Malaysia: Từ 'cựu' thành 'tân' và kỳ vọng đổi mới

Vượt qua 'cuộc đua' được cho là gay cấn nhất trong lịch sử bầu cử Hạ viện Malaysia kể từ khi giành được độc lập năm 1957, đảng Liên minh Hy vọng (PH) của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đã giành chiến thắng, chấm dứt hơn 60 năm cầm quyền của Liên minh Mặt trận quốc gia (BN) do Thủ tướng Najib Razak dẫn đầu.

Ông Mahathir Mohamad trong cuộc họp báo tại Kuala Lumpur sau chiến thắng vang dội và đầy bất ngờ - Ảnh: AP

Ông Mahathir Mohamad từng giữ cương vị Thủ tướng Malaysia trong giai đoạn 1981-2003. Trong 22 năm cầm quyền, ông đã tiến hành các chính sách hiện đại hóa nền kinh tế Malaysia, biến quốc gia này thành trung tâm viễn thông, tài chính và sản xuất công nghệ cao trong khu vực Đông Nam Á. Từ hệ thống giao thông, nền công nghiệp ô tô nội địa, đến những công trình xây dựng như Tháp đôi, thủ đô hành chính Putrajaya… đều mang đậm dấu ấn của nhà lãnh đạo nay đã 92 tuổi.

Tại cuộc bầu cửa vừa qua, việc PH vượt qua liên minh cầm quyền xuất phát từ nhiều yếu tố mà trước hết phải kể đến việc cử tri Malaysia mong muốn sự thay đổi, sự cải cách đổi mới để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những cam kết của PH trong cương lĩnh tranh cử được cho là đáp ứng các nhu cầu trực tiếp của cử tri, đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp, sát sườn đến “miếng cơm manh áo” của người dân.

Trong thời gian tới, ông Mahathir có thể sẽ triển khai nhiều kế hoạch cải cách như đã cam kết trong cương lĩnh tranh cử. Nổi bật nhất là việc giới hạn số nhiệm kỳ của thủ tướng và thủ hiến xuống chỉ còn 2 nhiệm kỳ. Ngoài ra, thủ tướng cũng không được phép nắm giữ ghế bộ trưởng tài chính như hiện nay. Cùng với đó, PH cũng cam kết sẽ giảm số bộ trưởng trong Văn phòng Thủ tướng từ 10 xuống còn 3. Bên cạnh đó là chính sách giảm gánh nặng về thuế, nghĩa vụ cho người dân, xây dựng nền kinh tế đất nước theo hướng công bằng và hợp lý...

Cụ thể, trong cương lĩnh tranh cử, PH cam kết trong vòng 5 năm tới sẽ tập trung thực hiện 60 lời hứa, được chia thành 5 trụ cột, nhằm tạo dựng một đất nước Malaysia tốt đẹp hơn trên các khía cạnh kinh tế, quan hệ sắc tộc, đối ngoại và quản trị chính phủ. Những điều này sẽ định hình cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại của Malaysia trong thời gian tới.

Ngay trong vòng 100 ngày đầu tiên nắm quyền, PH cam kết sẽ thực hiện 10 lời hứa và điều đầu tiên là xóa bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), loại thuế 6% đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ và là tâm điểm chỉ trích của đại đa số cử tri Malaysia đối với chính phủ của Thủ tướng Najib Razak. Tuy nhiên, đây là nguồn thu quan trọng của chính phủ, đóng góp trên 10 tỷ USD vào ngân sách hằng năm. Muốn xóa bỏ thuế, chính phủ mới phải tìm kiếm nguồn thu thay thế nếu không muốn ngân sách bị thâm hụt, mà điều này không hề dễ dàng.

Ngoài ra, PH còn cam kết thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội khác, như cho phép tạm dừng đóng phí học đại học cho những người có thu nhập dưới 4.000 ringgit/tháng, tăng lương tối thiểu cho người lao động, trợ cấp giá xăng dầu... Tất cả đòi hỏi nguồn ngân sách lớn, là bài toán không dễ đối với chính phủ mới.

Đặc biệt, chính phủ của ông Mahathir sẽ phải nhanh chóng giải quyết bài toán liên quan đến chi phí sinh hoạt cho người dân. Đây là vấn đề khá nhức nhối hiện nay tại Malaysia và cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cử tri. Giá cả sinh hoạt tại Malaysia gần đây tăng lên, nhất là giá cả nhiên liệu và một số nhu yếu phẩm khác, như đường.

Về quan hệ đối ngoại, ông Mahathir cũng đặt mục tiêu cải thiện hình ảnh đất nước mà ông đánh giá là đã bị “sa sút” trong những năm gần đây.

Tờ News Straits Times dẫn lời ông Mahathir phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi nhậm chức tối 10/5 nhấn mạnh: “Cuối cùng chúng ta cũng đã có mặt tại đây. Tôi cũng đã tuyên thệ nhậm chức. Tôi muốn cảm ơn mọi người, những người đã ủng hộ tôi trong suốt chiến dịch tranh cử. Chưa có ai tại Malaysia được chứng kiến sự ủng hộ mạnh mẽ như vậy cho Liên minh Hy vọng”. “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể dành được 100 ghế tại Peninsular và một số ghế tại các khu vực Sabah và Sarawak. Để có thể thành lập chính phủ, chúng tôi phải thành lập liên minh”.

Tân Thủ tướng Malaysia cam kết sẽ thành lập một chính phủ tốt dựa trên Hiến pháp quốc gia. Các chính sách của ông sẽ nhằm hỗ trợ cho các doanh nhân: “Chúng tôi dự định xây dựng nền kinh tế Malaysia bằng sự trợ giúp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Tân Thủ tướng Mahathir khẳng định, tài chính và kinh tế sẽ được Chính phủ Malaysia đặc biệt quan tâm: “Chẳng có lý do gì để chúng ta hạ giá đồng ringgit. Chúng ta không thể liên tục định giá lại đồng tiền quốc gia nếu không muốn mất đi sức cạnh tranh. Chúng ta sẽ bảo đảm giá trị của đồng ringgit được giữ ở mức phù hợp”.

Ông Mahathir cho biết: “Chính phủ dự định sẽ xóa bỏ những luật lệ bất công”.

Với những tham vọng cải cách mạnh mẽ của tân Thủ tướng Mahathir, cử tri Malaysia đang kỳ vọng đất nước sẽ bước vào một kỷ nguyên mới với nhiều thay đổi đột phá như những gì ông đã làm trước đây.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/malaysia-tu-cuu-thanh-tan-va-ky-vong-doi-moi/336140.vgp