Mai mối hôn nhân chốn công viên

Xã hội Trung Quốc ngày càng phát triển, giới trẻ lao vào học tập, làm việc và tìm cách tiến thân mà không màng đến chuyện lập gia đình.

Tại Công viên Nhân dân ở Thượng Hải, những bà mẹ đang đọc báo để giết thời gian, trước mặt là những tờ quảng cáo về con cái mình

Tại Công viên Nhân dân ở Thượng Hải, những bà mẹ đang đọc báo để giết thời gian, trước mặt là những tờ quảng cáo về con cái mình

Thực trạng này khiến các bậc cha mẹ sốt ruột, họ tìm mọi cách để giúp con cái yên bề gia thất. Gần đây, các công viên ở Bắc Kinh và các thành phố lớn đang trở thành nơi lý tưởng cho việc mai mối hôn nhân.

“Chợ hôn nhân”

“Chợ hôn nhân” là một hiện tượng gây tò mò ở Trung Quốc trong khoảng 20 năm trở lại đây. Các bậc cha mẹ tìm đến đây vì cuộc sống riêng tư của con cái, nhưng thường không được sự đồng ý của chúng. Tuy vậy, họ cho rằng mình đang làm điều tốt đẹp cho gia đình, dòng họ.

Tại công viên, các bậc cha mẹ mang theo tấm bảng ghi vắn tắt thông tin có liên quan đến con cái, như tuổi, chiều cao, cân nặng, công việc, mức lương, quyền sở hữu tài sản...

Ngồi sau các tấm bảng giới thiệu này,họ chào đón những phụ huynh khác đi ngang. Khi có người chú ý dừng lại xem, hai bên sẽ bắt đầu các cuộc trò chuyện, nếu có điểm tương hợp, họ sẽ sắp xếp ngày để các con gặp nhau. Các cuộc trao đổi rất linh hoạt và thẳng thắn, tuổi tác và chiều cao thường là những lý do hàng đầu để bị từ chối.

Những cuộc tụ họp hằng tuần này diễn ra từ khoảng năm 2004. Mới đầu, đây chỉ là nơi gặp gỡ của các bậc cha mẹ để trao đổi thông tin về những người con chưa lập gia đình của họ. Họ ghi lại phần “tự giới thiệu” của những đối tượng được cho là thích hợp với con mình và cung cấp thông tin về chúng cho những người tham gia. Sau đó, sự kiện này đã trở nên có tổ chức hơn, qui mô hơn.

Người dân địa phương gọi nơi này là xiangqin jiao, hoặc “góc mai mối”. Những người nơi khác gọi chúng là “chợ hôn nhân”. Vào đầu những năm 2000, chúng phổ biến khắp Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô và Quảng Châu. Bây giờ, xiangqin jiao là một nét đặc trưng ở hầu hết các thành phố của Trung Quốc.

Không có chỗ cho sự lãng mạn

Là một nơi giúp tạo ra sự kết hợp lâu dài, nhưng thị trường mai mối tại Công viên Trung Sơn (Bắc Kinh) có rất ít chỗ cho sự lãng mạn. Phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến tuổi, nơi sinh và thu nhập của ứng viên. Công viên tràn ngập các tờ quảng cáo mời chào ấn tượng của các ứng viên là nhà phát triển trò chơi, chủ ngân hàng, họa sĩ sơn dầu, chuyên gia sở hữu trí tuệ.

Đôi khi, những người trẻ tuổi tự mình “đi chợ”, với cơ hội tìm được một đối tác tiềm năng. Phụ nữ độc thân trên 30 tuổi thường gặp khó khăn hơn trong việc thu hút sự quan tâm từ các phụ huynh so với nam giới cùng tuổi. Một phụ nữ trông trẻ trung với mái tóc xoăn ngắn, họ Cao, là một trong số ít phụ nữ đến Công viên Trung Sơn để tìm kiếm một nửa phù hợp cho mình.

Cô dừng lại trước mặt các phụ huynh của những chàng trai, giới thiệu tên tuổi và hỏi liệu họ có quan tâm không. Cô nhận được hầu hết những lời từ chối trực tiếp. “Xin lỗi, chúng tôi đang tìm một người sinh sau năm 1987”, một bà mẹ của một cậu con trai 40 tuổi nói với Cao, sinh năm 1984.

Cao cho biết đây là trải nghiệm đầu tiên của cô về thị trường hôn nhân. Cô cảm thấy “lo lắng và căng thẳng”, nhưng nghĩ rằng đó là một bước cần thiết và muốn “phấn đấu cho hạnh phúc của riêng tôi”.

Cô nói: “Ở dạng thị trường này, tỷ lệ nam giới trên nữ giới thường vào khoảng một đến chín, “Phụ nữ và cha mẹ của họ luôn gặp khó khăn trong việc tìm đối tượng”.

Một phụ huynh đang xem thông tin của các ứng viên ở “góc mai mối” tại Công viên Trung Sơn (Bắc Kinh)

Nam giới có lợi thế hơn

Hou, một tác giả người Quảng Châu cho biết, phụ nữ Trung Quốc phải đối mặt với sự phân biệt tuổi tác nhiều hơn nam giới vì các giá trị xã hội “không công bằng”. Ông nói: “Đàn ông được đánh giá dựa trên ảnh hưởng về mặt xã hội, trong khi phụ nữ được đánh giá bởi khả năng sinh sản và sức hấp dẫn tình dục của họ”.

Ông cho biết thêm rằng, các bậc cha mẹ Trung Quốc thường bắt đầu quan ngại về tình trạng hôn nhân của con gái khi chúng 25 tuổi. “Họ lo lắng, một khi vượt qua thời kỳ đỉnh cao của mình, con gái họ sẽ giảm sức hút với đàn ông và khó có con”.

Vào năm 2018, các nhà báo của hãng tin địa phương Thepaper.cn đã đến một khu chợ hôn nhân nổi tiếng tại Công viên Nhân dân ở Thượng Hải và thu thập được hơn 870 tờ thông tin chỉ trong vài tuần. Họ nhận thấy hầu hết các quảng cáo dành cho nam giới từ 27 đến 43 tuổi, tiếp theo là phụ nữ từ 26 - 35 tuổi.

Trong công viên ở Bắc Kinh, một bà mẹ của cô con gái 31 tuổi đã cố gắng biện minh cho định kiến giới. “Phụ nữ sẽ rất khó sinh con sau tuổi 35. Ở thị trường mai mối này, có rất nhiều phụ nữ thành đạt được giới thiệu. Nhưng nếu họ xấp xỉ 40 tuổi thì việc kiếm được bao nhiêu tiền không quan trọng nữa. Khi không thể sinh con, họ sẽ trở nên vô dụng”, bà nói.

Khi mặt trời bắt đầu lặn, rất nhiều bậc cha mẹ rời đi mà không có được kết quả khả quan nào. Cầm theo thẻ chứng minh của cô con gái, một phụ nữ họ Li khi được hỏi tiêu chí chọn chàng rể cho biết: “Anh ta cần tốt nghiệp đại học và quan trọng là có căn hộ riêng. Những yêu cầu của tôi khá đơn giản”. Còn ông Liu Hongjun, 58 tuổi thì không mấy hài lòng về một số cô gái ứng cử làm con dâu.

Đây là ngày thứ ba, ông và vợ đi tìm bạn đời cho cậu con trai 32 tuổi. Đã gần kết thúc sự kiện mai mối ở công viên này, ông Liu lấy bức ảnh của con trai xuống khỏi tấm bảng. “Nó không thích những cô gái chúng tôi chọn cho nó. Thậm chí, nhiều lần đã xảy ra cãi vã, có thể đó là do sự khác biệt giữa các thế hệ. Chúng tôi có những quan điểm và chuẩn mực khác nhau về hôn nhân”, ông nói.

Các bà mẹ xếp hàng trước nhà vệ sinh phàn nàn rằng một ngày của họ ở công viên thật lãng phí. Tuy nhiên, họ cho biết sẽ quay lại phiên chợ tiếp theo để tìm thêm cơ hội.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/mai-moi-hon-nhan-chon-cong-vien-GR9VPgaGR.html