Màng bọc thực phẩm xuất xứ từ Trung Quốc nhiễm độc: Cảnh giác cao độ

GiadinhNet - Sau hàng loạt nghi vấn nhiễm độc thực phẩm xảy ra gần đây, nay màng bọc thực phẩm được xem là “áo giáp” bảo vệ thực phẩm chế biến sẵn, cũng dính nghi án nhiễm độc khiến người tiêu dùng và giới kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ mệt mỏi.

Rất nhiều loại màng bọc thực phẩm được bày bán tại siêu thị.

Ảnh: Hoài Nam.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, màng bọc thực phẩm có thương hiệu uy tín, xuất xứ rõ ràng, đúng tiêu chuẩn thì sử dụng vẫn an toàn…

“Không phải màng bọc Trung Quốc đâu…”

Trong vài năm trở lại đây, sự tiện dụng của màng bọc thực phẩm trong việc bảo quản thức ăn, trái cây… khiến loại “áo giáp” này nhanh chóng được “người người sử dụng, nhà nhà sử dụng”.

Chị Nguyễn Tuyết Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị đã sử dụng màng bọc thực phẩm nhiều năm qua. Bởi sự tiện dụng của màng bọc nên các thức ăn bỏ vào tủ lạnh không bị hôi hay lẫn mùi. Mặc dù chị Nhung thường mua màng bọc thực phẩm xuất xứ từ Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan để sử dụng nhưng trước thông tin nhiều loại màng bọc thực phẩm xuất xứ từ Trung Quốc gây độc hại, chị cũng có đôi chút băn khoăn liệu sử dụng lâu những màng bọc này có gây hại gì cho sức khỏe hay không?

Ngày nào anh Tùng (Thủ Đức, TPHCM) cũng đẩy xe mít đi bán dạo bởi đó là “nồi cơm” của gia đình anh. Trái mít được anh cắt làm 8 miếng, xếp gọn gàng đẹp mắt. Mỗi miếng mít được bọc cẩn thận bằng màng bọc thực phẩm, giữ vệ sinh hữu hiệu khi anh Tùng đẩy xe đi bán dạo trong khói bụi đô thị. “Không giữ vệ sinh bằng cách sử dụng màng bọc thực phẩm người ta không mua đâu”, anh Tùng giải thích. Tuy nhiên mấy ngày gần đây, ông chủ xe mít bán dạo này phải bọc mít bằng loại “áo giáp” hiệu trái táo của Thái Lan để nếu khách hàng có hỏi “dùng màng bọc gì đây” thì anh chỉ vào bao bì mà đáp ngay: “Không phải màng bọc Trung Quốc đâu anh chị ơi. Của Thái đàng hoàng. Yên tâm, yên tâm!”.

Màng bọc thực phẩm phổ biến trên thị trường

Màng bọc thực phẩm được bày bán phổ biến ở rất nhiều cửa hàng tạp hóa tại các thành phố lớn với đủ chủng loại, mẫu mã, từ hàng trong nước (với công nghệ nước ngoài) tới hàng nhập khẩu Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... Các loại chất liệu được ghi là nhựa PVC, PE hoặc màng nhôm… với giá từ 13.000 đồng/hộp nhỏ và 150.000 đồng/cuộn to. Các chủ cửa hàng cho biết, trong một vài năm gần đây, sản phẩm này được người tiêu dùng rất ưa chuộng do tiện dụng, giá rẻ. Khi hỏi về nguồn gốc sản phẩm này, chủ cửa hàng cho hay thường có các xe đến đổ buôn cùng các hàng tạp hóa khác nên không quan tâm đến xuất xứ của sản phẩm. Chỉ biết các sản phẩm này chủ yếu là hàng của Trung Quốc.

Chị Hồng, một tiểu thương kinh doanh các loại đồ dùng nhựa tại chợ sỉ Bình Tây (TPHCM) cho biết, dạo trước chị bán nhiều loại màng bọc thực phẩm về các tỉnh vì giá “mềm”, nay chỉ bán hàng Thái Lan giá cao nên ít người mua hơn. “Màng bọc thực phẩm của Thái Lan hiệu trái táo có giá 160.000 đồng/cuộn 600m, còn cuộn 400m có giá 130.000 đồng. Tuy nhiên, loại màng bọc của Trung Quốc giá rẻ gần một nửa nên bán được nhiều. Có điều, mấy hôm này tôi không bán hàng Trung Quốc nữa, chỉ còn hàng trái táo này thôi”, chị Hồng vừa nói vừa tiếp thị mặt hàng màng bọc Thái Lan này.

Tại quầy hàng tạp hóa của siêu thị Big C Hà Nội có cả một góc hàng chuyên về màng bọc thực phẩm. Trên kệ hàng này có trên dưới 20 loại màng bọc thực phẩm với thành phần là màng nhựa PE, hầu hết các sản phẩm đều ghi 2 - 3 thứ tiếng. Giá cả của màng bọc thực phẩm giao động từ 28.000 -200.000 đồng, tùy từng loại và số lượng, kích cỡ. Không chỉ bán các loại màng bọc mà đa số các kệ thực phẩm bày bán sẵn ở Big C đều sử dụng màng bọc thực phẩm, tạo cảm giác sạch sẽ, gọn gàng và bắt mắt.

Thông tin màng bọc thực phẩm xuất xứ từ Trung Quốc chứa DEHA (diethylhydroxylamine) với mức vượt ngưỡng cho phép từ 98-472 lần được truyền thông đăng tải mấy ngày gần đây khiến người dân cảnh giác cao độ. DEHA là chất dẻo bị cấm sử dụng do gây ảnh hưởng tới hoócmôn, rối loạn hệ thống nội tiết, làm estrogen tăng, nội tiết tố nam giảm. Vì vậy DEHA khiến nữ giới sớm dậy thì, còn nam giới thì vô sinh. DEHA còn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bộ phận sinh dục của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Các cơ quan chức năng tại TPHCM đã nhanh chóng vào cuộc lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ đạo từ Cục Vệ sinh thực phẩm, đến ngày 10/8 phải báo cáo kết quả. Hiện hệ thống siêu thị Co.opmart đang khẩn trương rà soát toàn diện để sớm có câu trả lời, giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng loại màng bọc này. Trong khi chờ cơ quan chức năng lên tiếng về vấn đề này, người tiêu dùng vẫn đang sử dụng các loại màng bọc thực phẩm với tinh thần cảnh giác cao.

PGS.TS Trần Hồng Côn - Giảng viên chính Khoa Hóa học (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, màng bọc thực phẩm có thành phần nhựa PE, PVC là được phép sử dụng, không độc hại. Tuy nhiên khi sản xuất, người ta phải bổ sung chất tạo dẻo để tăng độ co giãn cho sản phẩm. Nếu các chất dẻo được công nhận an toàn, hàm lượng đúng quy định thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu họ cho một số chất tạo dẻo như DEHP thì nguy cơ gây ngộ độc cho người dùng là rất lớn.

Người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm được cho phép có kí hiệu là EU hoặc USA, hoặc các sản phẩm trong nước được sản xuất từ công nghệ có uy tín của nước ngoài, có xuất xứ rõ ràng và đã có đăng ký, kiểm nghiệm chất lượng. Đối với những sản phẩm trôi nổi trên thị trường sẽ rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Đỗ Bá – Hoài Nam

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/suc-khoe/mang-boc-thuc-pham-xuat-xu-tu-trung-quoc-nhiem-doc-canh-giac-cao-do-201308051002593.htm