Mãn nhãn ngắm vịnh Hạ Long từ thủy phi cơ Việt Nam

Thay vì mất 2-3 giờ ngồi ô tô rồi thuê thuyền du lịch lênh đênh vài giờ đồng hồ nữa để ra ngắm vịnh Hạ Long, một số du khách chọn cho mình lựa chọn 'chất' hơn và đương nhiên đi liền với chịu chi hơn để trải nghiệm ngắm cảnh Hạ Long theo cách khác.

Vịnh Hạ Long - với gần 2.000 đảo lớn nhỏ, di sản quốc gia Việt Nam, 2 lần được đề cử là di sản thế giới, một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới - là một địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh và Việt Nam nói chung.

Để ngắm trọn vẹn trong tầm mắt những bãi biển xanh mát, những hang động kì vỹ và những hòn đảo lớn nhỏ, nhấp nhô trên biển, nhiều du khách đã lựa chọn tham quan vịnh Hạ Long bằng thủy phi cơ.

Thủy phi cơ là một loại phi cơ có cánh cố định, có khả năng hạ và cất cánh trên mặt nước. Với thủy phi cơ, quãng đường từ Hạ Nội (xuất phát ở sân bay Nội Bài) đến Hạ Long (đáp ở cảng Tuần Châu) rút ngắn chỉ còn 45 phút bay.

Cận cảnh chiếc thủy phi cơ đậu ở cảng biển Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh).

Cận cảnh chiếc thủy phi cơ đậu ở cảng biển Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh).

Mỗi chiếc phi cơ có 14 chỗ ngồi, gồm 12 chỗ cho hành khách và 2 chỗ cho phi công.

Thủy phi cơ Việt Nam đang sử dụng là Cessna Grand Caravan 208B-EX – một trong những máy bay an toàn nhất có thể hạ cánh trên mặt nước. Với cấu tạo 2 khoang liền nhau, hành khách sẽ được quan sát cách phi công khởi động máy bay, cất cánh, hạ cánh cũng như lướt đi trên mặt nước.

Khác với đi máy bay thường hành khách không bao giờ được tiếp xúc với phi công, với thủy phi cơ cảm giác bay vô cùng chân thực bởi khoang lái và khoang hành khách thông nhau.

Sau khoảng 30 phút bay từ Nội Bài, vịnh Hạ Long kỳ thú của Việt Nam dần hiện ra trước mắt du khách.

Nếu bay sớm, màn sương mờ phủ mang lại cảm giác lãng đãng thư thái tuyệt vời.

Từ hơn 500 năm về trước trong bài thơ Lộ nhập Vân Đồn, Nguyễn Trãi đã lần đầu tiên ca ngợi vịnh Hạ Long là "kỳ quan đá dựng giữa trời cao".

Bài thơ viết: "Lộ nhập Vân Đồn san phục san/ Thiên khôi địa khiết phó kỳ quan" (Đường tới Vân Đồn lắm núi sao/ Kỳ quan đất dựng giữa trời cao).

Vịnh Hạ Long cùng với đảo Cát Bà là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia đầu tiên ở Việt Nam.

Năm 1468, Vua Lê Thánh Tông đề trên vách đá Núi Bài Thơ: "Trăm dòng sông chảy mênh mông quanh núi/ Quần đảo rải rác như bàn cờ, biển liền trời sắc xanh biếc".

Năm 1729, chúa Trịnh Cương ứng tác trước vẻ đẹp của Hạ Long bằng hai câu thơ: "Bể lớn mênh mông họp cả con con sông lại/ Núi lấp loáng bóng nước, nước lênh láng lưng trời".

Hình ảnh Hạ Long cũng xuất hiện trong thơ hiện đại, với nhà thơ "mới nhất trong các nhà thơ mới" Xuân Diệu: "Đây bản thảo tạo vật còn nặn dở/ Đá thuở trước khổng lồ chơi ném thử".

Năm 1962 Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng vịnh Hạ Long là di tích danh thắng cấp quốc gia đồng thời quy hoạch vùng bảo vệ. Năm 1994 vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị thẩm mỹ (tiêu chuẩn vii), và được tái công nhận lần thứ 2 với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất-địa mạo (tiêu chuẩn viii) vào năm 2000.

Cùng với vịnh Nha Trang và vịnh Lăng Cô của Việt Nam, vịnh Hạ Long là một trong số 29 vịnh được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới xếp hạng và chính thức công nhận vào tháng 7/2003.

Vịnh Hạ Long nhìn từ khoang kính của thủy phi cơ.

Thủy phi cơ là loại máy bay nhỏ thường bay tầm thấp ở độ cao từ 150m đến 2000m. Điều này giúp du khách có thể ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp từ trên cao.

Thủy phi cơ cũng có thể lách qua những đảo đá tại vịnh Hạ Long, bay sát mặt nước để tạo ra những trải nghiệm chân thật và bất ngờ nhất.

Vẻ đẹp cận cảnh của vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao.

Vào những hôm nắng đẹp, những ngọn núi đá vôi cùng thảm thực vật bao phủ soi bóng xuống dòng nước vịnh trong xanh đẹp như nơi tiên cảnh.

Những mỏm đá kỳ thú bao quanh những con thuyền du lịch mỏng mảnh tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp thi vị.

Phi công của thủy phi cơ sẵn sàng chụp ảnh và selfie cùng hành khách.

Mỗi phi công trên chuyến bay là một hướng dẫn viên du lịch. Với cấu tạo đặc biệt, máy bay cho phép phi công tương tác trực tiếp với hành khách. Tại mỗi điểm đến, người tham gia sẽ được thuyết minh về các địa danh mà phi cơ bay qua như thành phố Hạ Long, đảo Ti Tốp, làng Cá Vung Viêng, Trại Ngư Ngọc Trai, Hòn Sỏi Sim, Hòn Yên Ngựa, Đảo Mắt Rồng, Xã Hòn Gai, Núi Bài Thơ, Hòn Lư Hương, Hòn Trống Mái, bến cảng Tuần Châu.

Một du khách "sống ảo" cùng thủy phi cơ.

Khi hạ cánh tại Hạ Long, thủy phi cơ sẽ đáp trực tiếp xuống mặt nước, lướt nhẹ như những du thuyền tại vịnh Hạ Long và từ từ leo lên bờ tại bãi đáp trên bến cảng Tuần Châu.

Một điều đặc biệt nữa là trên thủy phi cơ, hành khách được phép sử dụng thoải mái các thiết bị kỹ thuật số như máy ảnh, điện thoại... để ghi lại những khoảng khắc độc đáo trong suốt chuyến đi. Nhiều hành khách đã chụp ảnh đăng Facebook và livetream toàn bộ quá trình bay khi lơ lửng ở độ cao tới 2.000m.

Tuy nhiên, để có được trải nghiệm này, bạn sẽ phải "chịu chi", bởi hành trình bay Hà Nội - Hạ Long đang có giá vé 9.700.000 đồng và gần 7.000.000 đồng cho chiều ngược lại.

Minh Minh - Tú Nguyễn

Minh Minh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/man-nhan-ngam-vinh-ha-long-tu-thuy-phi-co-viet-nam-a454819.html