Malaysia hồi sinh siêu dự án cơ sở hạ tầng với Trung Quốc

Dự án lớn gây tranh cãi Bandar Malaysia liên quan đến vụ bê bối tài chính toàn cầu 1Malaysia Development Berhad (1MDB) đã được 'hồi sinh' vào hôm 17.12 sau khi chính phủ Malaysia đạt thỏa thuận với một tập đoàn Trung Quốc.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cùng các quan chức Malaysia và Trung Quốc tại lễ ký thỏa thuận nối lại dự án Bandar Malaysia ở thành phố Putrajaya, Malaysia - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cùng các quan chức Malaysia và Trung Quốc tại lễ ký thỏa thuận nối lại dự án Bandar Malaysia ở thành phố Putrajaya, Malaysia - Ảnh: Reuters

Công ty TRX City thuộc Bộ Tài chính Malaysia cho biết họ đã bắt tay với IWH-CREC, đơn vị liên doanh giữa Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc (CREC) và công ty Iskandar Waterfront Holdings (IWH) của Malaysia, nhằm phát triển khu đất rộng gần 200ha phục vụ dự án cơ sở hạ tầng Bandar Malaysia.

Dự án Bandar Malaysia ban đầu được hình dung là một trung tâm vận tải cho hàng chục tuyến đường cao tốc và một số tuyến đường sắt, bao gồm cả tuyến đường sắt cao tốc Singapore - Kuala Lumpur bị đình trệ. Nó đã được công bố vào năm 2011 với kinh phí dự tính 34 tỉ USD bởi cựu Thủ tướng Najib Razak, người hiện đang bị xét xử vì các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền liên quan đến vụ bê bối tài chính 1MDB.

Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận nối lại dự án trên ở thành phố Putrajaya (Malaysia) với sự tham dự của Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng, Bộ trưởng Kinh tế Azmin Ali, Bộ trưởng Giao thông Anthony Loke, Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia Bai Tian và Chủ tịch CREC Chen Yun, Thủ tướng đương nhiệm Mahathir Mohamad ca ngợi sự hồi sinh của Bandar Malaysia là "bằng chứng cho thấy cả Malaysia và Trung Quốc đều đang hợp tác vì lợi ích của người dân".

“Khác với những dự án khác thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh ở Malaysia, Bandar Malaysia hướng tới mục tiêu lớn hơn trong việc củng cố quan hệ thương mại song phương dài hạn giữa giữa Malaysia và Trung Quốc”, ông Mahathir nói và khẳng định dự án được thực hiện với mục tiêu rất rõ ràng là cung cấp giá trị kinh tế cao cấp cho đất nước.

Mô hình dự án Bandar Malaysia - Ảnh: Reuters

Theo nhà lãnh đạo Malaysia, quá trình thực hiện kế hoạch sửa đổi cho Bandar Malaysia cũng sẽ tính tới chính sách của chính phủ nhằm đảm bảo rằng một dự án phát triển lớn như vậy sẽ lấy người dân làm trọng tâm, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Tuyến đường sắt Singapore - Kuala Lumpur với điểm dừng cuối ở Bandar Malaysia cũng sẽ được thúc đẩy, nhưng có điều chỉnh để giảm chi phí”, ông Mahathir nói thêm.

Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết việc liên doanh IWH-CREC sẵn sàng tái đầu tư vào dự án sau khi thỏa thuận trước đó bị phá vỡ là kết quả của những nỗ lực của chính phủ đối với việc xem xét, hợp lý hóa và giải phóng các dự án đã bị hủy hoại bởi vụ bê bối tham nhũng 1MDB của cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak. Theo ông Lim, các điều khoản trong thỏa thuận Bandar Malaysia mới đã được cải thiện.

Được biết, quỹ 1MDB được thành lập với mục tiêu nhằm thúc đẩy kinh tế Malaysia thông qua các hoạt động đầu tư chiến lược. Nhưng thay vào đó, quỹ này bị cáo buộc là đã được dùng để trang trải cho kiểu sống xa hoa, để đầu tư vào một bộ phim điện ảnh Hollywood, và một siêu du thuyền.

Ông Najib Razak, 66 tuổi, đang phải đối mặt với 7 cáo buộc; trong đó có 3 cáo buộc lạm dụng tín nhiệm, 1 cáo buộc lạm dụng quyền hạn và 3 cáo buộc rửa tiền liên quan đến số tiền 42 triệu ringgit (10 triệu USD).

Khu đất xây dựng dự án Bandar Malaysia cũng có mối liên hệ với 1MDB. Sau nhiều bất đồng giữa chính quyền của mình và các nhà phát triển dự án lúc đó, cựu Thủ tướng Najib đã đột ngột chấm dứt hợp đồng hồi năm 2017.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/malaysia-hoi-sinh-sieu-du-an-co-so-ha-tang-voi-trung-quoc-127850.html