Man mác Vàm Nao - khung trời sông nước

Khép lại cuốn sách của Trương Chí Hùng với nhiều cung bậc cảm xúc, tôi tin chắc rằng sau khi đọc xong, mỗi người sẽ yêu mến hơn vùng đất An Giang xinh tươi này.

Sách Man mác Vàm Nao của Trương Chí Hùng.

Ngày tôi có được quyển sách, tôi không vội vàng mở ra xem, thay vào đó các ngón tay tôi bắt đầu chạm bìa sách, thích thật! Chưa gì đã “ghiền”, tôi đặt cả lòng bàn tay mình từ từ chạm vào và bắt đầu mân mê nhè nhẹ.

Bìa sách thật đẹp! Nó không quá đỗi trang hoàng nhưng gợi một cảm giác dễ chịu. Cuốn sách Man mác Vàm Nao của tác giả Trương Chí Hùng là tập bút ký chứa đầy trải nghiệm được ghi chép lại của nhà văn.

Nhà văn Trương Chí Hùng quê ở huyện Phú Tân, An Giang, các tác phẩm trước đó đã được xuất bản như: Tập thơ Một nửa nhà quê (2014); tản văn Trong sương thương má (2019) đều nhận được nhiều sự yêu thích của bạn đọc.

Tình cảm thiết tha với quê hương xứ sở

Thông qua các câu chuyện, nhà văn luôn chất chứa những tình cảm thiết tha trong sáng đối với quê hương xứ sở, cảm xúc hoài niệm với khoảng thời gian hào hùng đã qua, sự bùi ngùi giữa các cuộc tương ngộ éo le và sự lạc quan trong tháng ngày rong ruổi khám phá điều mới lạ.

Ngay từ trang đầu sách đã gây chú ý với người đọc: Dân quê tôi đảm bảo ai cũng từng nghe qua địa danh Vàm Nao, nhưng khi hỏi Vàm Nao nghĩa là gì, chắc chắn 99,99% người dân không biết”.

Vàm Nao nghĩa là gì? Tôi quyết tâm đọc để tìm ra đáp án, mới hay đã có rất nhiều sách vở lý giải cái tên Vàm Nao ấy, lý giải từ nguồn sách Gia Định thành thông chí đến Đại Nam nhất thống chí hoặc lại cho rằng nói từ Vàm Nao xuất phát từ tiếng Khmer là Peam Ta Nau” nghĩa là “Vàm sông ông Nau”.

Tất nhiên những những lý giải trên đều có căn cứ, tuy vậy, sách đưa ra một kết luận từ một nhân vật tên Hữa Hiệp khiến tôi rất tán đồng: “Thật ra Vàm Nao chỉ là cái nơi cửa sông nước chảy làm “nao lòng” người mà thôi”. Tôi nghe trong lời nói như có chút gì của dư âm cuộc sống bề bộn, không phải là lãng quên mà là cất giấu nó vào trong sâu thẳm tâm trí người dân nên không cần nhắc đến.

Quả thật tôi sinh ra và lớn lên ở đất An Giang nhưng có khi nào đi hết những địa danh, thắng cảnh quê mình, nổi tiếng nhất là vùng Thất Sơn Bảy Núi.

Nhưng những trang sách của nhà văn đã đưa tôi phần nào đi đến những ngọn núi ấy, biết thêm rất nhiều thứ mới mẻ, đồng thời là sự cảm thông thương xót cho những con người bươn chải lo toan cho cuộc sống. Tôi không khỏi rùng mình trong hàng trăm nghề nghiệp lại có nghề gánh đá, có thể hiểu những người phu phải gánh những viên đá to đùng từ bến xuống ghe phải đi qua tấm ván có chiều dài hai tấc rưỡi, nguy hiểm vô cùng. Nhưng dù thế Bảy Núi vẫn là nơi thiêng liêng chứa nhiều bí ẩn.

Thêm yêu vùng đất An Giang

Từ biệt vùng núi cao, ta “theo chân” tác giả... xuống nước. Như đã nói quyển sách Man mác Vàm Nao mang đậm chất Miền Tây sông nước, cái dân dã thẩm thấu đến từng câu chữ, núi non hùng vĩ là thế và sông nước cũng mượt mà là thế.

Tôi như sống lại với con nước nổi trong hồi ức, quê ngoại tôi sống gần sông nên việc đánh bắt cá như một nghề truyền thống, các trang sách trong phần Bấp bênh mùa nước nổi của nhà văn Trương Chí Hùng gợi lại nhiều hình ảnh gần gũi biết bao.

Một lần nữa nhà văn đưa tôi phiêu lưu trong miền ký ức: “Nghề hạ bạc xôm tụ nhất vào thời điểm nước mới chụp lên và khi nước rút gần cạn đồng, chứ lúc nước bêu thì chịu. Nước bêu là thời kỳ nước đạt đỉnh cao nhất của mùa nước nổi. Khi ấy cánh đồng mênh mông nước, cây cỏ ngập hết, cả những thân cây gỗ lớn như cây còng hay cây gáo cũng bị ngập gần tới đọt”.

Thời nước ngập, nhìn đâu cũng là nước thử hỏi lũ trẻ chúng tôi sao không thích được chứ, bày ra nhiều trò nghịch nước, tắm sông. Trái lại với gương mặt đầy nghịch ngợm của lũ trẻ, khi đó tôi để ý thấy gương mặt các phụ huynh ai nấy cũng buồn xo, lớn thì hiểu vì nước lớn rồi giông bão cuốn trôi nhiều của cải.

Những trang viết về nước lũ này khiến ta liên tưởng đến tác phẩm Ông Cá Hô của nhà văn Lê Văn Thảo, cũng là khung cảnh sông nước dập dờn, con cá hô mà Lê Văn Thảo khắc họa như là một con vật huyền thoại, nặng gần trăm kí, vảy bạc, mắt sáng rực ở Cồn Te và nhân vật chú Dương sinh sống bằng việc bắt cá hô đem ra chợ bán, nếu nói cá hô kia là thử thách thì chú Dương là người vươn lên, vượt mọi thử thách, chú Dương câu được con cá hô trăm kí thật. Ngư dân sống bằng nghề hạ bạc cũng như vậy luôn phải đối đầu với thử thách khó khăn.

Cuốn sách là sự kết tinh của tri thức lẫn trải nghiệm của tác giả, nhà văn cho tôi cảm xúc ngọt ngào, mang dư vị quê hương với những thú vui tao nhã đời thường như đờn ca tài tử, đến những cuộc hành trình ghé thăm nước bạn Lào.

Tràn đầy những điều lý thú, trong phần Chiều mưa thánh đường, nhà văn Trương Chí Hùng đã về thăm Châu Giang với Châu Phong liền kề nhau, đây là nơi những người bạn dân tộc Chăm sinh sống. Trương Chí Hùng đã miêu tả xác thực về văn hóa Chăm, người Chăm với đôi mắt đen láy, đôi mi cong vút...

Tôi tin chắc ai yêu mến An Giang khi đọc cuốn Man mác Vàm Nao ngay phần này sẽ ngỡ ngàng vì người Chăm có rất nhiều điểm lý thú.

Khép lại trang 169 của quyển sách với nhiều cung bậc cảm xúc, tôi tin chắc rằng sau khi đọc xong, mỗi người sẽ yêu mến hơn vùng đất An Giang xinh tươi này. Đâu đó trong trái tim tôi cũng dâng lên một tình yêu quê hương. Cuối cùng nhà văn chia sẻ: “Tôi viết cuốn sách này là muốn lưu giữ những giá trị thiêng liêng của miền sông nước đang đứng trước bao biến thiên thế cuộc”. Tôi thầm nghĩ, vậy là những “giá trị” này sẽ tồn tại mãi với thời gian sẽ không xóa nhòa đâu anh nhỉ?

Huỳnh Chí Thiện

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/man-mac-vam-nao-khung-troi-song-nuoc-post1432951.html