Mạn đàm kinh tế đêm

Không chỉ sôi động ban ngày, Hà Nội đang tận dụng thời gian về đêm để làm đòn bẩy phát triển kinh tế du lịch. Có người nói rằng, khi không gian không đủ để khai thác, thì thời gian sẽ là nguồn tài nguyên quý giá…

Hà Nội về đêm trong mắt du khách không chỉ là các cửa hàng tiện ích, các quán ăn uống, quán bar, cà phê, thời trang, mà còn xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh khác như: Văn nghệ, ẩm thực đường phố, shop kinh doanh các sản phẩm du lịch… Dường như tại đây, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực… đã bị xóa nhòa. Ai cũng hòa quyện trong không gian nhộn nhịp, vui vẻ, cùng nhau tận hưởng hơi thở cuộc sống Hà Nội về đêm trong từng khoảnh khắc.

Vẻ nhộn nhịp của Hà Nội về đêm. Ảnh: PV

“Kinh tế đêm là một biện pháp để mở rộng dư địa về phát triển kinh tế, đặc biệt là dư địa khung thời gian. Trước đó, kinh tế phát triển chủ yếu phụ thuộc vào thời gian làm việc trong giờ hành chính, nhưng ngày nay, mở rộng kinh tế đêm là một cách tiếp cận rất hợp lý và phù hợp với xu thế của Thủ đô, trong việc mở rộng dư địa về không gian cũng như thời gian để phát triển kinh tế chung của Hà Nội”, Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Duy Bình đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô.

Đánh giá về tiềm năng kinh tế đêm ở Hà Nội, vị chuyên gia đưa ra những ví dụ, đó là không gian phố đi bộ về đêm, chợ đêm, không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, rồi show diễn có tính chất rất đặc thù, độc đáo như những nhà hát đã thực hiện và thu hút đông đảo khách du lịch tới thưởng thức. Bên cạnh đó cũng phải nhắc đến sự phát triển của quán ăn phục vụ ẩm thực mở rộng về đêm. Cùng với đó là các hoạt động văn hóa khác như một số bảo tàng hoặc di tích lịch sử tổ chức thêm tour trải nghiệm về đêm để khách du lịch có nhiều lựa chọn cho buổi khám phá cá nhân.

Ngoài việc phát triển kinh tế về đêm ở khu vực nội đô lịch sử Hoàn Kiếm, Ba Đình hoặc một số khu vực trong trung tâm, thì những khu phố khác như Sơn Tây cũng đã có mô hình tương tự. Từ đó giúp cho Thủ đô có một không gian phát triển kinh tế mở rộng, kích thích sự phát triển của một số ngành nghề như lưu trú, ẩm thực, di chuyển, đặc biệt là ngành giải trí, hoạt động văn hóa nghệ thuật, ngành bảo tồn, bảo tàng. Có thể thấy, việc Hà Nội khai thác kinh tế về đêm là rất hữu ích cho sự phát triển kinh tế.

Theo Tiến sĩ Lê Duy Bình, tiềm năng phát triển kinh tế về đêm của Hà Nội là rất lớn, nếu như so với giá trị văn hóa, giá trị truyền thống, về nguồn nhân lực cũng như về giá trị vật thể, phi vật thể của Thủ đô. Thế nhưng trong ngành dịch vụ, đối với khách du lịch nước ngoài, Hà Nội mới chỉ khai thác được một số khía cạnh như phố đi bộ, không gian văn hóa và một số điểm ẩm thực... Nhìn về kinh tế đêm ở một số quốc gia khác, họ đã khai thác được những giá trị lớn hơn rất nhiều từ điểm giải trí, công viên văn hóa, hoặc từ các hoạt động văn hóa có giá trị gia tăng cao.

Hà Nội cũng cần phải có những chiến lược, không chỉ đơn thuần dựa vào khách du lịch, mà cần phải tiếp thu những xu thế kinh tế về đêm trên thế giới. Để rồi từ đó, đem ra nghiên cứu và tạo thành các chiến lược tận dụng những lợi thế về nhân lực của Việt Nam, cũng như của Thủ đô nói riêng trong bối cảnh hiện tại.

Ngày nay, kinh tế và công nghiệp văn hóa có sự gắn chặt với nhau, đây là một hướng đi đúng, phù hợp cho Thủ đô, bởi nó cũng phù hợp với lợi thế của Hà Nội truyền thống nghìn năm văn hiến. Những giá trị truyền thống mang tính lịch sử có thể được khai thác ở mức độ tốt hơn nhờ ngành phục vụ. Song, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống về văn hóa, lịch sử là rất cần thiết và gắn trực tiếp với những hoạt động về du lịch cũng như những hoạt động về sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa.

Tất cả những yếu tố này với nguồn nhân lực sẵn có thì Hà Nội đang mang trong mình lợi thế mạnh mẽ để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Hà Nội sẽ không chỉ khai thác những giá trị văn hóa truyền thống mà thậm chí còn có thể sáng tạo hơn, nhưng vẫn gắn với thuần phong mỹ tục, cũng như phù hợp với nền văn hóa của dân tộc. Kinh tế gắn với công nghiệp văn hóa sẽ giúp Thủ đô bắt kịp xu thế của thời đại của quốc tế để đáp ứng nhu cầu về việc hưởng thụ những sản phẩm văn hóa đang làm thay đổi ý thức, thói quen sinh hoạt của người dân toàn cầu.

Có thể thấy, những sản phẩm mang tính công nghiệp văn hóa hiện nay đã được khai thác không chỉ bởi những người đến Việt Nam, đến Thủ đô, mà có thể được khai thác ở trên những không gian mới hơn như không gian số: Truyền hình, mạng xã hội, trang web, ứng dụng mang tính truyền tải thông tin như Youtube, Netflix,... Đó là những không gian mới mà Hà Nội cũng cần phải chú trọng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, để hướng đến một thị trường kinh tế rộng mở hơn, sôi động hơn.

Thủ đô sẽ có nhiều tiềm năng rất lớn để khai thác kinh tế về đêm và phát huy giá trị văn hóa nhờ áp dụng công nghiệp văn hóa. Cách tiếp cận trực tiếp của Hà Nội hiện nay như chợ đêm, khu phố ẩm thực cũng là tư duy rất phù hợp với bối cảnh; bởi, loại hình kinh doanh này dễ thực hiện và đem lại hiệu quả cao.

“Điều quan trọng nhất phải nhìn vào những không gian mới hơn, mang tính bền vững thì mới khai thác được dư địa về không gian cũng như thời gian về phát triển kinh tế. Từ những cơ hội phát triển nền công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế về đêm, làm sao tạo cơ chế để thu hút thêm nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này” - Tiến sĩ Lê Duy Bình.

Bảo Thoa - Quang Linh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/man-dam-kinh-te-dem-151228.html