Man City đá 'không tiền đạo' thế nào?

Tại sao cứ phải là Sergio Aguero hay Gabriel Jesus? Rút cuộc thì Pep Guardiola đã thành công với cách chơi không cần trung phong, toàn thắng ở cả 3 giải quốc nội trong thời gian gần đây.

Man City đang khủng hoảng tiền đạo.

Man City đang khủng hoảng tiền đạo.

Điều đáng lưu ý nhất không phải là kết quả, cho dù những kết quả ấy cũng đã là quan trọng rồi, xét trên hoàn cảnh Man City thường xuyên mất cả Gabriel Jesus lẫn Sergio Aguero.

Trên bề mặt, người ta chỉ biết Jesus vắng bóng vì Covid-19 trong khi Aguero vẫn chưa hoàn toàn rũ bỏ chấn thương. Còn trên thực tế, Jesus đã nhiều lần tỏ ra là một trung phong tầm thường (đội tuyển Brazil vẫn thi thoảng cho Jesus ra sân, nhưng dứt khoát không để anh đá trung phong từ lâu nay rồi - đấy là bài học nhớ đời từ thất bại ở World Cup 2018). Thế còn Aguero? Dĩ nhiên lão tướng này không thể trụ mãi ở đỉnh cao phong độ.

Nói vậy để thấy, có khi việc mất cả Jesus lẫn Aguero chỉ là khó khăn “ngụy tạo”. Không ai cấm Pep Guardiola “tung hỏa mù”. Nhưng việc ông cứ phát biểu trước mỗi trận đấu rằng Aguero sẽ trở lại đội hình chính, từ lâu đã trở nên nhàm chán. Hoàn cảnh thật sự của Aguero và Jesus ra sao, tóm lại là không đáng quan tâm nữa. Man City chơi như thế nào để ghi bàn - đấy mới là điều quan trọng. Trong 3 mùa bóng gần đây (tính luôn mùa này), có 8 lần Man City vắng cả Aguero lẫn Jesus ở Premier League. Họ thua trong cả 3 trận đầu tiên, hòa trận kế tiếp, và thắng cả 4 trận gần đây. Thế là đủ để kết luận, về một thay đổi lớn.

Ban đầu, Guardiola dùng Ferran Torres, khi thiếu cả Jesus lẫn Aguero. Vị trí sở trường của Torres là tiền vệ cánh, nhưng anh còn có thể đá trung phong - có nghĩa đấy vẫn là trung phong “thật”. Còn trong 3 trận gần đây, Guardiola lần lượt bố trí các bộ 3 chơi cao nhất trong đội hình (tính từ phải sang) là Raheem Sterling - Kevin de Bruyne - Phil Foden (gặp Chelsea); Sterling - Riyad Mahrez - Foden (gặp M.U); Mahrez - Foden - Gabriel Jesus (gặp Birmingham).

Lần lượt, De Bruyne, Mahrez, Foden chơi ở giữa hàng công, và tất nhiên họ đều không bao giờ là trung phong. Nhưng, cũng đừng gọi họ là “số 9 giả”, như cách nói quen thuộc, đơn giản vì họ vừa không phải là trung phong, vừa không cần đảm trách vai trò trung phong. Những cầu thủ đá cao nhất trong đội hình Man City đều chơi khá xa khung thành đối phương trong các trận đấu gần đây. Phải xem đấy là đội hình không có tiền đạo theo đúng nghĩa đen: 4-3-3-0. Và đây chính là nét mới trong chiến thuật của Guardiola hiện thời. Còn nhiều điều cần nói thêm về cách bố trí tiền vệ, nhất là vai trò của Ilkay Guendogan. Nhưng trước mắt, hãy cứ ghi nhận: Man City đang có chuỗi trận thành công nhất kể từ đầu mùa.

Không cần dùng “số 9 giả”

Khái niệm “số 9 giả” - nói về cầu thủ vốn không phải trung phong nhưng chơi ở vị trí trung phong trên lý thuyết - là khá mơ hồ, ước lệ. Điều đáng nói là Man City không dùng mẫu cầu thủ ấy trong những trận gần đây. Hoàn toàn không có trung phong nào hết - bất kể là ảo hay thật - trong 3 trận gần nhất, đều thắng, ở 3 trận địa khác nhau (3-1 trước Chelsea ở Premier League; 2-0 trước M.U ở Cúp Liên đoàn; 3-0 trước Birmingham ở Cúp FA).

Theo Kinh Thi/Bongdaplus

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/the-thao/man-city-da-khong-tien-dao-the-nao/20210113114228933