Mâm tiệc cuối tuần có điểm nhấn ở khai vị ba món

Cũng là mâm tiệc 5-6 món ăn nhưng hôm nay phần khai vị chiếm đến 3 món. Qua đó, mang đến cho thực khách nhiều sự lựa chọn món ăn bắt đầu bữa tiệc theo những phong cách khác nhau.

Cụ thể, nhóm ba món khai vị gồm chả giò hải sản tạo hình, gỏi gân bò và súp đông cô gà xé. Tiếp đến là món cá diêu hồng sốt chanh dây rồi đến lẩu cá lăng. Cuối cùng, vài quả nho mọng nước tráng miệng là kết thúc mâm tiệc đủ đầy dư vị.

Chả giò hải sản tạo hình: Chả giò là món ăn truyền thống Việt Nam, có nhiều cách chế biến từ việc chọn vỏ bánh cho đến nhân cuốn. Vỏ bánh có những dạng như vỏ bánh pía, vỏ bánh tráng hay vỏ bánh rế. Nhân truyền thống gồm thịt bằm, mộc nhĩ hay đa dạng hơn là nhân hải sản giới thiệu trưa nay. Đặc biệt, thay vì cuốn tròn, người nấu sáng tạo vỏ bánh cuốn thành hình tam giác lạ mắt. Cuối cùng, đem chúng chiên giòn, để ráo dầu là món ăn hoàn tất. Sốt chấm kèm: mayonnaise, tương ớt, tương cà chua.

Gỏi gân bò: Sau chút béo bùi của chả giò hải sản, thực khách trải nghiệm tiếp món ăn mang vị chua nhẹ – gỏi gân bò. Gân bò gồm hai loại: gân trong hoặc gân thịt, gân nào cũng đều thơm ngon và phù hợp trộn gỏi. Một số loại rau trong món ăn này là ngò rí, hành tây, củ hành, rau muống bào; sốt là sốt dầu dấm.

Súp đông cô gà xé: Đến món khai vị cuối cùng cần đáp ứng yếu tố nhẹ bụng, dễ tiêu hóa để bắt đầu vào món chính. Theo đó, súp đông cô gà xé đáp ứng yêu cầu này khi có sự đa dạng hỗn hợp thịt gà xé, bắp, nấm đông cô… được nấu dạng nước lỏng kiểu súp. Món ăn ngon khi còn độ nóng nên mọi người cần thưởng thức ngay khi vừa dọn lên.

Cá diêu hồng sốt chanh dây: Cá diêu hồng chiên giòn là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình, nhưng nay biến tấu cùng sốt chanh dây. Cá chọn con vừa phải, sơ chế và dùng dao khía đều mặt thịt cá cho thấm gia vị, lớp vỏ giòn rụm thơm mùi ớt bột, trong khi thịt cá bên trong vẫn mềm quyện sốt chanh dây giúp làm dậy hương vị đặc biệt món ăn.

Lẩu cá lăng: Cuối cùng là nồi lẩu cá lăng với từng thớ thịt săn chắc, nước dùng chua chua, ngọt ngọt. Để làm món ăn này, người nấu chọn cá lăng tươi sống đem sơ chế rồi cắt thành khoanh. Trong thời gian đợi thịt thấm gia vị ướp, họ nấu nồi nước dùng từ măng chua, cà chua, sả và sa tế cho ai ăn cay. Không chỉ quan trọng thịt cá hay nước lẩu, rau cũng là điểm thu hút người ăn, bổ sung chất xơ và giúp chống ngấy. Có thể kể qua một số loại rau như đọt rau muống, hoa chuối, bạc hà… đem sơ chế. Cuối cùng, mọi người chọn sợi bánh ăn kèm như bún, mì vàng, mì gói, hủ tiếu tùy thích.

Sau dư vị bữa tiệc, mọi người nhớ thưởng thức vài quả nho mọng nước vừa giúp tẩy vị đồ ăn vừa mang đến sự thanh ngọt sau dùng bữa.

Theo Cooky, Monngonmoingay, Amthucviet, Shopee Food

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/mam-tiec-cuoi-tuan-co-diem-nhan-o-khai-vi-ba-mon/