'Mầm xanh' vươn mình trong nắng gió

Có lẽ khi lựa chọn vùng đất bên dòng sông Ia Lốp, nơi vốn được xem là khắc nghiệt nhất trên tuyến biên giới của tỉnh Gia Lai để xây dựng điểm mô hình tăng gia sản xuất, những người lính Biên phòng đã nhìn thấy rõ những thử thách to lớn cần phải vượt qua. Chắc chắn là như vậy, bởi nếu không 'định lượng' được sức người so với 'sức' thiên nhiên thì không ai lại tìm đến khu vực đã từng 'xóa sổ' một dự án quy mô có cái tên cũng rất hoành tráng: 'Làng thanh niên lập nghiệp Ia Mơ' để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Thực tế đã khẳng định, lựa chọn này là hoàn toàn đúng, khi 'mầm xanh' đã vươn mình trong nắng gió...

Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai tổ chức cho các đơn vị tham quan mô hình tăng gia sản xuất ở Đồn Biên phòng Ia Lốp. Ảnh: Thái Kim Nga

Từ “món đặc sản” Nam Chư Pông...

Xét về mặt thời tiết, khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng và cả nguồn nước tưới tiêu thì cả tuyến biên giới của tỉnh Gia Lai không có nơi nào thuận lợi cho công tác tăng gia sản xuất. Tùy vào từng mùa, có những cái khó, cái khổ riêng, nhưng chung quy lại là nắng lên là hạn, mưa xuống là ngập. Với riêng vùng đất nằm phía Nam dãy Chư Pông, sự khắc nghiệt luôn là “món đặc sản” bào mòn sức lính. Tôi nhớ, ngày xưa khi những cánh rừng đầu nguồn biên giới vẫn còn ngút ngàn màu xanh, ấy vậy mà cứ mùa khô về là Nam Chư Pông tựa như một lò lửa, nóng đến... “thở ra khói”. Ngày hôm nay, màu xanh ấy đã trở thành hoài niệm để nhường đất trồng cây cao su (còn èo uột hơn cả những cánh rừng nghèo) thì sức nóng càng được nhân lên bội phần. Sự khắc nghiệt của tự nhiên dường như đã làm chai lỳ sức chịu đựng của con người. Thế nên, mỗi khi nhắc đến nắng, gió Chư Pông, ai cũng cho rằng đó là “món đặc sản” không thể thiếu trong “thực đơn” mỗi ngày của lính Biên phòng.

Nắng mưa thất thường, mà điều kiện thổ nhưỡng Nam Chư Pông cũng chẳng thuận. Dưới lớp cát pha mùn, nếu không phải là dải đá bàn trải rộng thì chắc chắn đó là “quần thể” đất sét trơ gan gà, không nhiều loại rễ cây có thể đâm xuyên qua được. Bằng chứng là cây cao su, sau vài năm đầu phát triển bình thường là bước vào thời kỳ suy thoái cục bộ, “rủ nhau” còi cọc, èo uột qua ngày.

Nói ra để thấy, mảnh đất bên dòng sông Ia Lốp chưa bao giờ là nơi lý tưởng để phát triển trồng trọt và chăn nuôi, nên suốt một thời gian dài, những người lính Biên phòng nơi đây vẫn phải thực hiện cuộc chạy maraton vượt khó theo kiểu “rau xanh chưa lớn đã già, heo gà chưa nuôi đã dịch”. Năm nào cũng vậy, hiệu quả tăng gia sản xuất của Đồn Biên phòng Ia Lốp đều ở mức thấp, thậm chí khi triển khai mô hình cao su tiểu điền, quỹ vốn của đơn vị luôn nằm ở con số âm. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mặc dù đã nỗ lực vượt khó, nhưng vẫn chưa khắc chế được “món đặc sản” Nam Chư Pông.

...Đến “chiếc chìa khóa” của người Đồn trưởng

Tháng 9-2016, Trung tá Lê Quốc Tiến (hiện là Phó Tham mưu trưởng BĐBP Gia Lai) được bổ nhiệm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Lốp, với niềm tin rất lớn về một “cuộc cải cách” trong công tác tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị mà Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh dành cho anh. Ai cũng biết, muốn xây dựng đơn vị xanh - sạch - đẹp, phát triển tăng gia sản xuất hiệu quả, bền vững thì phải có vốn đầu tư, song nhiều khi có tiền cũng chưa chắc đã làm được. Vùng đất Nam Chư Pông đã từng lấy đi rất nhiều tiền của các nhà đầu tư vì “thất bại toàn tập” từ dự án chuyển đổi rừng nghèo để trồng cao su. Hay xa hơn chút nữa là dự án “Làng thanh niên lập nghiệp Ia Mơ”, đầu tư lớn, quy mô chưa đến trăm hộ gia đình mà vẫn trở về con số không. Nói ra để thấy, vốn đầu tư xây dựng là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, người Đồn trưởng trẻ tuổi này phải có “chiếc chìa khóa” để mở ra những nút thắt, tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.

Trước khi được Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai lựa chọn xây dựng điểm công tác tăng gia sản xuất (nghĩa là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của trên), Đồn trưởng Lê Quốc Tiến cùng với cấp ủy, chỉ huy đơn vị bàn bạc, thống nhất phương án “làm nền” để phát triển tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị. “Cái nền” được tạo ra ở đây là điều chỉnh quy hoạch các khu vực tăng gia sản xuất từ đồn đến các trạm, chốt và xây dựng, nâng cấp một số công trình. Rất nhiều hạng mục cần đến tiền, nhưng vốn không có thì phải tận dụng nguồn vật liệu tại chỗ.

Sau hơn 1 năm huy động sức lính gom nhặt cát, đá dọc sông Ia Lốp, bóc tách thay thế lớp đất sét pha cát ở vườn tăng gia bằng đất phù sa màu mỡ, cải tạo đường nội bộ, nạo vét, kè chắn bờ ao, sửa chữa nền móng chuồng trại..., cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp đã làm nên vườn rau xanh, khu chăn nuôi tập trung với tổng diện tích hàng chục ngàn mét vuông. Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống biển, bảng, cây xanh, cây ăn quả và một số công trình phục vụ huấn luyện, thể dục thể thao trong khuôn viên đồn Biên phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng đơn vị xanh - sạch - đẹp.

Từ lòng quyết tâm và đôi bàn tay trắng của mình, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp đã xây dựng được chuỗi công trình hạ tầng kiên cố, hiện đại, từng bước hình thành nên một “ốc đảo xanh” giữa miền biên khô khát, đủ sức khắc chế mọi sự tác động tiêu cực của tự nhiên. “Chiếc chìa khóa” mở nút thắt cho công tác tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị được hình thành từ đây, hàm chứa biết bao trăn trở, quyết tâm của người chỉ huy và mồ hôi công sức của bộ đội.

Trung tá Lê Quốc Tiến chia sẻ: “Nguồn kinh phí của đơn vị lúc bấy giờ eo hẹp, nên phải tận dụng hết nội lực của đơn vị để giảm chi phí. Bởi, nếu cái gì cũng đi mua, đi thuê thì chúng tôi không đủ sức để làm. Ví như chuyện xây dựng công trình chuồng trại chăn nuôi, đường nội bộ, tường rào vườn tăng gia, đơn vị chỉ mua xi măng, sắt thép, phần còn lại đều tự thân vận động. Đôi khi khó khăn cũng tác động đến ý chí, nhưng chúng tôi không nản lòng, quyết tâm về đích đến cùng...”.

Đầu năm 2018, sau khi quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ trồng trọt và chăn nuôi, Đồn Biên phòng Ia Lốp được Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai chọn làm đơn vị điểm xây dựng mô hình tăng gia sản xuất.

Đúng như sự kỳ vọng của cấp trên, nguồn thu từ tăng gia sản xuất của Đồn Biên phòng Ia Lốp đã vượt ngưỡng 246 triệu đồng, với hệ thống 5 vườn, 3 giàn được phun tưới tự động và khu chăn nuôi tập trung theo kiểu “bán tự nhiên”. Rau xanh, củ quả từ chỗ thiếu hụt, giờ đã thoải mái dùng. Đàn gia súc, gia cầm không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, giúp Đồn Biên phòng Ia Lốp giải quyết dứt điểm bài toán bảo đảm hậu cần tại chỗ. Với kỳ tích vượt khó này, Đồn Biên phòng Ia Lốp xứng đáng là một trong những đơn vị điển hình xuất sắc trong công tác tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị.

Và quyết tâm của Chỉ huy trưởng

Ngay sau Đại hội thi đua Quyết thắng giai đoạn 2013-2018, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai đã tổ chức cho tất cả các đơn vị trực thuộc lên Đồn Biên phòng Ia Lốp tham quan, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm xung quanh công tác tăng gia sản xuất và xây dựng đơn vị. Đại tá Vũ Trung Kiên, Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai cho biết: Hầu hết các đơn vị đã làm tốt công tác tăng gia sản xuất, bảo đảm hậu cần tại chỗ. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong lao động sản xuất và chất lượng cuộc sống cho bộ đội thì cần phải tiếp tục đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Mô hình điểm ở Đồn Biên phòng Ia Lốp là quyết tâm của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, là sự nỗ lực vượt khó của mỗi người lính Biên phòng trên vùng biên khắc nghiệt này.

Đại tá Vũ Trung Kiên khẳng định: “Sự thành công trong xây dựng điểm mô hình tăng gia sản xuất ở Đồn Biên phòng Ia Lốp cho thấy, không điều gì là không thể, nếu chúng ta có tầm nhìn và lòng quyết tâm cao. Những gì Đồn Biên phòng Ia Lốp đã làm được thì các đơn vị khác phải làm tốt hơn. Bộ Chỉ huy sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống mọi mặt cho bộ đội...”.

Theo quan điểm của Chỉ huy trưởng Vũ Trung Kiên, căn cứ vào điều kiện thực tế của từng đơn vị để triển khai kế hoạch tăng gia sản xuất sao cho phù hợp và hiệu quả, nhưng cái cần học hỏi nhất là ý thức trách nhiệm, sự nỗ lực vượt khó của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lốp.

Với quyết tâm cao của Chỉ huy trưởng và “chiếc chìa khóa” vạn năng của Đồn trưởng, công tác tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị ở BĐBP Gia Lai chắc chắn sẽ lại có được những mùa bội thu. Bởi, có như vậy thì “mầm xanh” mới vươn mình trong nắng gió và đồn Biên phòng mãi mãi là “ốc đảo” trù phú giữa vùng biên đầy khắc nghiệt này.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mam-xanh-vuon-minh-trong-nang-gio/