Màng bọc thực phẩm, tưởng an toàn mà vô cùng hại

Màng bọc thực phẩm tràn lan trên thị trường, khi sử dụng không đúng cách có thể gây nhiễm độc. Người tiêu dùng phải chú ý gì để bảo vệ sức khỏe?

1. Đa dạng về chủng loại Trên thị trường có rất nhiều loại màng bọc khác nhau với các chất liệu được ghi là nhựa PVC, PE. Sản phẩm được đóng gói dưới dạng hộp giấy, thường kèm sẵn dao để cắt khi sử dụng. Giá của mỗi hộp dao động trong khoảng từ 25 – 60 nghìn.

1. Đa dạng về chủng loại Trên thị trường có rất nhiều loại màng bọc khác nhau với các chất liệu được ghi là nhựa PVC, PE. Sản phẩm được đóng gói dưới dạng hộp giấy, thường kèm sẵn dao để cắt khi sử dụng. Giá của mỗi hộp dao động trong khoảng từ 25 – 60 nghìn.

Tại các cửa hàng, siêu thị hay sạp chợ đều có bán màng bọc thực phẩm làm bằng nhựa PVC với các nhãn hiệu khác nhau như: Ringo, Saigon Co.op, Diamond... Trên bao bì ghi rõ làm từ nhựa PVC, khuyến cáo không cho tiếp xúc với lửa, các loại thực phẩm chứa dầu mỡ.

Màng nhựa PVC được làm từ polyme, thường phải dùng đến phụ gia để tăng thêm tính năng mềm dẻo của màng. Tuy nhiên cũng có một số chất tạo dẻo như DEHP (Di 2-Ethylexyl phthalate) có nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng khi gặp nhiệt cao.

Màng PE (màng bọc Starway) mềm dẻo và trong suốt. Đối với màng này, ít khi nhà sản xuất sử dụng đến chất phụ gia tạo dẻo, vì vậy tương đối an toàn khi dùng làm bao bì thực phẩm, song rất hiếm thấy trên thị trường vì giá thành sản xuất cao hơn dạng nhựa PVC.

Tại các sạp hàng chợ đầu mối, có thể bắt gặp nhiều loại màng thực phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ, bao bì đóng gói sơ sài, trên hộp giấy chỉ in duy nhất những thông tin về hướng dẫn cách sử dụng, giới thiệu công dụng mà không ghi rõ thành phần và khuyến cáo sử dụng.

Khi được hỏi về màng bọc thực phẩm, bác N.H (Kim Giang - Hoàng Mai) cho biết: "Gia đình tôi thường xuyên dùng loại food wrap để bảo quản đồ ăn, giá 15 nghìn, có thể bỏ vào lò vi sóng hâm nóng hoặc cất trong tủ lạnh. Tôi thấy tiện thì mua chứ cũng không rõ có ảnh hưởng đến thực phẩm hoặc gây độc gì hay không."

Băn khoăn khi mua sản phẩm này, bạn Minh Phi (sinh viên đại học Văn hóa) chia sẻ: "Trước đây mình dùng màng bọc Ringo, sau chuyển sang màng Las Palms, giờ đi đâu mua cũng thấy loại nhựa PVC, tìm không thấy loại PE ở đâu, đành chấp nhận "sống chung với lũ", nhiều loại quá nên cứ thấy giá vừa vừa thì mua ".

2. Cách sử dụng và bảo quản Thị trường thiếu sản phẩm chất lượng, người tiêu dùng ham rẻ, dùng không đúng cách khiến màng bọc tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Vũ, Trưởng khoa Công nghệ Sinh học & Môi trường, trường Đại học Phương Đông: "Màng bảo quản hiện nay được sử dụng khá phố biến, có mục đích tốt là tránh dập nát cũng như tạo môi trường vi khí hậu giúp bảo quản, làm chậm quá trình chín của hoa quả, thực phẩm".

Tất nhiên không loại trừ khả năng khi sơ chế, thực phẩm đã bị ngâm vào hóa chất, hoặc chất liệu màng bọc không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến người dùng. Việc phân biệt chất độc có hay không bằng mắt thường rất khó.

Một số dấu hiệu nhận biết chất liệu màng bọc có thể tham khảo như: màng PE có màu trắng, ít dính tay khi sờ vào, dễ dàng bóc ra, còn PVC màu vàng, dính chắc, khó bắt lửa hơn và khi cháy có mùi hắc khó chịu.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nên chọn mua màng bọc thực phẩm của các thương hiệu có uy tín, có đăng ký chất lượng và đọc kỹ thành phần màng bọc.

Nhằm phòng ngừa trường hợp màng bảo quản có sử dụng phụ gia độc hại, nên hạn chế bao gói thức ăn khi còn quá nóng. Đối với các màng nhựa PE hoặc PVC, nên hạn chế hâm nóng trong lò vi sóng.

Màng bọc thực phẩm PVC chỉ thích hợp với những loại thực phẩm chưa qua chế biến, màng PE phù hợp dùng để bảo quản thức ăn đã qua sơ chế.

Ngọc Linh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoa-hoc/mang-boc-thuc-pham-tuong-an-toan-ma-vo-cung-hai-337184.html