Maldives dựa vào Ấn Độ đối phó nợ Trung Quốc

Thiên đường du lịch Maldives đã lựa chọn Ấn Độ để vay tiền trả nợ cho Trung Quốc chứ không đánh đổi.

Tờ Nikkei của Nhật Bản mới đây dẫn nguồn tin Chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này sẽ cho Maldives vay 1 tỷ USD dưới hình thức vay lãi suất thấp để trả khoản nợ hơn 3 tỷ USD từ Bắc Kinh.

Đổi lại, Maldives phải cắt quan hệ hoặc tránh xa Trung Quốc, đồng thời tăng cường quan hệ an ninh song phương với Ấn Độ, bao gồm cả việc triển khai thường trực binh sĩ Ấn Độ tại Maldives.

Tân Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih tại lễ nhậm chức ngày 17/11. Ảnh: Reuters

Nguồn tin của Nikkei cho biết, hai nước dự kiến sẽ công bố chi tiết về khoản vay này trước chuyến thăm Ấn Độ của tân Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih vào tháng tới.

Trước đó, phái đoàn Maldives gồm Ngoại trưởng Abdulla Shahid, Bộ trưởng Tài chính Ibrahim Ameer và Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Fayaz Ismail đã thực hiện chuyến công du 2 ngày tới Ấn Độ.

Trong cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj, Ngoại trưởng Maldives nhắc lại chính sách đối ngoại "Ấn Độ trước tiên" và khẳng định rằng nước này sẽ luôn luôn thận trọng với những vấn đề về an ninh, chiến lược có thể khiến New Delhi lo ngại.

Đây sẽ là một tin tức đối ngoại quan trọng của Maldives thể hiện rõ quan điểm rời xa các khoản đầu tư mập mờ như "bẫy nợ" của Trung Quốc.

Sự "xoay trục" của Maldives sang Ấn Độ thay vì Trung Quốc của Tân Tổng thống nước này đã phần nào nâng cao vị trí đặc biệt quan trọng của New Delhi trong khu vực.

Trước sáng kiến "Vành đai- Con đường" của Bắc Kinh, Ấn Độ quan ngại mối quan hệ của Trung Quốc với Maldives.

Dưới thời Cựu Tổng thống Maldives Abdulla Yameen Abdul Gayoom, chính sách đối ngoại tập trung vào Trung Quốc.

Mối quan hệ Maldives - Trung Quốc cũng khiến Ấn Độ lo ngại. Năm ngoái, ông Yameen đã thúc giục Quốc hội thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc với những điều khoản đặc biệt liên quan tới "thành lập cơ sở quân sự và cung cấp nguyên liệu hạt nhân".

Các quan chức Ấn Độ khi đó cho rằng Bắc Kinh sẽ triển khai tàu ngầm hạt nhân.

Truyền thông Ấn Độ sau đó vài tháng rộ thông tin Trung Quốc xây dựng đài quan sát biển tại vùng đảo san hô phía bắc Makunudhoo - cách bờ biển Ấn Độ 400km, dọc theo đường vận tải biển giữa châu Á và Trung Đông - sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự.

Khi trở thành Tổng thống Maldives, ông Ibrahim Mohamed Solih với mong muốn hạ nhiệt căng thẳng đã cam kết với chính phủ Ấn Độ rằng sẽ xem xét lại hoạt động cho thuê đảo nói trên và những đảo liên quan khác.

Tân tổng thống Solih cũng cam kết sẽ điều tra xem liệu người tiền nhiệm Yameen và đội ngũ thân cận có trục lợi từ những hợp đồng nước ngoài hay không. Những chi phi "trên trời" của dự án với Trung Quốc đã khiến nhiều người nghi ngờ và cáo buộc ông Yameen tham nhũng.

Đội ngũ của ông Solih đang cố gắng để xác định liệu khoản nợ với Trung Quốc có thể tăng lên tới 3 tỉ USD hay không.

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Solih cho biết, ông sẽ cân nhắc mời FBI và những cơ quan tình báo Mỹ khác để giúp tìm lại những khoản tiền đã mất và hé lộ chi tiết các hợp đồng với Trung Quốc. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận "chính phủ Mỹ đã chuẩn bị để giúp đỡ Maldives".

Từ khi nhậm chức Tổng thống vào hôm 17/11, chính quyền ông Solih đã tập trung đánh giá lại những hợp đồng do người tiền nhiệm Abdulla Yameen ký kết. Phần lớn đều về tay các công ty Trung Quốc và đứng trước nguy cơ để lại cho đất nước những khoản nợ.

Sau cuộc bầu cử ngày 23/9, ông Solih đã gặp Đại sứ Trung Quốc và biết được rằng Maldives không chỉ nợ Trung Quốc 1,5 tỉ USD như được công bố rộng rãi, mà khoản nợ đã lên tới gần 3 tỉ USD.

Số tiền này còn nhiều hơn nguồn thu của chính phủ Maldives trong hai năm - một tín hiệu báo động về các khoản cho vay khổng lồ trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Bắc Kinh.

Dưới thời cựu Tổng thống Abdulla Yameen Abdul Gayoom, Maldives đã cho Bắc Kinh thuê một hòn đảo gần thủ đô với giá ưu đãi và mời các nhà thầu Trung Quốc tới xây dựng một cây cầu dài hơn 1,5 km, hàng nghìn căn hộ, một đường cao tốc mới, một trạm bơm nhiên liệu máy bay và nhà ga hành khách tại sân bay quốc tế.

Với số lượng công trình nói trên, hoạt động xây dựng đã xuất hiện nhiều và nhanh chưa từng thấy.

Cầu Sinamale xây từ tiền vay của Trung Quốc tại thủ đô Malé của Maldives - Ảnh: REUTERS

Nhưng theo những người trong cuộc, gần như tất cả các công trình đều được xây dựng dưới các điều khoản bí mật, không thông qua đấu thầu và với mức giá cao đến nỗi một số người không khỏi đặt ra nghi vấn về tình trạng tham nhũng.

Maldives có 1.192 đảo san hô và hầu hết đều không có người ở. Có khoảng 120 đảo được khai thác cho mục đích du lịch với hàng loạt những khách sạn cao cấp. Chính phủ Yameen đã thay đổi luật để cho phép các công ty du lịch thuê đảo, mở đường để biến những đảo không người ở trở thành khu nghỉ dưỡng mới.

Theo một quan chức, ít nhất 7 đảo đã được các công ty Trung Quốc thuê. Một hòn đảo gần thủ đô của Maldives đã được một nhà phát triển Trung Quốc sử dụng với mức giá 4 triệu USD cho 50 năm - thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Tám năm trước, Bắc Kinh không có đại sứ quán tại Maldives. Ngày nay, có tới 1/4 lượng khách du lịch Maldives là người Trung Quốc và 2/3 khoản nợ nước ngoài của Maldives là nợ Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn là điểm đến chính cho các mặt hàng xuất khẩu của Maldives, bên cạnh Ấn Độ.

Trước các cáo buộc này, Trung Quốc bác bỏ cáo buộc cho rằng nước này đang đẩy Maldives tới cảnh nợ nần và hy vọng chính quyền mới sẽ tiếp tục duy trì các chính sách thu hút đầu tư.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/maldives-dua-vao-an-do-doi-pho-no-trung-quoc-3370150/