Mai này ai đi xem tuồng...

Nói đến nghệ thuật tuồng đất Bắc không thể không nói đến Tam Lư, xã Đồng Nguyên, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ bao đời nay, nơi đây đã đào tạo biết bao thế hệ nghệ sĩ tuồng. Nhưng, trước sức ép của cơ chế thị trường, nghệ thuật tuồng đang lâm vào tình trạng bi đát.

Vở “Khát vọng sống” đạt Huy chương vàng.

Vang bóng một thời

Suốt những ngày tiếp xúc với các nghệ nhân Tuồng ở đây, chúng tôi mới thấy hết tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng của họ dành cho môn nghệ thuật này. Họ bảo, bây giờ, dù có muốn gắn bó với môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này cũng đành “nuốt lệ vào tim”, phần vì bây giờ có quá nhiều loại hình nghệ thuật hấp dẫn, cuốn hút khá giả, phần vì lớp trẻ chẳng còn ai mặn mà với lối hát “xưa như trái đất” như tuồng nữa.

Hôm ấy, sau khi thết đãi chúng tôi bằng đủ thứ “sản vật” quê nhà là những vở tuồng chính hiệu, NSƯT Nguyễn Đức Tú, Chủ nhiệm CLB tuồng Tam Lư cứ thở dài ngao ngán. Anh bảo, một đời gắn bó với tuồng, một đời lận đận vì tuồng, thế mà bây giờ cũng đành đứng nhìn tuồng “chết dần, chết mòn” từng ngày. Ai hiểu thì cho vài lời động viên khích lệ, ai không hiểu lại cho rằng những người làm nghề “không có thực tài”.

Gương mặt thoáng chút buồn thảng thốt, anh Tú rủ rỉ kể: Không biết Tuồng Tam Lư có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ kể lại, tiếng trống phách của những gánh tuồng Tam Lư đã nổi danh từ xa xưa. Ông ngoại tôi, cụ Ba Tuyên, là một kép tuồng nổi tiếng từ thời phong kiến đã cùng anh, chị em của cụ tham gia nghệ thuật sôi nổi. Những năm tháng ấy, người ta mê tuồng lắm, từ diễn viên, nghệ sĩ cho đến khán giả, đi đâu, làm gì, ở đâu, cũng thèm được xem một vở diễn tuồng chính hiệu.

“Tôi còn nhớ, hễ màn đêm buông xuống, tiếng trống tập tuồng lại rộn rã làng quê, dân làng đến xem tập Tuồng chẳng khác gì biểu diễn thật. Lớp trẻ hào hứng lắm, tối xong bài tập về nhà rủ nhau đến nơi tập trước cả diễn viên. Chúng tôi bắt chước, thuộc lời rất nhanh. Ban ngày, những hôm được nghỉ học đều lén rủ nhau diễn tuồng, có phân vai, trích đoạn rồi theo những điệu bộ của các bác, các chị tập hôm trước”, anh Tú chia sẻ.

Những năm tháng sôi nổi ấy, chẳng ai có thể quên được một thời “thịnh trị” của tuống Tam Lư. Đó là những ngày tháng huy hoàng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của gánh tuồng. Đến nỗi khi nghe có đoàn đến biểu diễn, người ta đã xếp dài hàng cây số để túc trực mua vé, họ đến chật kín cả sân. Thế rồi lâu dần các cụ có tuổi, lớp nghệ sĩ gạo cội dần “về giời” hết, lại đúng vào những năm đang tiến hành xóa bỏ bao cấp nên từ những năm 80 của thập kỉ 90, tuồng Tam Lư gần như bị đứt đoạn. Đó thực sự là một khoảng trống rất lớn đối với anh chị em nghệ sĩ, những người từng góp nhiều tâm sức tạo nên một gánh tuồng chuyên nghiệp.

Đã biết bao nhiêu mùa diễn, hội diễn đoàn đã tham gia. Những lần “mang chuông đi đánh xứ người”, đoàn Tam Lư đều mang về những thành tích ấn tượng. Trong khoảng ba lần tham gia Hội diễn toàn quốc, đoàn Tuồng Tam Lư đều đạt Nhất, Nhì toàn đoàn; các lần tham gia Hội diễn sân khấu tỉnh đều đạt Huy chương Vàng, Bạc. Từ thành công của những lần tham dự liên hoan đã tạo “cú hích” khích lệ đoàn hoạt động mạnh hơn. Để các vở tuồng cũng mang hơi thở của thời đại, trong những kịch bản, anh Tú đều vận dụng từ những vở cổ để sáng tác các vở gắn với những vấn đề nổi cộm của cuộc sống để các vở không chỉ mang tính giải trí mà còn có tính giáo dục cao hơn như Khát vọng sống, Tuổi trẻ Nguyễn Văn Cừ...

Thế nhưng, đến bây giờ, số phận của Tuồng Tam Lư cũng chỉ tồn tại “mỏng manh” như cánh diều trước gió bão.

Hóa trang cho nghệ sĩ Tuồng.

Cần lắm một công cuộc bảo tồn

Hàng loạt câu hỏi đang đặt ra là: Trong khi văn hóa hiện đại đang dần lấn chiếm thị trường, nghệ thuật tuồng đang dần mất khán giả, làm sao có thể thu hút khán giả đến xem tuồng? Ngoài nghệ thuật tuồng cổ, đã ăn sâu vào tư tưởng, phong cách của các nghệ sĩ có nên không cải biến các tác phẩm tuồng cho hợp với xu thế thời đại. Như đưa tuyên truyền vận động bầu cử, các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa giáo dục…

Đả kích, lên án những thói hư tật xấu của xã hội, những hủ tục phong kiến phía sau cổng làng. Với những kịch bản ý tưởng mới đó liệu có thể là một cách để thu hút khán giả đến với nghệ thuật tuồng hay không? Ngành đào tạo tuồng gần như đang “đói” học viên, cách để bảo tồn duy nhất hiện nay là truyền từ đời này qua đời khác, cha truyền con nối… Liệu đến những đời sau này, khi cuộc sống “cơm áo, gạo tiền” chi phối cuộc sống mỗi cá nhân thì còn ai theo đuổi nghệ thuật tuồng hay không?

Anh Tú hồi tưởng một câu chuyện: “Năm 1994, chúng tôi có chuyến lưu diễn tới Hà Châu (Thái Nguyên), đi nửa tháng trời ròng rã. Gặp trận mưa lớn, đường đất lầy lội, nhão nhoét, không có cách nào về, đành ở nhờ nhà dân. Mưa dầm dề vài tuần không ngớt, không có cả cái ăn, bị cô lập, anh em vẫn động viên nhau diễn, ai đến xem thì diễn, rồi trước cửa có để một cái thùng quyên góp. Xong buổi, đếm đi đếm lại chỉ được có 5 đến 10 nghìn. Cả đạo diễn, diễn viên, nhạc công sau chuyến đi đó chỉ đủ mang về cho các cháu gói kẹo, nhưng tất cả đều vui bởi nghệ thuật cũng đã đến được với các đồng bào nơi đây.

Còn với chị Hương, vợ anh Tú, cũng là một trong nhiều nghệ sĩ đắm đuối với nghệ thuật Tuồng từ những ngày đầu, nói giọng gần như nghẹn lại : “ Nói thật với chú, vợ chồng chị cũng vì quá yêu Tuồng, say mê Tuồng mà làm, chứ có ai sống vì nghề này đâu. Hằng này, anh hì hụi làm mộc, chị sấp ngửa chạy chợ, vừa làm kính tế vừa nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật. Mới rồi, Đoàn tổ chức biểu diễn phục vụ cho nhân dân miễn phí, ngặt nỗi quá thiếu kinh phí, lại không có đủ diễn viên, nên đành phải ngậm ngùi đi mời anh chị em nghệ sĩ khắp mọi nơi. Điều đó không có gì đáng nói. Nhưng chị lo nhất vẫn là không sao mở nổi lớp dạy Tuồng cho các cháu “Đầu ấu”. Nếu không kịp thời chăm lo “thế hệ măng non tuồng, mai này tuồng “chết”thì tiếc lắm”.

Anh Xuân Tú băn khoăn tâm sự: “Nhiều người dân bây giờ vẫn thích tuồng lắm, chỉ tiếc là chúng ta chưa phải biết khơi gợi để kéo mọi người tìm đến với nghệ thuật này. Trước đây, trên đài, tivi vẫn có những buổi dành riêng cho sân khấu truyền thống. Nhưng số lượng phát sóng ngày càng ít dần. Làm thế nào để góp tiếng nói chung vực dậy một môn nghệ thuật truyền thống không chỉ là tâm tư của các nghệ sỹ mà còn là nguyện vọng của những người yêu tuồng. Điều đáng lo ngại nhất là ai sẽ duy trì những gánh tuồng khi các nghệ sỹ già dần tắt bóng. Ở Đông Anh (Hà Nội) đã rất thành công khi đưa sân khấu vào học đường, chúng tôi rất mong chương trình đó được thử nghiệm ở tỉnh nhà, để giới trẻ có thể hiểu và yêu môn nghệ thuật này”.

Đồng vọng với nỗi niềm da diết và băn khoăn ấy của vợ chồng anh Tú, chị Hương, cũng đã có nhiều biện pháp, giải pháp được đặt ra, với hy vọng sẽ góp phần “hồi sinh” nhiều gánh Tuồng…đã mất. Bởi nghệ thuật Tuồng hàm chứa quá nhiều giá trị, tư liệu lịch sử, quá nhiều nhân cách sống đã được kiểm chứng và khẳng định từ muôn nghìn năm trước…nhưng mọi dự định xem ra cứ lút chìm vào im lặng. Và, số phận của Tuồng vẫn mãi hắt hiu!.

Minh Phúc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/mai-nay-ai-di-xem-tuong-tintuc412196