Mâm cơm ngày 23 tháng Chạp

Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm tươm tất, tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc và là một tín ngưỡng dân gian của dân tộc đã được gìn giữ và lưu truyền từ bao đời nay.

Tương truyền, ông Công ông Táo là những người cai quản việc bếp núc trong mỗi gia đình. Vào ngày này, ông lên thiên đình để tấu với Ngọc Hoàng mọi việc diễn ra trong gia đình ông ngự. Đến đêm giao thừa, Táo quân trở lại trần gian, tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình. Để “vua bếp” phù hộ cho mình nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trang trọng. Theo dân gian, thời gian cúng ông Công ông Táo thường bắt đầu từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp.

Mâm cơm tiễn ông Công, ông Táo của người Hà Nội luôn có nét thanh tao, tinh tế rất đặc biệt. Các món ăn thường được các bà các mẹ tự tay soạn sửa từ sáng sớm. Theo phong tục, trên mâm thế nào cũng phải có món cá chép rán vàng ruộm. Gà luộc không được chặt, phải để nguyên con, da mượt căng, mỏ ngậm bông hồng đỏ tươi trông thật đẹp mắt.

Cũng có gia đình thay món gà luộc bằng miếng thịt nạc vai để nguyên miếng. Các bà, các mẹ thường làm xôi gấc vào dịp này. Đĩa xôi đỏ, hạt xôi căng mọng, dẻo mềm thơm hương nếp cái hoa vàng. Ngoài ra, mâm cỗ thường có thêm đĩa xào, đĩa nộm, giò lụa, nem rán, bát canh bóng thả hoặc canh măng khô, cơm trắng…

Dịp này các mẹ thường làm một ít chè kho hoặc chè con ong cúng ông Công ông Táo ngưỡng mong các ngài ngọt miệng tấu lên Ngọc Hoàng những điều dễ nghe về gia chủ. Trên mâm cơm cúng ông Công ông Táo, người Hà Nội xưa thường đặt 1 đĩa muối tinh để cầu mong mọi điều may mắn đến với gia đình trong năm mới.

Ảnh minh họa

Khi mâm cơm nóng hổi đã được bày lên tinh tươm, các gia đình bắt đầu soạn sửa lễ vật cúng Táo quân. Mâm lễ cúng Táo quân có thể đặt trên một cái bàn nhỏ, dưới ban thờ gia tiên hoặc ban thờ Táo quân trong bếp. Lễ thường có đầy đủ hoa tươi, quả ngọt, bánh kẹo, trầu cau, trà thuốc…

Nhưng đặc biệt phải có ba chiếc mũ táo quân, hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Cả ba bộ đồ đều được trang trí lóng lánh rất đẹp. Theo phong tục dân gian, để Táo quân có phương tiện về chầu trời, gia chủ nên sắm 3 con cá chép (hoặc cá vàng) còn sống thả trong chậu nước để cạnh mâm cỗ cúng. Nếu tìm mua được ba con màu đỏ, vàng, trắng là tốt nhất.

Đồ lễ đã xong, chủ nhà thắp 9 nén hương trang trọng lễ trước mâm cỗ. Khi hương cháy đến 2/3, các gia đình có thể mang vàng mã ra “hóa” và mang cá đi phóng sinh, tiễn ông Táo về trời. Việc phóng sinh cá mang ý nghĩa nhân văn của phong tục tiễn Táo quân về trời.

Tương truyền, ở Hà Nội, mỗi nơi thả cá phóng sinh đều mang ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, để cầu khoa bảng đỗ đạt, người dân đưa cá đến thả ở hồ Gươm hoặc hồ Văn trong Văn Miếu. Để buôn may bán đắt, các bà các mẹ thường mang cá lên thả mạn hồ Tây, hồ Trúc Bạch… Người Hà Nội xưa thường dặn con cháu không được cầm cả túi cá ném xuống hồ mà hai tay phải nâng cá trang trọng, thả từ tốn cho cá tự bơi đi, như vậy cá mới đủ sức vượt không gian, thời gian để đưa ông Táo lên chầu trời được hanh thông.

Mâm cơm ngày 23 tháng Chạp ngoài ý nghĩa tín ngưỡng dân gian còn là dịp để cả gia đình bên nhau, cùng điểm lại những giây phút thăng trầm trong năm vừa qua. Vậy nên, dẫu đi bao xa người Việt Nam cũng nhớ về mâm cơm ngày tiễn Táo quân về chầu Ngọc Hoàng…

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mam-com-ngay-23-thang-chap-134754.html