Mãi học tập và noi theo tấm gương Bác Tôn

An Giang tự hào là quê hương đã sản sinh và nuôi dưỡng một con người bình dị mà cao quý, đó là Tôn Đức Thắng.

Tấm gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng tiêu biểu cho tính cách, khí chất, phong thái và nét văn hóa đặc sắc của người Nam Bộ nói chung, tỉnh An Giang nói riêng: Luôn hào sảng, trọng nghĩa, bao dung độ lượng, hết lòng vì bạn bè, đồng chí, dũng cảm, mưu trí, vượt mọi khó khăn trở ngại vì nghĩa lớn.

Là người con ưu tú của An Giang, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những lớp chiến sĩ đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng vô sản Việt Nam; người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ và nhân dân. Tư cách đạo đức của Chủ tịch Tôn Ðức Thắng được đánh giá rất cao cả ở trong và ngoài nước; từ các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, đến quần chúng nhân dân.

Bác Hồ và Bác Tôn. Ảnh tư liệu.

Trong suốt gần 70 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Tôn Ðức Thắng luôn là tấm gương mẫu mực về lối sống khiêm tốn, giản dị, chân thành và gần gũi. Di sản quý giá mà Chủ tịch Tôn Ðức Thắng để lại cho nhân dân Việt Nam nói chung, tỉnh An Giang nói riêng là phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản; là sự hội tụ khí chất hào hiệp của người dân vùng sông nước Nam Bộ; là ý chí kiên cường và tài năng sáng tạo; là sự cảm thông, hòa đồng với đồng bào, đồng chí; là niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng; dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng không dao động, hết lòng phục vụ nhân dân.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương mẫu mực, toàn diện, mà dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đều mong muốn học tập và làm theo.

Học tập và noi theo tấm gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đảng bộ và nhân dân An Giang luôn nỗ lực đoàn kết, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Đặc biệt, trong hơn 30 năm đổi mới, dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ, An Giang luôn vận dụng và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp thực tế địa phương và đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang có đường biên giới dài 96,6km, là cửa ngõ thông thương với nước bạn Campuchia và các nước ASEAN; với dân số gần 2,2 triệu người, gồm 30 dân tộc cùng sinh sống, với nhiều tín ngưỡng, phong tục tập quán khác nhau, tạo nên nét đặc sắc, phong phú trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Là vùng đất có truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm, An Giang tự hào với nhiều chiến tích oai hùng, nhiều tấm gương trung kiên nghĩa đảm, luôn quên mình vì nước, vì dân. Năm 1930, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh An Giang được thành lập tại xã Long Điền, huyện Chợ Mới. Từ đó, phong trào cách mạng trong tỉnh không ngừng lớn mạnh, giành nhiều chiến công vang dội, như các Chiến dịch: Long Châu Hà 1 (1950), Long Châu Hà 2 (1951), góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt chiến công 128 ngày đêm chiến đấu anh dũng tại đồi Tức Dụp (1968-1969), đã góp phần cùng cả nước đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh.

Những năm đầu sau giải phóng, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân An Giang ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình trật tự trị an, từng bước khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới, cải thiện đời sống nhân dân. Chặng đường 30 năm đổi mới (1986-2016) đánh dấu những tiến bộ rõ nét của An Giang trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng… Từ một tỉnh sát ngưỡng thiếu lương thực, với sản lượng lúa khoảng 848.000 tấn (năm 1986) tỉnh đã vươn lên có dư để xuất khẩu và hiện nay đạt hơn 4 triệu tấn/năm, là một trong những tỉnh dẫn đầu sản lượng lương thực cả nước; nổi bật là mô hình “Cánh đồng lớn” được nhiều địa phương áp dụng, nhân rộng. Tỉnh cũng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Bộ mặt nông thôn An Giang có nhiều đổi thay theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm được xây dựng, củng cố; việc ứng dụng máy móc, khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng phổ biến, các loại hình dịch vụ xuất hiện ngày càng nhiều. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; mạng lưới trường lớp, y tế cơ sở được phủ rộng, bảo đảm việc học tập của học sinh và nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng được coi trọng, có nhiều chuyển biến. Đảng bộ tỉnh An Giang hiện có hơn 62.350 đảng viên, với 878 chi bộ, đảng bộ cơ sở. Công tác chăm lo người có công và gia đình người có công, người nghèo… luôn được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và cộng đồng. Nhiều mô hình thiện nguyện, như: Xây nhà đại đoàn kết tặng người nghèo, hiến đất làm đường giao thông, xây trường học; xây, sửa cầu; bếp ăn từ thiện, mua xe chuyển bệnh nhân miễn phí… được nhiều người dân và các nhà hảo tâm tham gia.

Để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy dân chủ, kỷ cương, khai thác mạnh mẽ lợi thế trong liên kết vùng và lợi thế so sánh của địa phương, huy động nguồn lực xã hội và tranh thủ ngoại lực, tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang bằng mức trung bình của cả nước; đến năm 2020, quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

An Giang đã sản sinh và nuôi dưỡng bao người con ưu tú, trong đó tiêu biểu là Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Các thế hệ người An Giang hôm nay luôn kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp mà các bậc tiền nhân để lại. Đó là tinh thần không ngại hiểm nguy, gian khó của thời khẩn hoang, giữ vững biên cương, bờ cõi; là tinh thần anh dũng bất khuất, quyết “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”; là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng bằng những việc làm đột phá, sáng tạo trong thời kỳ xây dựng và phát triển; là khí chất hào hiệp, trượng nghĩa, đức tính bao dung, độ lượng; là sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.

Ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta càng thêm kính trọng và biết ơn người chiến sĩ cách mạng kiên cường, người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là niềm tự hào, là hành trang vô giá để đất nước ta nói chung, tỉnh An Giang nói riêng vững bước trên chặng đường xây dựng, phát triển, hội nhập, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

VÕ THỊ ÁNH XUÂN

Ủy viên Trung ương Đảng,Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/mai-hoc-tap-va-noi-theo-tam-guong-bac-ton-547290