị trường đòi hỏi cao hơn với giá bán tốt hơn(4).

Cuối cùng, xin nói thêm là mặc dù xuất khẩu nông sản đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo người viết, có hai việc quan trọng.

Đầu tiên, đó vẫn là chuyện nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu ngày xưa, các quả dưa của An Tiêm nhạt thếch như nhiều quả dưa đang bán ngày nay, có lẽ An Tiêm không thể có ngày về và phải chôn thây nơi hoang đảo. Trong vấn đề này thời hiện đại, vai trò đầu tàu của Bộ NN & PTNT là khó thoái thác.

Kế đến, vẫn phải tiếp thị sản phẩm hiệu quả, tận dụng mọi thứ có được trong tay như An Tiêm đã làm. Nếu không biết cách tiếp thị hiệu quả, An Tiêm sẽ mãi mãi ngồi ăn dưa trên hoang đảo suốt đời. Về vấn đề này, người viết cho rằng nên ghi nhận tinh thần cầu thị của Bộ NN & PTNT qua thông điệp của Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Tại hội nghị tổng kết ngành ngoại giao năm 2022 tổ chức ngày 10-1, Bộ trưởng Hoan đã khẩn thiết kêu gọi sự giúp đỡ của ngành ngoại giao trong công tác quan trọng này(5).

Ví dụ, ngay tại Việt Nam, chúng ta thường thấy ở các buổi chiêu đãi quốc khánh các nước, chủ nhà gần như không bao giờ quên giới thiệu các nét văn hóa của mình. Dễ đi vào lòng người nhất là thông qua ẩm thực. Nếu biết cách, các nhà ngoại giao Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp thị nông sản Việt Nam một cách hiệu quả qua con đường này. Thiết nghĩ, việc tuy khó nhưng nếu có một tấm lòng, chuyện gì cũng có thể làm được.

_____________

(1), (2), (3), (4)https://baochinhphu.vn/nong-nghiep-luon-la-tru-do-bao-hiem-ve-mat-xa-hoi-1022301221603302.htm

(5)https://vietnamnet.vn/chuyen-thu-tuong-duoc-tang-quyt-nhat-va-tran-tro-cua-bo-truong-nong-nghiep-2099833.html

Quỳnh Thư

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mai-an-tiem-phien-ban-hien-dai/