Malaysia bị chỉ trích vì đòi phụ nữ 'trang điểm và bớt cằn nhằn'

Khuyến cáo của Malaysia về những điều phụ nữ nên và không nên làm trong thời gian phong tỏa bị chỉ trích là phân biệt giới tính và thúc đẩy định kiến về giới.

Hôm 18/3, Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng của Malaysia (MWFCD) đăng tải hàng loạt áp phích về cách phòng tránh xung đột gia đình trong thời gian phong tỏa vì dịch Covid-19. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch #WomenPreventCOVID19 (tạm dịch: #PhụnữchốngCOVID19).

 Một tranh cổ động của Malaysia kêu gọi phụ nữ trang điểm khi làm việc tại nhà để tránh bạo lực gia đình. Ảnh: New Straits Times.

Một tranh cổ động của Malaysia kêu gọi phụ nữ trang điểm khi làm việc tại nhà để tránh bạo lực gia đình. Ảnh: New Straits Times.

Đáng chú ý, các áp phích có truyền tải những thông điệp như “Tránh cằn nhằn chồng của bạn!” hay khuyên phụ nữ nên ăn diện và trang điểm khi làm việc tại nhà.

Quản lý nhóm vận động All Woman’s Action Society, bà Nisha Sabanayagam nhận xét: “ Bộ tranh hạ thấp giá trị của cả phụ nữ và đàn ông”. Trao đổi với Reuters qua điện thoại, bà gay gắt chỉ trích “những tấm áp phích này thúc đẩy khái niệm bất bình đẳng giới và duy trì tính gia trưởng trong cộng đồng”.

Trên Facebook hay Instagram, cộng đồng mạng chế giễu các áp phích và kịch liệt tẩy chay, kêu gọi chính phủ gỡ chiến dịch nói trên.

“Nỗ lực chống xung đột trong gia đình biến thành chiến dịch của các bà vợ nhu nhược từ khi nào thế”? người dùng Twitter @yinshaoloong bình luận. Một tài khoản khác, @honeyean thì thắc mắc “Làm gì có lời khuyên nào để giải quyết bạo lực gia đình?”.

Hiện Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng của Malaysia vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.

Trước đó, nhiều hiệp hội đã cảnh báo nạn bạo hành gia đình sẽ gia tăng vì lệnh phong tỏa. Thời gian phong tỏa khiến phụ nữ bị "giam lỏng" trong nhà và không thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Chính phủ một số nước đã đề xuất các biện pháp hỗ trợ nạn nhân của nạn bạo lực gia đình.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới gần đây nhất, Malaysia đứng thứ 104 trong 153 nước về chỉ số khoảng cách giới tính. Hoạt động phụ nữ ở nước này cũng không đạt thứ hạng cao về trao quyền chính trị hay tham gia kinh tế.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/malaysia-bi-chi-trich-vi-doi-phu-nu-trang-diem-va-bot-can-nhan-post1066945.html