Màn chào sân ấn tượng với 'Dự án cháy chợ'

Với tiểu thuyết 'Dự án cháy chợ', có thể nói tác giả 9X Trần Đạt Bạch Dương đã có màn chào sân ấn tượng với văn chương. Anh cho người đọc chờ đợi và hy vọng vào những tác phẩm sau.

 Tác giả Trần Đạt Bạch Dương (ngoài cùng bên trái) tại chương trình.

Tác giả Trần Đạt Bạch Dương (ngoài cùng bên trái) tại chương trình.

Ngày 7/5, tại TP.HCM, tác giả trẻ Trần Đạt Bạch Dương đã có buổi giao lưu và trò chuyện với bạn đọc nhân dịp ra mắt tiểu thuyết Dự án cháy chợ. Đây là tác phẩm đầu tiên được xuất bản của anh, nhưng thực tế là tác phẩm thứ hai do anh sáng tác.

Tác phẩm đầu tiên được Trần Đạt Bạch Dương xem như một cuộc làm quen và thử sức với văn chương. Anh không có ý định xuất bản tác phẩm này, mà chỉ xem đó như một kỷ niệm đầu tiên trên bước đường đến với văn chương.

Sinh năm 1996 tại Gia Lai, hiện làm việc tại một công ty dịch vụ digital marketing ở TP.HCM, Trần Đạt Bạch Dương chưa từng nghĩ mình có duyên với nghiệp viết lách. Đến đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, kéo theo những tác động nhất định đối với tác giả: thất nghiệp, anh gần như bị rơi vào cơn khủng hoảng tinh thần vào thời điểm đó. Từ năm 25 tuổi, Trần Đạt Bạch Dương có hứng thú đọc tiểu thuyết. Anh đọc nhiều, nhiều ý tưởng thi nhau lóe lên, thôi thúc anh sáng tác.

Khác với nhiều tác giả trẻ lựa chọn tình yêu, các đề tài nhẹ nhàng hoặc gây sốc nhằm sớm được chú ý, ngay ở tác phẩm đầu tay, Trần Đạt Bạch Dương lại viết về những thân phận nhỏ bé trong xã hội với cuộc sống lao động đầy gian truân và nguy hiểm. Hơn 300 trang viết của tiểu thuyết Dự án cháy chợ thấm đẫm tâm sự của chính tác giả về “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” trong xã hội, về những kiếp nhân sinh nhỏ bé trong cơn lốc xoáy dữ dội của thời cuộc.

Đặc biệt, dù là tay ngang nhưng Dự án cháy chợ cho thấy một ý thức rõ rệt về tiểu thuyết của Trần Đạt Bạch Dương. Anh phá bỏ lối kể chuyện truyền thống, để tìm kiếm và thực hành kỹ thuật viết tiểu thuyết độc đáo: truyện lồng trong truyện.

Tiểu thuyết Dự án cháy chợ có bối cảnh là một khu chợ tự phát ở quận 8.

Tuyến truyện thứ nhất là về Kiên và Vũ, họ là những người bạn, cùng sống nhờ nghề bảo kê và thu nợ tại một khu chợ tự phát ở quận 8 (TP.HCM). Cuộc sống của họ không êm đẹp và đầy khuyết điểm, nhưng chứa đựng sự yêu thương và trách nhiệm của một gia đình. Vì vậy, họ buộc phải tìm cách bảo vệ gia đình mình khi bị những biến chuyển của thượng tầng dồn ép vào đường cùng.

Tuyến truyện thứ hai là về Đạt, một nhân vật đang ấp ủ ước mơ viết nên những tác phẩm văn chương cho mình. Đạt luôn cảm thấy cô đơn, cao ngạo về tư chất của mình cũng như không gìn giữ những giá trị đáng có của tình thân. Trong khi tìm hiểu về một bản thảo có tên Cháy chợ, Đạt vô tình được tiếp xúc với Vũ và hiểu về thế giới của những người dưới cùng của xã hội. Thêm vào đó, nhận được lời mời của Vũ, Đạt từ từ nhúng mình vào những góc khuất cuộc sống trước giờ anh chưa từng trải qua.

Qua những trang viết, độc giả sẽ nhìn thấy được một mảng cuộc sống của mình trong câu chuyện: Cô đơn nằm giữa núi rừng nghĩ về tình cảm cá nhân, bế tắc trong công việc hay không thể chia sẻ với người mẹ mà mình luôn-rất-muốn hòa thuận… Hay hành trình trải nghiệm của một người trẻ trước những vấp ngã đầu tiên, lạc lõng và không biết mình muốn gì.

Theo chia sẻ của tác giả Trần Đạt Bạch Dương, hiện tại, anh đang bắt tay hoàn thiện tác phẩm thứ hai. Ở tác phẩm đầu tiên, anh chỉ dám tự nhận mình là “Tập làm văn”, nhưng sau khi tiểu thuyết Dự án cháy chợ ra đời, nhận được sự đón nhận tích cực từ bạn đọc, thì ước mơ lớn của anh bây giờ là trở thành nhà văn.

Quỳnh Yên/Sài Gòn Giải Phóng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/man-chao-san-an-tuong-voi-du-an-chay-cho-post1429097.html