Mạn đàm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Khi nhà ngoại giao làm báo

Vừa là nhà ngoại giao, vừa là nhà báo - cũng có nghĩa là nhân đôi, thậm chí nhân ba những khó khăn, thử thách và trách nhiệm...

Ngoại giao và báo chí là hai ngành nghề khác nhau nhưng không ít điểm đồng. Nhà ngoại giao hay nhà báo đều là những công việc không ít khó khăn và thử thách mới có thể trưởng thành và vững vàng, một nhà ngoại giao tài ba hay một nhà báo lão luyện phải kinh qua không ít gian nan, thậm chí là vấp ngã trong nghề.

Ấy vậy mà có những người, như cách gọi của chúng tôi, là nhà ngoại giao mang thẻ nhà báo ở một cơ quan báo chí khá đặc thù: Thế giới & Việt Nam. Đóng “hai vai”, vừa làm nhà ngoại giao, vừa làm báo. Khó khăn gấp đôi? Thử thách gấp đôi? Trách nhiệm gấp đôi? Có lẽ! Nhưng điều quan trọng là họ luôn phải nỗ lực cân bằng, dung hòa những đặc thù vốn nhiều khác biệt để làm tốt công việc “hai trong một” này.

Làm báo đối ngoại, đồng hành với các sự kiện và chiến dịch đối ngoại của Ngành, của đất nước với nhiều phóng viên là những ngày tháng không quản ngại, xông xáo viết bài, chụp ảnh… để kịp tuyên truyền, phản ánh bức tranh đối ngoại nhiều gam màu của đất nước. Vừa phải vững vàng kiến thức như một nhà ngoại giao để viết cho đúng, nhà báo đối ngoại cần phải biết cách “thêm mắm muối” để những điều vốn có phần khô khan trở nên mềm mại hơn và dễ đi vào lòng người hơn.

Điều đó chẳng thể dễ dàng với bất kỳ phóng viên đối ngoại nào nhưng nếu viết ra những tác phẩm không thực sự có sức lan tỏa và tẻ nhạt thì họ có nên tiếp tục với cái duyên “cầm bút”? Có lẽ chính tâm tư ấy đã thôi thúc không ít nhà báo làm đối ngoại trẻ lăn xả với nghề, có mặt trên mọi mặt trận tuyên truyền đối ngoại, để trưởng thành hơn với từng bài viết, để thành công và cũng đôi khi là để vấp ngã!

Làm nhà báo đối ngoại, dù là phóng viên hay biên tập viên cũng đều phải làm việc với cường độ rất cao. Mệt mà vui, nhất là những dịp được tháp tùng lãnh đạo thăm các nước, đó là lúc được mở rộng tầm nhìn và tận mắt được thăm nhiều miền xa lạ. Khổ nhất là làm sao kịp gửi bài, ảnh về tòa soạn đăng báo, nhất là từ các nước công nghệ thông tin còn lạc hậu hơn ta. Trong hoạt động đối ngoại của lãnh đạo, nếu phóng viên chỉ để ý đến nội dung thì có lẽ chưa đủ, bên cạnh đó còn phải chú ý cử chỉ, bầu không khí… để kiếm tìm đâu đó những chất liệu riêng cho tác phẩm của mình.

Vào một ngày, những nhà báo đối ngoại được cử “đi sứ”, bước vào môi trường đối ngoại mới lạ. Với nhiều người, đó thực sự là sự thay đổi có ý nghĩa trong sự nghiệp.

“Tại sao lại viết báo cáo như viết báo thế?”, không ít những nhà báo đối ngoại khi chuyển sang làm công tác ngoại giao tại các Cơ quan đại diện nghe những nhận xét kiểu như vậy từ thủ trưởng của mình. Cái văn phong của báo chí nhiều khi được ví “ngấm vào máu” của họ dù họ vẫn luôn ý thức được một trách nhiệm “hai vai”.

Tuy vậy, sự linh hoạt, nhạy bén và khả năng “chịu khổ” của nghề báo cũng giúp họ thích nghi rất nhanh, khó khăn trong thích nghi với môi trường mới rồi cũng qua đi một phần không nhỏ là nhờ những ngày làm báo. Một chị đồng nghiệp lâu năm ở Báo từng chia sẻ rằng, chính những tháng ngày xông pha ở Báo, tiếp cận với nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu, học hỏi những kinh nghiệm gần xa... là thời gian tích lũy "không thể tuyệt vời hơn".

Để rồi, khi tạm “gác bút” và bước vào môi trường ngoại giao ở các Cơ quan đại diện, họ tự tin lăn xả vào những công việc "đặc thù", từ nghiên cứu động thái, tổ chức đón đoàn đến bảo hộ công dân..., góp một phần nhỏ bé vào những thành công chung của ngành đối ngoại nước nhà.

Cựu Tổng Biên tập Thế giới & Việt Nam Đặng Xuân Dũng, hiện là Đại sứ Việt Nam tại Argentina, từng chia sẻ với những đồng nghiệp ở Báo rằng: “Từ rất xa, tôi vui mừng nhận thấy niềm tin của mình được khẳng định… kể từ ngày tôi về với Báo, đội ngũ xưa cũng thay đổi nhiều song tôi tin rằng, không ít anh chị em, dù đang ở đâu, từng tự nhủ: Đã làm được ở Báo mình có thể làm được ở bất cứ đâu”…

Từ một địa bàn xa xôi khác, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Trần Quang Tuyến vẫn nhớ như in những ngày ông còn đảm trách vị trí quyền Tổng Biên tập Báo, đặc biệt là những tối thứ Tư duyệt tin bài - mà chúng tôi vẫn gọi là “Rock xuyên màn đêm”, khi mà bản bông cuối cùng kịp chuyển nhà in cũng là lúc đêm chuyển sang hửng sáng… Ông từng tâm sự rằng, dù bộn bề công việc ở nơi xứ người nhưng bản điện tử của “báo nhà” vẫn luôn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu với ông mỗi ngày.

Vậy đó, niềm tin và tình yêu của những nhà ngoại giao làm báo gạo cội đi trước luôn là động lực thôi thúc những thế hệ nhà báo làm ngoại giao trẻ không ngại bước trước khó khăn, vất vả, vững tay bút, vững niềm tin yêu với con đường mình đã lựa chọn! Đặc biệt và đáng tự hào!

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/man-dam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-khi-nha-ngoai-giao-lam-bao-117749.html