Man City của Pep Guardiola đầy lo ngại

Trận Man City gặp Leicester City đã bổ sung thêm phần kịch tính cho vòng 3 Premier League 2020/21.

Không ai tin Man City có thể sụp đổ như thế. Và trận thua 2-5 trước Leicester bộc lộ ra những điểm đáng lo ngại thực sự cho huấn luyện viên (HLV) Pep Guardiola trong cuộc đua Premier League ngày càng khắc nghiệt hơn này.

Có phải Pep Guardiola đã lạc hậu?

Trong thảo luận xoay quanh trận thua của Man City, BBC đã đặt ra câu hỏi: “Bạn cần băn khoăn xem liệu lối chơi của Pep có lạc hậu?”.

Câu hỏi này vốn dĩ bắt nguồn từ ý kiến của khán giả với quan điểm so sánh Pep với Arsene Wenger ngày xưa ở điểm “không sẵn sàng thỏa hiệp với thời cuộc”. Tất nhiên, đó chỉ là quan điểm cá nhân, và đưa nó thành chủ đề thì nâng quan điểm quá.

Tuy nhiên, nhận xét về tính không thỏa hiệp là chính xác. Pep kiên trì với triết lý của mình, và ông không thỏa hiệp để thay đổi theo xu hướng chung hiện nay khi lối chơi phản công đang lên ngôi.

Song, cái không thỏa hiệp của Pep không phải là bảo thủ. Pep khác Wenger ở chỗ, dù kiên trì với triết lý của mình, nhưng ông luôn làm mới mình mỗi ngày để lối chơi của đội bóng phải được cập nhật nhất.

Pep chưa bao giờ lạc hậu. Đó là một khẳng định.

Tuy nhiên, khó khăn của ông nằm ở chỗ ông luôn là một nấc thang thách thức để các đối thủ phải nghiên cứu kỹ. Khi ông bị “đọc vị”, chắc chắn ông phải gặp thất bại.

Không HLV nào chưa thất bại bao giờ. Và chúng ta nên nhớ Leicester City thắng Man City không có nghĩa đội bóng nào ở Premier League cũng làm được như họ.

“Chúng tôi đã quá bối rối”, đó là câu trả lời của Pep, “khi không tạo ra được cơ hội, thì cầu thủ của tôi cảm thấy áp lực”.

Ông nói rất đúng. Leicester City đã chọn lối chơi cực phù hợp để đối phó với Man City và tạo ra sức ép dẫn tới bối rối ấy. Đấu pháp đúng, biết kiên nhẫn và có những con người phù hợp, Leicester thắng là phải.

 Man City bất ngờ thua Leicester với tỷ số 2-5 hôm 27/9. Ảnh: Getty.

Man City bất ngờ thua Leicester với tỷ số 2-5 hôm 27/9. Ảnh: Getty.

Leicester chơi rất thấp để chủ trương phản công nhanh. Mỗi khi Man City có bóng, đúng là họ không thể tìm được đường vào vòng cấm của Leicester khi Brendan Rodgers đã giăng 2 lớp phòng ngự bao bọc trước mặt thành.

Với hàng thủ 5 người và phía trên là 4 cầu thủ lui về hỗ trợ, Leicester City tạo rất tốt các khối ngăn chặn phương án triển khai bóng của Man City. Thậm chí, ngay cả mũi nhọn Jamie Vardy cũng lui về sân nhà hỗ trợ bởi Rodgers hiểu, tốc độ của Vardy tốt hơn bất kỳ ai bên hàng thủ Man City nên khi phản công, Vardy sẽ có lợi với khoảng không gian tăng tốc đủ lớn.

Hai hành lang trong của Leicester City là điểm luôn được khóa chặt chẽ nhất vì Rodgers biết Pep luôn muốn đội bóng của mình khai thác mạnh mẽ khu vực này. Có thể nói, Rodgers đã đọc rất kỹ Pep Guardiola để có thể xây dựng đấu pháp hợp lý như thế.

Và việc Rodgers đọc được Pep cũng có lý do của nó. Chính Rodgers là người tôn thờ lối chơi kiểm soát bóng của trường phái Cruyff mà Pep là điển hình tiêu biểu.

Chưa bao giờ Pep thất bại nặng nề như thế trong sự nghiệp huấn luyện của mình. Và thất bại nặng nề thì khiến người ta nhớ lâu.

Trong cái rủi sẽ có cái “hay”. Cái hay của trận thua này là Pep nhìn được các điểm yếu trong lối chơi của mình. Và một khi Pep đã nghiên cứu, chắc chắn ông sẽ trình làng lối chơi mới, tiến hóa hơn trong thời gian ngắn thôi.

Hãy đợi Pep, và ta sẽ thấy thú vị. Pep chưa bao giờ lạc hậu bởi vận động trí não với ông là “môn thể dục” thường ngày rồi.

Hàng thủ “nghiệp dư”

Hàng thủ 4 người của Pep đã trình diễn màn “nghiệp dư” đúng nghĩa trong thất bại đáng nhớ ấy. Ba quả phạt đền là hậu quả của 2 hậu vệ biên và một trung vệ cho phép chúng ta dùng hai chữ “nghiệp dư” cho những người chuyên nghiệp đang lĩnh lương hàng chục triệu bảng.

Tuy nhiên, trong cái dở của hàng thủ Pep Guardiola, chúng ta phải hiểu Leicester đã khai thác theo cách nào? Câu trả lời khá lý thú.

Pep thua vì Pep. Đó là câu trả lời.

Nếu nói không ngoa, Rodgers là người học theo Pep rất nhiều. Kể từ khi xuất hiện ở Swansea, Rodgers đã được báo chí Anh nhận xét là “người xây dựng lối tiki-taka kiểu Anh”.

Như đã nói ở đoạn trên, Pep coi trọng 2 hành lang trong và chính Rodgers đã khai thác tốt cái hành lang trong ấy để tiêu diệt hàng thủ Man City.

Nhận bàn thua sớm, nhưng Brendan Rodgers cũng nhìn thấy tử huyệt của Man City. Đó chính là sự thiếu ăn ý giữa tân binh Nathan Ake và Benjamin Mendy.

Bàn thắng đẹp của Leicester City để nâng tỷ số lên 2-1 chính là lần đầu tiên họ khai thác tốt khe hở giữa Ake và Mendy. Cú tỉa đẹp của Tielemans cho Castagne băng xuống đã khiến cả Ake lẫn Mendy bất ngờ.

Hai cầu thủ ấy không ngờ sau lưng mình chẳng được bọc lót. Nếu có đối tác ăn ý hơn, chắc chắn họ đã khóa được khoảng trống ấy rồi.

Và cái khe hở đó tiếp tục bị khai thác lần thứ 2, khi James Madison bị Mendy phạm lỗi dẫn tới quả penalty cuối cùng. Cũng là cú tỉa của Tielemans, cú chọc thẳng vào khe giữa hậu vệ biên và trung vệ.

Và Tielemans cho thấy anh ta mới là tiền vệ chơi hay nhất ở 3 vòng đấu đầu Premier League chứ không phải những ngôi sao to ở các đội bóng lớn.

Hai pha phạt đền còn lại (do lỗi Walker và Garcia) cũng đều do Man City bị khoét vào hành lang trong giữa khe hậu vệ biên và trung vệ. Và lỗi không chỉ đến từ các hậu vệ của Pep đơn thuần.

Nhiệm vụ bịt hành lang trong khi đội hình lùi sâu về sân nhà thuộc về cả các tiền vệ trung tâm và nói không ngoa, cả Rodri lẫn Fernandinho đã có trận “mất tích” trên sân hoàn toàn.

Và thực tế, kể từ khi Kompany rời Etihad, hàng thủ Man City bắt đầu nảy sinh vấn đề. Trong tay Pep, các trung vệ đều là những hảo thủ cả, nhưng không một ai cho thấy họ có tố chất thủ lĩnh thực sự.

Không những thế, vấn nạn chấn thương đã khiến Pep chưa tài nào xây dựng được cặp trung vệ hoàn chỉnh với thời gian chơi cặp bên nhau đủ lâu để tạo sự ăn ý. Bởi vậy, khi hàng thủ có vấn đề, hàng công chắc chắn không an tâm thi đấu.

Và như cái vòng luẩn quẩn, khi hàng công không tận dụng tốt các cơ hội bởi sự vội vàng, bất an của mình, hàng thủ lại lóng ngóng hơn trước các áp lực.

Nhiều người nói đến chuyện mua sắm để cải thiện hàng thủ. Nói thì dễ, làm thực ra rất khó. Mua ai? Ai bán? Đó đã là vấn đề lớn rồi.

Vấn đề còn lớn hơn nữa là mua rồi thì xả kho bớt các trung vệ hàng tồn như thế nào? Nên nhớ, Man City mới thoát án của UEFA cách đây vài tháng, chứ không có nghĩa là họ an toàn với Luật công bằng tài chính.

Có tiền để tiêu là một chuyện, tiêu tiền khôn ngoan lại là chuyện khác.

Giải pháp cho Pep về hàng thủ bây giờ có lẽ chỉ còn là thời gian. Đua với thời gian để hoàn thiện nó với những nhân tố có sẵn mới là bài toán của Pep chứ không phải bài toán là đi săn người mới trên thị trường.

Man City chưa cho thấy được sự ổn định. Ảnh: Getty.

Hậu phương đáng ngờ

Vấn đề nổi bật nhất của thất bại vừa rồi ở Man City chính là lực lượng dự bị có chất lượng quá xa so với lực lượng chính thức. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là Leicester City đã thắng Man City hạng B, chứ không phải một Man City hoàn hảo.

Dùng đội hình thiếu Aguero, Laporte, Guendogan, Bernando Silva và Gabriel Jesus, Man City thua là chuyện bình thường. Tuy nhiên, thua tới 2-5 thì đáng phải lo ngại lắm về chiều sâu mà Pep có trong tay.

Sự chênh lệch giữa đội hình chính và đội hình dự bị của Man City là quá rõ. Cái cách mà hàng tiền vệ tê liệt; cái cách mà các cầu thủ mất hoàn toàn sức sáng tạo; cái cách phối hợp thiếu ăn ý và cả cái cách toàn bộ đội bóng ứng phó khi De Bruyne bị khóa chặt đã cho thấy Man City không có phương án nào khi khủng hoảng lực lượng chính.

Như vậy, khả năng đi xa của họ là như thế nào ở mùa giải kéo dài với những mặt trận quan trọng cần dàn trải?

Tuy nhiên, ngay cả những cầu thủ được coi là chính thức của mình, Pep cũng đang gặp phải vấn đề. Đó là vấn đề dai dẳng, và nó khó như cái cách ông đọc tên vấn đề ấy vậy.

Ấy chính là Raheem Sterling. Người ta gọi thân mật Sterling là “Raz”, còn Pep luôn khó khăn khi phát âm chữ ấy. Ông vẫn gọi chệch Sterling là “Rash”. Thật xui xẻo, cái từ “rash” trong tiếng Anh lại có một nghĩa là “tính hấp tấp”.

Cả Bergiristain lẫn Pep đều đánh giá cao tiềm năng của Sterling. Pep nhận định thói quen chơi bóng của Sterling luôn là chạy cắt từ biên vào trung lộ, lối chạy dễ nhận được các đường chọc khe. Và Pep đã muốn cải thiện Sterling, việc ông đã và vẫn làm suốt 4 năm nay.

Ông và Bergiristain đều hiểu nếu Sterling cải thiện được, anh ta sẽ trở thành đẳng cấp thế giới.

“Tôi muốn cậu ấy chơi gần vòng cấm hơn, thâm nhập nhiều hơn, đe dọa khung thành nhiều hơn và là tay săn bàn chủ lực kiểu như trận nào cũng có thể ghi bàn cho đội”. Đó chính là nhận xét của Pep dành cho Sterling. Tuy nhiên, Sterling có điểm yếu mà có lẽ không thể khắc phục nổi vì năm nay anh ta đã 25 tuổi rồi.

“Cậu ấy luôn sợ khung thành. Cậu ấy không có sự tự tin. Tôi muốn cậu ấy phải xóa bỏ nỗi sợ ấy đi, phải tin vào chính mình với niềm tin mình là cầu thủ xuất sắc”, Pep cho biết.

Tuy nhiên, Sterling không có thứ niềm tin ấy. Sterling dường như chẳng tin vững chắc vào điều gì. Đó là lý do số bàn thắng đáng nhớ của Sterling thì ít, mà số bỏ lỡ ngờ nghệch của Sterling thì đầy.

Pep muốn Sterling phải như một “Messi của Man City” (tất nhiên không phải là so sánh khập khiễng kiểu Sterling đủ tầm ở mâm của Messi) vì đó là cầu thủ Anh mang tính biểu tượng của Man City. Tuy nhiên, sự kiên trì này không được đền đáp.

Nếu Sterling là mẫu cầu thủ có thể “thay đổi cuộc chơi” (game changer), De Bruyne đã không bế tắc như thế ở trận thua Leicester City vừa rồi.

Sức sáng tạo của Man City dựa hoàn toàn vào De Bruyne, nhạc trưởng thực thụ. Tuy nhiên, nhạc trưởng giỏi mấy cũng loay hoay thôi nếu nhạc công không làm tốt việc của mình.

Xoay quanh De Buyne nếu là Sane, David Silva, Bernando Silva, Aguero, Man City lấp lánh ngay. Tuy nhiên, phục vụ nhạc công phập phù như Sterling thì khổ cho De Bruyne quá.

Thực tế, so sánh với các cầu thủ dự bị hạng sang của Man City như Mahrez hôm nay và Sane trước kia, Sterling lẽ ra nên là dự bị cho họ mới phải.

Vấn đề của Man City là rất nhiều và rất lớn. May cho Pep là nó bộc lộ sớm ở trận thua vừa rồi để ông còn có thời gian nhận ra và giải quyết. Và nếu không giải quyết rốt ráo, khả năng Man City nhường sân khấu cho Liverpool độc diễn là lớn.

Đơn giản, Liverpool có thể chưa hoàn thiện, nhưng họ không có những vấn đề nan giải ở những chỗ mà Man City đang “tắc đường”.

HLV Guardiola giải thích sơ đồ 3 hậu vệ của Man City HLV Pep Guardiola giải thích việc sử dụng đội hình 3 hậu vệ của Manchester City trong trận thua 1-3 trước Lyon ở tứ kết Champions League.

Hà Quang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/man-city-cua-pep-guardiola-day-lo-ngai-post1135885.html