Man United, Chelsea và trận chung kết Champions League kịch tính

11 năm đã trôi qua từ ngày MU đánh bại Chelsea trong trận chung kết Champions League 2008. Tuy nhiên, những ký ức về đêm mưa Moscow đơn giản là không thể bị lãng quên.

Nhiều lý do để người hâm mộ bóng đá từng trải qua ngày 21/5/2008 nhớ như in những gì diễn ra trên sân Luzhniki. Đó là cuộc đấu có đầy đủ những cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của trái bóng tròn, lẫn những diễn biến kịch tính nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Chelsea hay Man United mới là đội xứng đáng giành chức vô địch Champions League 2008? Chỉ riêng câu hỏi này có thể tạo ra cuộc tranh luận nảy lửa trên bất kỳ diễn đàn yêu bóng đá nào. Tất cả biến chung kết tại Moscow năm đó trở thành ký ức không bao giờ bị lãng quên.

Man United vô địch Champions League 2008, nhưng đó không phải điều đáng nói duy nhất về trận chung kết. Ảnh: Getty.

Man United vô địch Champions League 2008, nhưng đó không phải điều đáng nói duy nhất về trận chung kết. Ảnh: Getty.

Chelsea vs MU - kỳ phùng địch thủ

Chelsea bước vào chung kết Champions League năm 2008 đó với kịch bản hiếm thấy ở bất kỳ CLB nào từng góp mặt tại trận đấu cuối cùng của giải đấu danh giá nhất châu Âu. Tháng 9/2007, khi mùa giải mới bắt đầu được vài tháng, Chelsea sa thải HLV thành công nhất lịch sử CLB, Jose Mourinho.

Trám vào vị trí của “Người đặc biệt” là Avram Grant, giám đốc kỹ thuật của đội bóng khi đó. Trong cả mùa giải, những biểu ngữ “Jose đơn giản là số một” (Jose simply is the best) được giăng khắp sân Stamford Bridge. Song Grant, với cương vị HLV tạm quyền, đã làm được điều Jose Mourinho không thể làm trong suốt 3 mùa giải, đó là đưa Chelsea vào trận chung kết.

Chelsea mang tới Moscow đội hình có thể là mạnh nhất lịch sử CLB. Ảnh: Getty.

Chính xác hơn, Grant đã giúp Chelsea đánh bại Liverpool. Trong lượt trận bán kết Champions League, Chelsea đã quật ngã Liverpool để tiến vào chung kết với tỷ số 4-3 chung cuộc.

"The Blues" năm đó sở hữu lực lượng mạnh nhất lịch sử CLB. Trục dọc Petr Cech, John Terry, Frank Lampard và Didier Drogba đều đang trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp. Hỗ trợ cho bộ tứ này là những anh hào như Michael Ballack, Michael Essien, Claude Makelele, Ricardo Carvalho, Ashley Cole, Joe Cole.

Nếu phải chỉ ra một đội bóng mạnh hơn Chelsea lúc ấy, đó chỉ có thể là Man United - đối thủ của "The Blues" trong trận chung kết.

9 năm trôi qua từ cú ăn ba thần thánh vào năm 1999, Man United của Sir Alex Ferguson một lần nữa góp mặt ở trận chung kết UEFA Champions League. Những người hùng của mùa giải 1998/99 như Ryan Giggs, Paul Scholes vẫn còn thi đấu. Song phần còn lại của “Quỷ đỏ” mới là đáng để nói.

Trong hàng phòng ngự là Edwin Van der Sar trong khung gỗ. Patrice Evra và Wes Brown ở 2 cánh, hỗ trợ cho lá chắn thép Rio Ferdinand và Nemanja Vidic. Ở hàng tiền vệ, MU có Michael Carrick và Owen Hagreaves. Cuối cùng là cây đinh ba Carlos Tevez, Wayne Rooney và Cristiano Ronaldo.

Man United là ĐKVĐ Premier League trước khi bước vào trận chung kết Champions League 2008. Ảnh: Getty.

MU cực mạnh của Sir Alex đã giành chức vô địch Premier League để tiến vào trận chung kết tại Luzhniki với những cái ưỡn ngực đầy tự tin. Họ muốn chấm dứt 9 năm trắng tay ở châu Âu. Chelsea muốn ghi tên vào lịch sử để khẳng định những đồng rúp của Roman Abramovich thực sự biến "The Blues" thành thế lực của châu Âu.

Tất cả biến trận chung kết Champions League 2008 thành nơi cả thế giới túc cầu ngóng chờ.

Đêm mưa huyền thoại

Cristiano Ronaldo là người được kỳ vọng nhiều nhất ở đội hình MU tại trận chung kết năm đó. CR7 khi ấy trải qua mùa giải đỉnh cao chưa từng có trong sự nghiệp trước đó với 41 bàn trên mọi đấu trường, một kỷ lục ở bóng đá hiện đại.

Siêu sao người Bồ Đào Nha không làm những CĐV MU phải thất vọng. Anh mất 26 phút để có bàn thứ 42 trong cả mùa giải với tình huống bật cao đánh đầu tung lưới Petr Cech mở tỷ số cho “Quỷ đỏ” từ đường chuyền của Wes Brown bên cánh phải.

Cristiano Ronaldo là nhân vật chính đầu tiên của trận chung kết với cú đánh đầu mở tỷ số. Ảnh: Getty.

Song Chelsea với những chiến binh như Drogba, Terry, Ballack không dễ bị quật ngã đến vậy. Phút cuối cùng của hiệp 1, người đáng chú ý nhất bên phía "The Blues", Frank Lampard san bằng tỷ số 1-1 với cú đệm bóng cận thành sau khi hàng phòng ngự MU bị loại bỏ.

Mẹ của Lampard qua đời trước đó không lâu, và khoảnh khắc số 8 của Chelsea giơ 2 tay lên trời như để tặng mẹ bàn thắng trở thành hình ảnh không thể nào quên của trận chung kết năm đó.

Tỷ số là 1-1 cho đến hết trận và kéo dài sang thời gian hiệp phụ. Càng đá trời mưa càng nặng hạt, và Chelsea càng cho thấy sự áp đảo MU. Bóng đã 2 lần tìm trúng khung gỗ của Man United trong thời gian diễn ra hiệp phụ từ chân Drogba và Lampard.

Những điềm báo về kết quả không tốt với Chelsea sau cùng tới bằng chiếc thẻ đỏ trực tiếp của Drogba do xô xát với Nemanja Vidic. Sau này, Drogba kể trong tự truyện rằng anh cảm nhận rõ “trận chung kết ấy chỉ dành cho MU”.

Frank Lampard là biểu tượng cho sự vùng dậy và thắng thế của Chelsea trong phần lớn thời gian của trận chung kết. Ảnh: Getty.

120 phút kết thúc bất phân thắng bại, hai đội kéo nhau vào loạt sút luân lưu. Cristiano Ronaldo là người đầu tiên tạo ra sai số khi để Petr Cech đẩy được cú sút ở lượt thứ 2. Tất cả trách nhiệm dồn vào John Terry ở lượt cuối. Nếu thành công, Chelsea sẽ lên ngôi vô địch Champions League lần đầu tiên trong lịch sử.

Terry đã làm điều ngược lại. Đêm mưa khiến sân bị trơn và đội trưởng Chelsea trượt chân ở cú sút quyết định, bóng chạm mép ngoài cột khung thành, và chừng đó là quá đủ để MU hồi sinh. Anderson và Giggs thực hiện thành công 2 lượt sút tiếp theo để dồn áp lực vào Nicolas Anelka ở lượt sút cuối.

“Tôi đã xem khoảng 40 lần về cách mà những cầu thủ Chelsea thực hiện phạt đền, bao gồm cả Anelka. Anh ấy thường xuyên nhắm về phía tay phải của thủ môn”, Van der Sar thừa nhận sau này với Guardian.

Đêm hôm đó, Anelka đúng là đã sút phạt sang bên tay phải của Van der Sar, và Man United trở thành nhà vô địch Champions League.

John Terry trượt chân ở cú sút luân lưu thứ 5 và định mệnh, như lời Didier Drogba nói, đã đứng về phía MU. Ảnh: Getty.

Chuyện chưa kể

Nicolas Anelka là người sút hỏng quả phạt đền quyết định khiến Chelsea mất chức vô địch, song John Terry luôn là người bị nhớ tới vì cú trượt chân tai hại ở lượt sút thứ 5. Thủ thành Petr Cech sau này nhớ lại với Guardian: “Khi Van der Sar đổ sai hướng, tôi nghĩ chúng tôi vô địch, thế rồi cú sút lại hướng ra ngoài”.

Lampard nói: “Tôi sẽ giao cả nhà tôi cho Terry. Anh ấy là Quý ông Chelsea (Mr.Chelsea). Nếu Terry không trượt chân, chúng tôi đã vô địch”.

Terry nhiều năm sau thất bại ấy cũng không thể quên được sai lầm của mình. “Chắc chắn là tôi không bao giờ có thể quên được nó. Thời gian có thể xoa dịu nhiều thứ, nhưng có những thời điểm mọi thứ bỗng ùa về giữa đêm, và tôi chẳng thể ngủ tiếp nổi. Nó thực sự thất vọng”, Terry quả quyết trong bài phỏng vấn vào năm 2015.

Cristiano Ronaldo bật khóc khi Edwin Van der Sar sửa chữa sai lầm của mình và đưa MU vô địch. Ảnh: Getty.

Anelka, tội đồ thực sự của Chelsea, luôn cho thấy anh chưa bao giờ muốn sút quả luân lưu định mệnh đó. “Tôi chẳng khởi động gì cả, thế rồi HLV gọi tôi lại và tung vào sân. Chẳng có lấy một phút làm ấm người. Tôi chỉ đá có 10 phút trong vai trò hậu vệ phải, và sau cùng là sút luân lưu. Van der Sar đã cản được cú sút của tôi, và thế là hết trận”.

Những cầu thủ MU không bao giờ có thể quên được lần cuối cùng họ trở thành những nhà vô địch UEFA Champions League. Rio Ferdinand gọi đó là định mệnh. “Ryan Giggs phá vỡ kỷ lục của Bobby Charlton đúng 50 năm sau ngày MU vô địch cúp C1. Tôi nghĩ tên chúng tôi đã được viết lên những vì sao”, Rio nói với Guardian.

Cristiano Ronaldo nói đó là “ngày tuyệt nhất cuộc đời”: “Tôi đã chơi một trận đấu tốt. Tôi ghi bàn, nhưng rồi lại sút hỏng luân lưu. Đây có thể ngày tệ nhất cuộc đời. Thế rồi mọi thứ thay đổi".

Sir Alex Ferguson cũng quả quyết đó là lần đầu ông thắng một trận đấu cúp quan trọng bằng sút luân lưu dù trực tiếp thừa nhận Chelsea là đội chơi tốt hơn: “Tôi đã thua 3 trận với Aberdeen, 3 trận với MU. Thế nên, đây là lần thứ 7 may mắn. Tuyệt diệu”.

Man United giành chức vô địch Champions League lần cuối cùng trong lịch sử CLB tới giờ. Ảnh: Getty.

11 năm sau nhìn lại trận chiến trong đêm mưa Moscow ấy, có quá nhiều hình ảnh biểu tượng đủ để biến trận cầu này trở thành bộ phim điện ảnh thay vì chỉ là những ký ức nóng hổi.

Có nước mắt của John Terry khi khóc trên vai Avram Grant giữa trời mưa vì thất bại, Cristiano Ronaldo khóc trên mặt sân vì chiến thắng. Có nụ cười của Edwin Van der Sar vì một lần nữa vô địch châu Âu sau 13 năm, của Rio Ferdinand khi lao tới ôm chầm lấy thủ thành người Hà Lan. Có cả sự đau đớn thẫn thờ của Frank Lampard.

Tất cả biến trận chung kết UEFA Champions League 2008 trở thành chuyến tàu lượn cảm xúc điên rồ, để 10 năm sau nhìn lại, những người từng sống qua khoảnh khắc đó luôn thấy mọi chuyện dường như mới chỉ là ngày hôm qua.

Pep Guardiola: 'Giành cú ăn 3 khó hơn vô địch Champions League' Vị chiến lược gia người Tây Ban Nha tỏ ra hài lòng với 3 danh hiệu quốc nội của Man City mùa này, đồng thời nhấn mạnh những khó khăn mà ông cùng các học trò gặp phải.

Nhật Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/man-united-chelsea-va-tran-chung-ket-champions-league-kich-tinh-post948668.html