Man Utd bắt đầu cuộc cách mạng bằng việc chọn Rangnick

Man United muốn có sự thay đổi triệt để khi bổ nhiệm Ralf Rangnick, một trong những chuyên gia hàng đầu về tổ chức và phát triển bóng đá.

Lựa chọn mang tên Ralf Rangnick được xem là nước cờ khôn ngoan của Man Utd. Và với lựa chọn này, họ có vẻ như chấp nhận tiến hành cuộc cách mạng lớn sau 10 năm sa lầy.

Kể từ kỷ nguyên nhà Glazer, rất nhiều người đã chỉ trích giới chủ người Mỹ khi cho rằng họ không quan tâm đến thành tích của Man Utd mà chỉ quan tâm đến tiền. Chỉ trích này thực sự là thiếu công bằng.

Là chủ đầu tư kinh nghiệm và khôn ngoan, nhà Glazer quá hiểu việc không có thành tích ảnh hưởng thế nào đến doanh số của Man Utd. Chẳng ai dại gì hài lòng với tình trạng có lợi nhuận, nhưng tăng trưởng âm cả. Tất nhiên, nhà Glazer còn thấu hiểu tình trạng kinh doanh của Man Utd hơn bất kỳ khách quan nào.

Ed Woodward không đáng bị chỉ trích

Một trong những người cũng hay bị chỉ trích là Ed Woodward. Sự chỉ trích nhắm vào ông khá tương đồng với trợ lý riêng của Roman Abramovich là Granovskaia. Và vẻ như họ bị chỉ trích oan ức. Granovskaia đã mang về Chelsea những người tốt nhất, nhưng vấn đề là các huấn luyện viên (HLV) trước đó đã sử dụng họ như thế nào (điển hình là trường hợp Kevin de Bruyne và Lukaku).

Còn Ed Woodward, ông ta đã tiếp cận những ai? Thực tiễn cho thấy ông từng thuyết phục Jurgen Klopp, nhưng bất thành khi Klopp nhận thấy môi trường làm việc ở Man Utd "giống y công viên Disney". Và bây giờ, khi bổ nhiệm Ralf Rangnick, có thể nói Ed Woodward đã không chỉ chọn được đúng con người, mà còn xác lập được luôn hệ thống Man Utd mới. Một cuộc cách mạng thực sự đã bắt đầu.

Khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, đích thân ông lựa chọn David Moyes. Thất bại của David Moyes đã kéo theo một loạt xáo trộn tại Man Utd trong suốt gần 10 năm qua. Và ở mỗi người được chọn lựa để đặt lên ghế nóng, ý kiến của Alex Ferguson luôn là “chung khảo” với sức nặng quyền lực lớn.

David Moyes bị sa thải trong chưa đầy một mùa giải nắm quyền tại Old Trafford. Ảnh: Reuters.

Câu chuyện sẽ trở nên rối rắm hơn nếu sau lần sa thải Ole Solskjaer này, Man Utd tiếp tục chọn HLV dựa trên những ý kiến cố vấn của Sir Alex Ferguson. Đơn giản, việc lựa chọn ấy mang đầy tính may rủi khi Man Utd tự xác lập luôn hệ thống làm việc có sẵn của mình là bất biến, và người HLV chỉ là mối ghép có vẻ phù hợp với hệ thống làm việc ấy theo đánh giá ban đầu mà thôi. May thì mối ghép hoàn hảo, và mang lại hiệu quả. Rủi thì lại sa thải, đền tiền, đi tìm mối ghép khác. Rõ ràng là vòng luẩn quẩn.

Nhưng lần này, nhà Glazer, thông qua cánh tay Ed woodward, đã chọn lựa khác. Ngay từ khi sa thải Ole Solskjaer, đã có một tín hiệu ngầm được bắn ra cho báo chí rằng Sir Alex Ferguson sẽ không có vai trò chính thức nào trong công cuộc kiếm tìm HLV nữa. Fletcher và John Murtough được chỉ định sẽ là những người đi “buông câu”. Còn việc “rắc thính”, chọn “ổ câu” như thế nào là câu chuyện của thượng tầng.

Thực tế, cuộc đàm phán với Ralf Rangnick đã được tiến hành từ hôm 22/11, ngay sau cuối tuần bẽ bàng trước Watford, nhưng được giữ kín đến tận phút chót. Quả thực, lần này Man Utd đã đi nước cờ ngoạn mục khi giấu kín mọi thông tin và để dư luận bàn tán tới mọi cái tên có khả năng, từ Zidane cho tới Rodger, từ Pochettino cho tới Erk ten Hag.

Và khi thỏa thuận sơ bộ với Rangnick đã xong, Man Utd mới rò rỉ thông tin và tiến hành bước cuối cùng: “Mua lại” hợp đồng với CLB chủ quản của Rangnick hiện nay.

Chờ "cái chất" của Rangnick

Mấu chốt quan trọng nhất của bản hợp đồng mang tên Ralf Rangnick thực tế không nằm ở chỗ ông này được coi là “bậc thầy” của những HLV Đức đương đại như Tuchel, Klopp… mà nằm ở điểm khác. Thực tế cho thấy một người đặt nền móng cho cả nền huấn luyện chưa chắc đã là HLV xuất chúng trên khía cạnh chinh phục danh hiệu. Đơn cử như Marcello Bielsa chẳng hạn. Từ Pep cho tới Pochettino, từ Gallardo đang lừng danh ở River Plate cho tới Simeone, ai cũng xem ông như thầy của mình.

Nhưng Bielsa vẫn chưa thể có danh hiệu ở châu Âu. Song, thứ mà ông tạo ra cho Leeds là không thể phủ nhận. Thứ nhất, hệ thống xuyên suốt từ học viện lên đội một. Thứ hai, lối chơi rõ ràng, có ý tưởng và có chất.

Man Utd thực ra thiếu “chất” kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu. Họ nhạt nhòa, không có ý tưởng chủ đạo rõ rệt trên sân và do đó, việc loay hoay tìm HLV phù hợp cứ kéo dài mãi suốt cả một thập niên.

Rangnick đến, chắc chắn trong thời gian tạm quyền vài tháng ông sẽ cải thiện diện mạo của Man Utd bằng lối chơi, phong cách cụ thể và có “căn cước”. Đó là cái được trước mắt của Man Utd cái đã. Còn chuyện cạnh tranh thứ hạng, việc ấy trời tính.

Cái được lớn hơn cả nằm ở chính điều khoản giao kèo giữa Rangnick với Man Utd, tức là sau thời gian tạm quyền, Rangnick sẽ nắm vai trò “cố vấn có thực quyền” của CLB. Đây chính là điểm bước ngoặt đủ để nói Man Utd đang làm cuộc cách mạng. Nó cho thấy Rangnick không tới Old Trafford để vực dậy đội bóng đơn thuần mà ông tới để hồi sinh một CLB.

Rangnick đứng sau thành công của nhiều cầu thủ như Timo Werner, Erling Haaland, Naby Keita. Ảnh: Reuters.

Bằng việc giao cho Rangnick quyền lực bao trùm về chuyên môn lên toàn CLB, Man Utd coi như đã lẳng lặng giã từ sức ảnh hưởng nhiều năm của Sir Alex Ferguson. Tất nhiên, họ vẫn giữ cái kỹ nghệ vận hành kiểu chuyên môn hóa sâu sắc mà Sir Alex để lại, nhưng họ cải tiến nó bằng cách phải tạo ra một thuộc tính xương sống về chuyên môn bóng đá cho CLB, giống như cách mà Cruyff đã làm cho Barca và Rangnick đã xây dựng cho Leipzig. Và đó cũng là thứ Man Utd thiếu suốt nhiều thập niên qua khi mà Sir Alex Ferguson chú trọng nhiều vào quản trị hơn là xây dựng học thuyết bóng đá riêng cho Man Utd.

Chưa bao giờ ở Man Utd có một ai sở hữu quyền lực bóng đá bao trùm CLB như Sir Alex Ferguson cả. Mourinho, người được coi là một trong số các cá nhân hạt nhân thay đổi Premier League, cũng đã không có được quyền lực ấy trong mấy năm ở Old Trafford. Louis Van Gaal càng không.

Chính cái tầm ảnh hưởng quá lớn của Sir Alex Ferguson lên Man Utd đã cản trở sức phát triển của họ. Nói nôm na, tình yêu thương của Sir Alex Ferguson cho CLB như người cha với đứa con nhỏ vậy. Quá chú tâm vào ôm ấp, chăm bẵm nó, ông đã không kịp để cho nó có thể tự đi trên đôi chân của mình trong khi đường đời chông gai vô ngần.

Bổ nhiệm Rangnick với cái đích sau này sẽ là một “tổng công trình sư” cho hoạt động bóng đá của Man Utd, có thể nói giới chủ Man Utd đã làm cuộc cách mạng ly khai khỏi quyền năng của Sir Alex Ferguson.

Cuộc cách mạng này thực tế hứa hẹn nhiều điều tích cực, nhưng nó chắc chắn cũng không chỉ trải ra hoa hồng. Sẽ có rất nhiều gai, mà đơn cử là cuộc chiến truyền thông giữa lực lượng kiêu binh “cựu học trò Ferguson”, những người được xem là theo “chủ nghĩa Fergie” (Fergusonism) với những người làm cách mạng, mà đại diện là Rangnick. Sau đó sẽ là những tốn kém rất lớn về tài chính để giải tán các hợp đồng vô dụng ở Man Utd, từ cầu thủ cho tới lực lượng thành viên ban huấn luyện.

Nhưng không có cách mạng nào thành công mà không có mất mát hy sinh cả. Và nếu Man Utd không bổ nhiệm Rangnick hôm nay, 10 năm sau có khi họ vẫn loay hoay như thế. Lúc ấy, để xử lý đống đổ nát, chi phí có khi còn nhiều hơn lúc này gấp vài lần.

Có lẽ, từ nay, Sir Alex Ferguson cũng sẽ bớt xuất hiện trên khán đài Old Trafford chăng? Là người yêu CLB vô ngần, ông hiểu sự hiện diện của mình khi nào có lợi cho CLB, khi nào thì không. Còn riêng bản thân ông, dù có mặt trên khán đài hay không, với các cổ động viên Man Utd, hình ảnh của ông vẫn luôn ở đó, trong lòng họ và trong hiện thân là bức tượng đồng đồ sộ ở khuôn viên sân vận động mang tên “Nhà hát của những giấc mơ”.

Hà Quang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/man-utd-bat-dau-cuoc-cach-mang-bang-viec-chon-rangnick-post1280099.html