Mài rũa viên ngọc thô Làng họa sĩ Cổ Đô thành điểm đến hấp dẫn

Làng Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội nổi tiếng là nơi quy tụ hàng trăm họa sĩ 'chân đất', 2 bảo tàng mỹ thuật, rất nhiều phòng tranh gia đình cùng những di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc. Cuối tuần qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức đoàn chuyên gia khảo sát và lên phương án 'mài rũa' viên ngọc thô này trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.

 Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô. Ảnh: Hồ Hạ.

Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô. Ảnh: Hồ Hạ.

Làng họa sĩ độc nhất vô nhị

Làng Cổ Đô được mệnh danh là ngôi làng họa sĩ độc nhất vô nhị với hơn 30 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và 2 bảo tàng hội họa. Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô chính thức hoạt động chuyên nghiệp từ đầu năm 2016 là nơi trưng bày các tác phẩm của những người dân Cổ Đô yêu nghệ thuật hội họa. Đây cũng là nơi các thành viên câu lạc bộ mở lớp dạy mỹ thuật miễn phí cho trẻ em trong khu vực.

Ngoài ra, nơi đây có “Bảo tàng họa sĩ Sĩ Tốt và gia đình” đặt tại nhà riêng của cố họa sĩ Sĩ Tốt, một họa sĩ lão thành với những bức tranh nổi tiếng như “Tiếng đàn bầu”, “Bế con”... Bên cạnh đó, các họa sĩ của làng cũng sở hữu rất nhiều phòng tranh tại gia, trưng bày những “đứa con tinh thần” của chính chủ nhà.

Du khách tham quan tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô. Ảnh: Hồ Hạ

Được sự hướng dẫn, giúp đỡ của Sở Du lịch Hà Nội và huyện Ba Vì, chính quyền xã cùng Nhân dân quyết tâm xây dựng làng Cổ Đô trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Hiện tại, nhiều tuyến đường quanh làng đã được trồng hoa, dọn dẹp sạch sẽ.

Chủ tịch UBND xã Cổ Đô Nguyễn Minh Đức

Bên cạnh bảo tàng, phòng tranh, Cổ Đô còn là vùng đất của những danh nhân với hai lưỡng quốc Thượng thư là Nguyễn Sư Mạnh và Nguyễn Bá Lân, nay đều có đền thờ. Xưa kia, nghề lụa và bún truyền thống ở Cổ Đô chuyên sản xuất để tiến Vua. Chưa hết, khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà riêng ông Nguyễn Văn Lũy (Chủ tịch ủy ban lâm thời huyện Quảng Oai năm 1945), đền Cẩm Sơn, chùa Cổ Đô cũng là những di tích văn hóa lịch sử đặc sắc từ lối kiến trúc đến ý nghĩa cách mạng, tâm linh. Một điểm cộng nữa là đường làng, ngõ xóm, khuôn viên các bảo tàng, gia đình ở đây khá sạch sẽ, ngắn nắp so với các ngôi làng thuần nông Bắc Bộ.
Dưới góc nhìn của DN lữ hành, vận chuyển, ông Trần Văn Ngọc – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Phong Hà cho rằng, làng họa sĩ Cổ Đô hội tụ đủ yếu tố để trở thành điểm đến hấp dẫn của Thủ đô, không kém làng cổ Đường Lâm, nếu được đầu tư xứng tầm. Khách quốc tế chắc chắn sẽ rất thích điểm đến chứa đựng rất nhiều tinh hoa văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc nơi đây.

Nhà thờ lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh. Ảnh: Hồ Hạ.

Mài rũa viên ngọc thô
Để Cổ Đô trở thành điểm đến hấp dẫn, đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng lộ trình, bước đi, kêu gọi nguồn xã hội hóa và cùng huyện Ba Vì, xã Cổ Đô ưu tiên đầu tư khắc phục những yếu điểm còn tồn tại. Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh – Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Sở sẽ phối hợp với UBND huyện Ba Vì và xã Cổ Đô cải thiện cảnh quan, môi trường quanh làng bằng cách dọn dẹp rác thải, trồng nhiều hoa, cây xanh, xây dựng, nâng cấp 3 – 4 nhà vệ sinh công cộng. Tháng tới, Sở sẽ hỗ trợ xã nâng cấp ngay nhà vệ sinh ở Bảo tàng Mỹ thuật.

Đoàn công tác của Sở Du lịch Hà Nội làm việc tại xã Cổ Đô. Ảnh: Hồ Hạ.

Cùng với đó, Sở đã khảo sát 3 tuyến đường có thể làm con đường bích họa. Trong đó, tuyến từ nhà văn hóa Đội 3, thôn Cổ Đô đến đê mương đã có 1 DN tài trợ toàn bộ họa phẩm. Xã Cổ Đô sẽ xây dựng chủ đề và huy động các họa sĩ trang trí lên những bức tường dọc tuyến đường này. Đường bích họa đầu tiên ở Cổ Đô cố gắng hoàn thiện trong năm nay. Cùng với đó, Công ty TNHH Dịch vụ Phong Hà cũng đã hứa tài trợ ghế đá đặt quanh làng phục vụ du khách và bà con nghỉ ngơi sau khi tham quan. Trong tháng tới, sẽ đặt 20 ghế đầu tiên.

Xã Cổ Đô đã đầu tư trồng hoa trên nhiều tuyến đường. Ảnh: Hồ Hạ.

Cũng tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Việt Hồng – Trưởng phòng Phát triển thị trường – Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội) cho biết, đơn vị này đã khảo sát được 12 điểm để đặt hệ thống phát wifi miễn phí. VNPT Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Du lịch, xã Cổ Đô xây dựng kế hoạch và cố gắng hoàn thiện các thủ tục hành chính trong năm 2018, triển khai lắp đặt trong năm 2019. Sở cũng sẽ thực hiện làm giao diện 360 độ chia 2 làm nhóm sản phẩm du lịch chính là: Làng nghề, bảo tàng; các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng để quảng bá; dự kiến hoàn thiện trong năm 2018.

Trong năm 2018, Sở Du lịch sẽ mở 2 lớp tập huấn cho người dân hiểu về cách làm du lịch và những giá trị của du lịch. Bên cạnh đó, động viên người dân cung cấp thêm những sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách như: Lưu trú, nhà hàng, lớp dạy vẽ tranh trong ngắn hạn, trải nghiệm làm đồng, bắt cá, làm bún...

Hồ Hạ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/mai-rua-vien-ngoc-tho-lang-hoa-si-co-do-thanh-diem-den-hap-dan-322457.html