Màn phô trương xe tăng Nga - Trung Quốc không có giá trị trong tác chiến hiện đại?

Hình ảnh ấn tượng nhất trong những ngày đầu diễn ra cuộc tập trận Vostok 2018 có lẽ là số lượng lớn xe tăng, thiết giáp của các bên tập trung quanh khu vực thao trường.

Cuộc tập trận quy mô lớn nhất kể từ thời Liên bang Xô Viết, mang tên Vostok 2018 đang được Nga tiến hành tại khu vực Viễn Đông.

Theo nhận xét nó thì không nhằm mục đích nào khác ngoài việc phô trương sức mạnh quân sự trước các mối nguy cơ đến từ khối quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu.

Sự kiện trên đã thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả từ các đồng minh lẫn đối thủ của Nga.

Trong đó đối tác quan trọng hàng đầu của Moskva là Trung Quốc hưởng ứng nhiệt tình nhất khi cử tới 3.200 binh sĩ cùng hàng trăm máy bay, xe tăng sang tham dự.

Những màn biểu dương lực lượng trên thảo nguyên rộng lớn của các phương tiện thiết giáp thuộc Quân đội Nga và Trung Quốc đã gây ấn tượng rất mạnh.

Cảm giác như với thực lực hiện tại thì không một thế lực nào đủ sức ngăn cản dòng thác xe tăng ào ạt chảy sang khu vực Tây Âu trong trường hợp phát sinh xung đột giữa các bên.

Mặc dù trông rất hoành tráng nhưng màn phô diễn sức mạnh này của Nga - Trung Quốc có thực sự phát huy được tác dụng trên chiến trường hiện đại?

Để trả lời câu hỏi này có lẽ chúng ta nên nhìn lại cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất diễn ra vào thời điểm năm 1991.

Khi đó đội hình xe tăng dàn trải trên sa mạc của Iraq đã bị trực thăng Apache cùng cường kích A-10 của Mỹ hủy diệt trong thời gian rất ngắn.

Thực tế hiện nay vai trò của xe tăng trong chiến thuật quân sự của các cường quốc phương Tây đã thay đổi rất nhiều so với thời kỳ chiến tranh thế giới.

Xe tăng thiết giáp của họ gần như chỉ còn làm nhiệm vụ tràn lên dọn dẹp chiến trường sau khi không quân và tên lửa chiến thuật giải quyết tới 85 - 90% sức mạnh đối phương.

Ngày nay chứng kiến sự phát triển của các loại vũ khí tấn công chính xác cao có tầm bắn lớn, kết hợp cùng những hệ thống tác chiến điện tử rất tinh vi.

Một biên đội trực thăng vũ trang hay cường kích tầm thấp được sự yểm trợ của tiêm kích chiếm ưu thế trên không sẽ dễ dàng giải quyết cả một binh đoàn thiết giáp đối phương.

Trong khi đó nhìn vào đội hình xe tăng thiết giáp của Nga và Trung Quốc mang đi biểu dương lực lượng có thể nhận thấy thiếu vắng rất nhiều các tổ hợp tên lửa phòng không lục quân đủ mạnh.

Đây là điểm yếu lớn rất dễ khiến đối phương khai thác và gây ra thiệt hại nặng nề

Thậm chí nếu được bổ sung những tổ hợp vũ khí trên, ưu thế khi đối đầu vẫn nghiêng hoàn toàn về không quân, điều này đã được kiểm nghiệm qua rất nhiều cuộc chiến tranh diễn ra thời gian gần đây.

Bởi vậy màn phô trương xe tăng của Nga - Trung Quốc trên thảo nguyên có lẽ khó mà khiến phương Tây cảm thấy thực sự e ngại như báo chí hai quốc gia này từng tuyên bố.

Chưa rõ trong những ngày tiếp theo Moskva có còn bài nào đang được che giấu và chỉ thể hiện vào lúc cao trào hay không?

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-man-pho-truong-xe-tang-nga-trung-quoc-khong-co-gia-tri-trong-tac-chien-hien-dai/781882.antd