Malaysia lạc quan về năm mới bất chấp kinh tế đình đốn

Giáo sư Yeah Kim Leng thuộc Đại học Kinh tế Sunway cho biết sau một năm 2019 đầy u ám, kinh tế Malaysia sẽ chứng kiến sự khởi sắc vào năm tới.

Tòa tháp đôi Petronas tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: THX/TTXVN

Tòa tháp đôi Petronas tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: THX/TTXVN

Giới quan sát nhận định Malaysia sẽ phải giải quyết tình trạng kinh tế đình đốn do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại toàn cầu trong năm qua và nước này sẽ phải nỗ lực tìm chỗ đứng trong một cuộc chuyển giao quyền lực lãnh đạo dự kiến diễn ra năm 2020.

Bình luận về tình hình kinh tế khó đoán định trong năm 2020 của Malaysia, Giáo sư Yeah Kim Leng thuộc Đại học Kinh tế Sunway cho biết sau một năm 2019 đầy u ám, kinh tế Malaysia sẽ chứng kiến sự khởi sắc vào năm tới.

Lý giải cho những nhận định của mình, Giáo sư Yeah cho rằng những động lực thúc đẩy kinh tế được cải thiện cùng với triển vọng bên ngoài đối với Malaysia sẽ giúp cải thiện niềm tin của giới đầu tư và người tiêu dùng. Đây chính là yếu tố để Chính phủ Malaysia tự tin đưa ra dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2020.

Trong Tuyên bố chính sách tiền tệ công bố hồi tháng 11, Ngân hàng trung ương Malaysia cho biết kinh tế thế giới đang tăng trưởng với tốc độ vừa phải, ghi nhận sự tăng trưởng chậm lại một cách đồng bộ giữa các nền kinh tế phát triển và đang nổi với bằng chứng là hoạt động giao thương suy yếu trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến nhu cầu nội địa, đặc biệt là các hoạt động đầu tư.

Đối với kinh tế Malaysia, những số liệu báo cáo kinh tế mới nhất đều phù hợp với kỳ vọng, phản ánh thực tế hoạt động kinh tế của Malaysia mở rộng ở mức vừa phải trong quý III/2019. Trong tương lai, chi tiêu của khu vực tư nhân sẽ là yếu tố cản trở sự tăng trưởng của kinh tế nước này.

Nhìn chung, kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng theo mức dự báo đã được đưa ra trong năm 2019 và duy trì duy trì tốc độ tăng trưởng trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, đà tăng trưởng vẫn chịu tác động của nguy cơ suy giảm, chủ yếu phát sinh do tình hình khó đoán định của kinh tế và tài chính toàn cầu cũng như sự suy yếu của các ngành sản xuất.

Giáo sư Yeah chỉ rõ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) chính là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến hoạt động giao thương toàn cầu.

Về chính trị, liên minh cầm quyền Malaysia đã giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2018, song năm 2019 lại gánh chịu hàng loạt thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương bổ sung. Thất bại này thực sự không có lợi cho Chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Mahathir Mohamad./.

Lan Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/malaysia-lac-quan-ve-nam-moi-bat-chap-kinh-te-dinh-don/143967.html