Malaysia quyết tự chủ sản xuất vũ khí và trang bị quân sự

Malaysia chuẩn bị giới thiệu Chính sách Công nghiệp An ninh và Quốc phòng mới nhằm biến quốc gia này thành nhà sản xuất vũ khí và trang bị quân sự, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu các mặt hàng này, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tạp chí Jane’s dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, Malaysia đang hợp tác chuyển giao công nghệ với một số nước. “Khi giai đoạn này hoàn thành, chúng tôi sẽ tự sản xuất được vũ khí và trang bị quân sự của riêng mình”, ông Ismail khẳng định. Trước đó, phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm Hàng không và Hàng hải Quốc tế Langkawi năm 2017, ông Najib Razak, Thủ tướng Malaysia khi đó khẳng định tới năm 2030, CNQP của nước này sẽ tạo ra khoảng 32.000 việc làm có thu nhập cao với doanh thu ở mức hơn 16 tỷ USD.

Không dễ để Malaysia có được nền CNQP phát triển như hiện nay. Trở lại những năm 90 của thế kỷ trước, đại diện nền CNQP của quốc gia này là vài công ty nhỏ chuyên sản xuất các mặt hàng phổ thông, trong khi một số ít công ty lớn có thể thực hiện những công việc quan trọng cho quân đội như đóng tàu hoặc bảo dưỡng máy bay lại phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp dân sự. Cũng vào thời điểm này, mục tiêu Tầm nhìn 2020 của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hướng Malaysia trở thành một quốc gia có công nghệ tiên tiến và công nghiệp hóa hoàn toàn vào năm 2020 đã được khởi động. Song hành cùng mục tiêu này là sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp ở Malaysia, đặc biệt là CNQP và vũ trụ, thông qua chuyển giao công nghệ và các chương trình cho phép mua sắm quốc phòng từ nước ngoài.

Xe chiến đấu bọc thép AV8 Gempita do Công ty Deftech của Malaysia hợp tác với Công ty FNSS của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Ảnh: janes.com

Tầm nhìn 2020 được đưa ra đúng thời điểm kinh tế Malaysia tăng trưởng tốt và nền giáo dục của quốc gia này đã cung cấp một lực lượng lao động không chỉ thành thạo về kỹ năng, có kiến thức tốt mà còn có trình độ quản lý kỹ thuật cao. Do vậy, ngày càng nhiều người muốn theo đuổi con đường kiến thức và kỹ năng chuyên biệt, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động. Đây là những điều kiện lý tưởng để CNQP phát triển.

Một điểm quan trọng giúp thúc đẩy CNQP của Malaysia là sự thay đổi trong cách nhìn nhận chiến lược của lực lượng vũ trang Malaysia. Nói cách khác, lực lượng này đối mặt với thách thức mới và cần thay đổi từ một quân đội chủ yếu dựa vào lục quân với sự hỗ trợ của hải quân ven bờ và không quân, thành lực lượng vũ trang hiện đại với việc hải quân và không quân trở thành các quân chủng có vai trò lớn hơn.

Chính sách và điều kiện thuận lợi là vậy nhưng khó khăn cũng không ít. Thứ nhất, khoản tiền phải chi cho việc chuyển giao công nghệ và bảo trì thiết bị rất lớn. Thứ hai, chi nhiều cho quốc phòng ở thời điểm Malaysia đang hưởng hòa bình khiến nhiều người đặt dấu hỏi. Xử lý các vấn đề này, Malaysia lựa chọn hướng vào các công ty CNQP trong nước và như vậy, việc mua sắm thiết bị được hiểu là để tạo thêm việc làm cho người dân chứ không chỉ là vấn đề an ninh quốc gia. Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, từ năm 2004, Chính phủ Malaysia thực hiện hợp đồng theo “Hướng dẫn dài hạn 5+5” nhằm bảo đảm an ninh việc làm cho các hợp đồng quốc phòng trong nước. Theo đó, các công ty trong nước được ký hợp đồng 5 năm với 2 năm kéo dài và ký tiếp 3 năm nếu công ty tuân thủ hợp đồng.

Tiếp nối thành công, Malaysia sẽ đưa nền CNQP của mình lên một vị thế mới với chính sách sắp được thực hiện. Sách Trắng quốc phòng Malaysia 2019 khẳng định nền CNQP Malaysia vẫn tập trung phát triển nguồn nhân lực, công nghệ, công nghiệp, tự chủ và thâm nhập thị trường quốc tế để đóng góp tích cực hơn nữa vào nền kinh tế và năng lực quốc phòng của quốc gia này.

NGỌC HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/malaysia-quyet-tu-chu-san-xuat-vu-khi-va-trang-bi-quan-su-657747